Có thể thoát cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc?

.

Tuần trước, Mỹ đề xuất mức thuế cho hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu lên tới 60 tỷ USD. Trung Quốc “đáp lễ” bằng mức 3 tỷ USD cho 128 mặt hàng của Mỹ nhập vào. Cuộc chiến ấy vẫn chưa bắt đầu, nhưng nếu không đàm phán để đạt được thỏa thuận thì không chỉ Mỹ và Trung Quốc gặp khó khăn mà rất nhiều các nước khác sẽ chịu hệ lụy. Chính vì thế, tờ Bloomberg viết hàng tít “Hãy chấm dứt cuộc chiến này khi chưa bắt đầu”.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình trong một lần gặp nhau hồi năm 2017.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình trong một lần gặp nhau hồi năm 2017.

Nỗi lo toàn cầu

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo nhận định về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc rằng “Nếu không phải là khó khăn nhất thì cũng là một trong những khó khăn nhất của WTO trong suốt 23 năm tồn tại”. Trước khi Mỹ phát đi tín hiệu sẽ đánh thuế 60 tỷ USD cho hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc thì chính quyền của Tổng thống Donald Trump phát đơn kiện Trung Quốc lên WTO vì vi phạm các quy tắc cơ bản về sở hữu trí tuệ. “Nếu cuộc chiến chỉ nhắm vào thép và nhôm thì có vẻ không nghiêm trọng nhưng mở rộng ra tới hàng trăm, hàng nghìn mặt hàng khác thì thực sự lo ngại cho kinh tế thế giới”, ông Azevedo nói.  

EU cùng 6 quốc gia khác thuộc vào diện miễn trừ tăng thuế thép và nhôm nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump về khả năng đàm phán thương mại EU –Mỹ. Một loạt các nước châu Á mạnh về xuất khẩu như Hàn Quốc sẽ gặp khó khăn trong giao thương với cả Mỹ và Trung Quốc. Nhật Bản xuất khẩu thiết bị điện tử cho Trung Quốc, Úc xuất khẩu quặng sắt cho Trung Quốc cũng sẽ gặp không ít trở ngại vì cuộc chiến này.

Trung Quốc không muốn nhảy vào cuộc chiến

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng khẳng định không muốn lao vào cuộc chiến thương mại với Mỹ bởi muốn duy trì quan điểm phát triển kinh tế từ thời mở cửa cuối thập niên 1970 là toàn cầu hóa và thương mại tự do. Ông Lý nói thêm là Trung Quốc vẫn còn có thể mở cửa thị trường nhiều hơn nữa.

Thủ tướng Lý cho biết sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho các nhà đầu tư trong các lĩnh vực tài chính, sản xuất, chăm sóc người cao tuổi và giáo dục. Chính phủ Trung Quốc hứa sẽ cắt giảm thuế các mặt hàng tiêu dùng là một thuận lợi cho các nhà sản xuất toàn cầu, nhất là Mỹ. Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, Trung Quốc đã trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ hai sau Mỹ vào năm 2016. Ngày “cô đơn” 11-11-2017, chi tiêu kỷ lục mọi thời đại chỉ riêng trên trang Alibaba cho biết người Trung Quốc chi 25 tỷ USD; gấp 4 lần ngày “Thứ Hai điện tử” và “Thứ Sáu đen tối” ở Mỹ. Lời cam kết giảm thuế nhập khẩu hàng tiêu dùng phổ thông sẽ tạo cơ hội cho các công ty nước ngoài xâm nhập vào Trung Quốc.

Trung Quốc dự kiến sẽ giảm bớt các hạn chế để người dân du lịch ra nước ngoài dù trong năm 2016 nước này chiếm 21,4% tổng chi tiêu du lịch toàn cầu. Hiện chỉ có một tỷ lệ khá nhỏ công dân Trung Quốc có hộ chiếu du lịch nước ngoài nên sẽ cởi mở hơn để người dân có thể đi ra nước ngoài nhiều hơn. Tất cả những dự định nới lỏng nói trên của Trung Quốc cho thấy rõ hơn việc họ không muốn lao vào cuộc chiến chứ không chỉ nói suông.  

Dấu hiệu tích cực của Mỹ

Như nói ở trên, Mỹ không đưa EU và 6 quốc gia vào cuộc chiến thương mại lần này, nghĩa là muốn giảm bớt sức nóng lan rộng. Ông Trump sẵn sàng đàm phán thương mại với EU. Mỹ có thêm một động thái nữa được cho là dấu hiệu mạnh mẽ về khả năng không xảy ra chiến tranh thương mại. Đó là Mỹ và Hàn Quốc đàm phán sửa đổi Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước. Hàn Quốc đồng ý mở cửa thị trường ô-tô nội địa cho các hãng sản xuất ô-tô Mỹ; đổi lại Mỹ không tăng thuế thép và nhôm nhập khẩu từ Hàn Quốc. Mỹ cũng sẽ đàm phán với những trao đổi tương tự với EU và các nước khác. Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross nói rằng “Trên tinh thần đàm phán nhưng mỗi nước sẽ có khác nhau chút ít. Đạt được trên bàn đàm phán vẫn tốt hơn là nhảy vào cuộc chiến”.

Thận trọng đàm phán

Theo tờ Bloomberg, trước khi Mỹ quyết định tăng thuế thì chính ông Trump đã cố thuyết phục Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán suốt hai tháng trời nhưng bất thành. Một khi đã chủ động mở ra cuộc chiến thương mại thì Mỹ có lợi thế hơn. Trung Quốc cũng đã lập tức “xuống nước” với một loạt cam kết thay đổi mở cửa thị trường. Mỹ mở ra cuộc chiến nhưng cho biết sẵn sàng đàm phán đúng như quan điểm của Bộ trưởng Thương mại, Wilbur Ross phát biểu ở trên và cả Bộ trưởng Tài chính, Steven Mukuchin trả lời báo chí: “Chúng tôi không sợ chiến tranh thương mại nhưng đó không phải là mục tiêu của chúng tôi. Mỹ muốn đàm phán với Trung Quốc để coi liệu có thể đạt được thỏa thuận hay không?”.

Bên cạnh những cam kết của Trung Quốc, Mỹ còn đưa ra một loạt vấn đề cốt lõi trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Mỹ muốn Trung Quốc cắt giảm thâm hụt thương mại xuống 100 tỷ USD bởi mức độ thâm hụt này hồi năm ngoái đã lên tới 375 tỷ USD. Trung Quốc loại bỏ quy tắc đòi hỏi công ty nước ngoài phải liên doanh với công ty bản địa trong nhiều ngành công nghiệp và chấm dứt buộc các doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao tài sản có giá trị đã hoạt động tại Trung Quốc. Và cả vấn đề sở hữu trí tuệ nữa.

Ông Steven Mukuchin đàm phán với Lui He, người từng tốt nghiệp Đại học Harvard ở Mỹ và đang là cố vấn đáng tin cậy của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Mukuchin cho rằng quá trình đàm phán có diễn ra thuận lợi nhưng vẫn hết sức thận trọng vì cần phải đạt thỏa thuận mà Tổng thống Trump có thể chấp nhận được.

Các chuyên gia tỏ ra nghi ngờ thái độ của Trung Quốc. Ông Mark Williams, chuyên gia kinh tế châu Á tại công ty nghiên cứu Capital Economics, nói: “Trung Quốc sẽ có một số động thái xoa dịu như thế, đang cố làm giảm sự mất cân bằng thương mại song phương, nhưng nước này sẽ không có ý định giảm tới 100 tỷ USD như yêu cầu của ông Trump đâu”. Trung Quốc không muốn lao vào cuộc chiến thương mại với Mỹ nhưng không đời nào chịu thiệt, điều này sẽ  báo hiệu một cuộc đàm phán dằng dai.

ANH THƯ (tổng hợp)

;
.
.
.
.
.
.