Đà Nẵng cuối tuần
Cúc sợi tím
"Chửa biết tên nàng biết tuổi nàng/ Mà sầu trong dạ đã mang mang”/ Chiều xuân nở tím ven bờ ruộng/ Nửa giống cây trồng nửa mọc hoang... Đó là mấy câu lẩy thơ Lưu Trọng Lư tôi đã đăng kèm vài tấm ảnh để phát đi tín hiệu cầu cứu trên Facebook khi phát hiện một loài cây lạ xâm lấn địa bàn.
Cúc sợi tím - Centratherum intermedium (C. punctatum). Ảnh : P.C.T |
Trong thế giới phẳng ngày nay, đúng là “học thầy không tày học bạn/mạng”. Chừng nửa tiếng sau khi đăng status đó, tôi nhận được phản hồi của bậc đàn anh là lương y Đỗ Tất Hùng ở Hà Nội, vốn là con trai trưởng một giáo sư đầu ngành dược liệu, cho biết “cô nàng áo tím” mà tôi muốn “vấn danh” chính là Lam quan cúc (藍冠菊), tên khoa học Centratherum punctatum Cass., thuộc họ Cúc.
Một bạn facebook khác đang công tác tại Viện Dược liệu cũng lập tức thông tin cho biết loài này được Việt Nam ghi nhận đồng danh C. intermedium Less.
Tra trong “Cây cỏ Việt Nam” của Phạm Hoàng Hộ (quyển III, trang 236), loài này có tên Tâm nhầy, nhưng trong “Cây cỏ có ích ở Việt Nam” (trang 504) của Võ Văn Chi, Trần Hợp lại gọi tên Cúc sợi tím, một số nơi gọi Cúc tím..
Cúc sợi tím là cây thảo, sống nhiều năm, cao 45-60cm, mọc thành bụi. Thân mọc đối xứng, màu xanh nhạt, có lông trắng. Lá có phiến hình trái xoan, dài 4-8cm, gốc từ từ hẹp trên cuống, mép có răng kép, nhọn, không đều, gân bên 7 đôi. Cụm hoa đầu ở ngọn các nhánh không cuống, tổng bao to 1-1,5cm, do những lá bắc xanh, đầu nhọn, đen. Hoa hình ống dài, màu lam tím đẹp, bao phấn trắng.
Cây có nguồn gốc châu Mỹ nhiệt đới, được nhập trồng làm cây kiểng ở công viên, vườn nhà. Cây ưa sáng, ưa đất tốt, tái sinh hạt khỏe, nên được phát tán một số nơi ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thái Nguyên…
Tại Đà Nẵng, chúng tôi mới gặp một quần thể Cúc sợi tím mọc hoang đang trổ hoa khá đẹp ven bờ ruộng con đường Cẩm Hòa đi Túy Loan, thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Do lần đầu gặp trên con đường vốn được đắp đất từ nơi khác đem đến, nên tôi phỏng đoán rất có thể loài này mới hoang dại hóa, nên nói “nửa giống cây trồng, nửa mọc hoang” là do ý đó.
Tài liệu thực vật Đài Loan ghi mùa hoa loài này từ tháng 3 đến tháng 7; sách “Cây cỏ Việt Nam” ghi mùa hoa khoảng tháng 9, tuy nhiên thực tế chúng tôi gặp cây ra hoa từ dịp Tết đến gần hết mùa xuân.
Các tài liệu dược liệu chính thống ở nước ta và Trung Quốc như Từ điển cây thuốc Việt Nam, Danh lục cây thuốc Việt Nam, Trung dược đại từ điển, Trung hoa bản thảo,… đều chưa ghi nhận Cúc sợi tím làm thuốc.
Cúc sợi tím ít được nghiên cứu và chưa được ứng dụng trong y học. Trong phạm vi dân gian, mới được đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở Thái Nguyên dùng khá phổ biến để làm thuốc chữa cảm cúm, vàng da, đun nước tắm cho phụ nữ sau sinh.
Theo một khóa luận tốt nghiệp dược sĩ năm 2007 do TS Nguyễn Thị Bích Thu hướng dẫn, thực hiện tại Viện Dược liệu và Bộ môn Dược liệu, Đại học Dược Hà Nội cho biết dịch chiết cây Cúc sợi tím có tác dụng kháng khuẩn. Hoạt tính sinh học của loài này chủ yếu dựa trên sự có mặt của các sesquiterpen lacton và isocentratherin.
Chúng tôi tra cứu trên mạng internet, được biết theo một số tài liệu như Thanh thảo thế giới thái sắc đồ giám của Chung Đính Toàn biên soạn, Đài Loan hoa hủy thực dụng đồ giám (tập 12) do Đài Loan phổ lục xuất bản, thì Cúc sợi tím có vị hơi cay, tính mát, có công năng thanh nhiệt tiêu độc, được dùng chữa sưng đau hầu họng, viêm niệu đạo, dùng ngoài giã đắp chữa chấn thương xuất huyết, nhọt độc (ung thư thũng độc).
Dưới đây là vài bài thuốc kinh nghiệm của người dân Đài Loan:
- Sưng đau hầu họng: Cúc sợi tím gia Cỏ gân cốt hoa tím (Ajuga nipponensis) giã vắt nước uống hoặc sắc uống.
- Nhọt độc: lá Cúc sợi tím, lá Vác nhật, lá Sống đời cùng giã nhuyễn đắp.
Từ các tư liệu và kinh nghiệm nêu trên, chúng tôi hy vọng trong thời gian đến, Cúc sợi tím sẽ được tiếp tục nghiên cứu và cập nhật đưa vào Danh lục cây thuốc Việt Nam.
PHAN CÔNG TUẤN