Đà Nẵng cuối tuần
Thế hệ sinh năm 1975: Khát khao cống hiến
Họ là những người sinh năm 1975, mang hoài bão và khát vọng cống hiến xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng cũng như đất nước. Dù ở hoàn cảnh, cương vị, lĩnh vực công tác nào, họ cũng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trước khi được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, ThS. Lê Văn Nghĩa (bìa phải) đã có 20 năm công tác trong ngành giáo dục. Trong ảnh: ThS. Lê Văn Nghĩa trao quà cho học sinh tại một trường học trên địa bàn quận Liên Chiểu. Ảnh: TÚ PHƯƠNG |
Năm 2005, thành phố Đà Nẵng tổ chức tôn vinh “22 gương mặt tiêu biểu tuổi 30 thành đạt” nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng thành phố (29-3) và 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4).
Những gương mặt tiêu biểu ngày ấy hiện 43 tuổi, giữ những vị trí chủ chốt trong các cơ quan chính quyền, đơn vị, doanh nghiệp… như bác sĩ CKII Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hòa Vang; ThS. Phạm Văn Cửu, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Đường Việt (gọi tắt là Công ty Đường Việt); PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng); ThS. Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu…
Những lối rẽ nhiều thử thách
Đối với bác sĩ CKII Nguyễn Đại Vĩnh, 13 năm trôi qua đánh dấu nhiều đổi thay khi từ công việc chuyên môn rẽ sang làm quản lý, nhất là nhận nhiệm vụ xây dựng và phát triển một TTYT tuyến huyện. Từng là Trưởng khoa Nội Thần kinh - Cơ xương khớp - Huyết học lâm sàng Bệnh viện Đà Nẵng, nhận công tác tại TTYT huyện Hòa Vang với cương vị hoàn toàn mới kể từ tháng 9-2013, bác sĩ Vĩnh gặp không ít áp lực.
“Một TTYT tuyến huyện còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cả nguồn nhân lực thì khó thực hiện tốt nhiệm vụ khám, điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương. Nhưng chúng tôi không thể lúc nào cũng kêu khó mà phải nỗ lực khắc phục để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”, bác sĩ Vĩnh nói. Anh cùng các đồng nghiệp tập trung xây dựng sự đoàn kết và cả về y - đức cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của TTYT bằng nhiều hình thức, bởi người thầy thuốc chân chính không chỉ cần trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững, mà còn phải đồng cảm và có tấm lòng yêu thương bệnh nhân. Từ đó, TTYT huyện Hòa Vang ngày càng trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy, giúp giảm tải cho tuyến trên.
Một gương mặt khác là ThS. Phạm Văn Cửu. Tốt nghiệp khoa Xây dựng cầu đường - Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), anh nhận công tác tại Công ty CP Tư vấn xây dựng Công trình giao thông 5, sau đó giữ cương vị Trưởng phòng Kế hoạch-tổng hợp. Khi “liều” rẽ sang làm lãnh đạo một công ty tư nhân với quân số ban đầu chỉ hơn 10 người, anh cùng những người đồng sáng lập phải bắt đầu xây dựng mọi thứ.
Khó khăn chồng chất bởi anh cùng các cộng sự vừa phải quản lý công ty, ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện tốt các công trình, vừa phải tính đến bài toán kinh tế hiệu quả. Hơn 10 năm thành lập, Công ty Đường Việt hiện có hơn 100 cán bộ, nhân viên.
“Lối rẽ nào cũng có ít nhiều thử thách, quan trọng là cần có niềm tin vào sự lựa chọn của chính mình. Tương lai vẫn còn ở phía trước. Tôi cho rằng, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển vững chắc cũng đều chú trọng vấn đề con người, những doanh nghiệp liên quan đến dự án, công trình xây dựng như chúng tôi còn phải ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ”, anh Cửu chia sẻ.
Đam mê nghiên cứu khoa học
Ở lĩnh vực giáo dục, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa đã có 15 bài báo khoa học công bố ở các tạp chí khoa học trong nước, 10 bài báo khoa học công bố tại các hội thảo và tạp chí khoa học quốc tế…
Đặc biệt, một số công trình khoa học do PGS.TS Nguyễn Hồng Hải làm chủ nhiệm như “Đánh giá khả năng chống xói bề mặt mái taluy nền đường theo lý thuyết tiêu hao năng lượng dòng chảy - Áp dụng cho một số công trình trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng”, “Tính toán xử lý nền đất yếu trong trường hợp chiều sâu giếng cát hoặc bấc thấm nhỏ hơn vùng gây lún” có thể sử dụng cho các đơn vị tư vấn, các cơ quan quản lý tham khảo trong thiết kế và quản lý khai thác đường ô-tô.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hải đang tích cực phối hợp với Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng ECC và Sở Giao thông vận tải thực hiện đề tài “Quan trắc nhiệt độ trong kết cấu mặt đường bê-tông nhựa trên quốc lộ 14B”, làm cơ sở để nghiên cứu giải pháp cải thiện cường độ chịu biến dạng lún vệt bánh xe cho bê-tông nhựa mặt đường ở địa bàn miền Trung, khu vực có nhiệt độ cao vào mùa hè.
Với tác phong của người làm khoa học, nghiêm túc, chính xác và có chiều sâu, Nguyễn Hồng Hải bày tỏ mong muốn thành phố có những quy hoạch mang tính chiều sâu, cụ thể như quy hoạch có tầm nhìn rõ ràng; xác định được điểm mạnh, mũi nhọn để ưu tiên, tập trung và thu hút đầu tư; chú trọng yếu tố phát triển bền vững, không vì tăng trưởng nhanh mà đánh đổi môi trường.
Bên cạnh đó, anh cho rằng, thành phố cần ưu tiên đầu tư, phát triển về mặt con người, hướng tới nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung ở những lĩnh vực tiên phong như khoa học, công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh…
Trong khi đó, với ThS. Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, sự yêu mến và tín nhiệm dành cho anh xuất phát từ quá trình 20 năm công tác trong ngành giáo dục. Năm 1998, anh được xem là nhà quản lý giáo dục trẻ nhất của thành phố với cương vị Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).
Năm 2011, anh được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu. Gắn bó và đầy tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, anh cùng đội ngũ lãnh đạo phòng tích cực đưa ra những đề án thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, tạo nguồn kinh phí góp phần xây dựng cơ sở vật chất khang trang cho các trường học; tiếp sức học sinh nghèo đến trường; đồng thời khơi gợi sự tận tâm, yêu nghề, mến trẻ của cán bộ, giáo viên trên địa bàn; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh... Tháng 6-2016, ThS. Lê Văn Nghĩa được HĐND quận bầu giữ chức Phó Chủ tịch quận.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều gương mặt sinh năm 1975 đang ngày ngày thầm lặng góp phần xây dựng và phát triển thành phố. Chẳng hạn như, anh Lê Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Tân Chính (quận Thanh Khê) trưởng thành từ đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” (Đề án 89).
Anh mang tâm huyết, khát vọng của người cán bộ trẻ, luôn lắng nghe cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm từ những người đi trước. Nhiều chủ trương, đề án giảm nghèo do anh đưa ra nhận được sự thống nhất cao trong Đảng ủy và đại bộ phận người dân.
Trong vai trò người đứng đầu Đảng bộ phường Tân Chính, anh Dũng chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm túc các nội dung “5 xây, 3 chống”, kêu gọi toàn thể cán bộ phường nâng cao đạo đức công vụ, giữ thái độ ứng xử đúng mực với người dân. Đảng bộ phường cũng tạo điều kiện để cán bộ cơ quan học tập, nâng cao trình độ, bảo đảm công tác nhân sự, xây dựng đội ngũ kế cận chuyên nghiệp, đúng chuẩn.
Trong thời gian công tác tại phường, đối với mỗi cán bộ tốt nghiệp thạc sĩ, phường Tân Chính hỗ trợ 5 triệu đồng và hỗ trợ 3 triệu đồng với cán bộ tốt nghiệp đại học. Được biết, đây là phường đầu tiên trên địa bàn thành phố có sự hỗ trợ trên nhằm tạo động lực để mỗi cán bộ thêm quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Sinh ngày 1-5-1975, chỉ một ngày sau khi đất nước thống nhất, ngay tại Khu căn cứ lõm B1 Hồng Phước (quận Liên Chiểu), anh Dũng cho biết, tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc đã giúp anh tiếp tục cống hiến và trưởng thành.
TÚ PHƯƠNG - TIỂU YẾN