Đà Nẵng cuối tuần
Đa đa đậu nhánh Đa đa
Ca dao xứ Quảng có câu: “Con chim đa đa đậu nhánh đa đa/ Chồng gần không lấy, bậu lấy chồng xa/ Mai sau cha yếu mẹ già/ Chén cơm đôi đũa, ấm trà ai lo?”. Có tài liệu cho rằng đa đa chính là cây đa, trong bộ ba “cây đa, bến nước, sân đình”, vốn được xem là biểu tượng của làng quê Việt Nam bao đời nay. Tôi e cách hiểu này không đúng.
Cây Đa đa - Harrisonia perforata ra hoa trên núi Sơn Trà.Ảnh : P.C.T |
Về tình, rõ ràng câu hát hàm ý trách cứ hay van nài của anh hàng xóm nhắc nhở cho cô láng giềng đừng “bỏ đường quang đi quàng bụi rậm”, nên nhành đa đa mà chim đa đa lui tới không thể là cành của một loài cây cao bóng cả thường chiếm vị trí trang trọng ở đầu hay giữa làng như một trung tâm sinh hoạt cộng đồng.
Về lý, ai cũng biết chim Đa đa còn gọi là Gà gô, tên khoa học là Francolinus pintadeanus, thuộc họ Trĩ – Phasianidae, một loài chim rừng, thường sống trên cây trong các bụi rậm vùng trung du hay núi đồi, thỉnh thoảng cũng gặp ở đồng bằng.
Nên theo tôi, cây đa đa mà chim đa đa hay đậu chính là loài cây bụi Đa đa, còn có tên Cò cưa, Xân, Săng - Harrisonia perforata (Blanco) Merr., thuộc họ Thanh thất - Simaroubaceae.
Đa đa là loài cây nhỏ mọc trườn, phủ lông mịn như len, thân cành có gai cong, cành non màu nâu tím. Lá kép mọc so le, có 5-11 lá chét hình trứng, nguyên hoặc khía răng, hai mặt nhẵn, mặt trên bóng màu lục sẫm, mặt dưới nhạt; cuống chung có cánh giữa các lá chét. Cụm hoa mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá thành xim; hoa màu trắng, đài gồm 5 thùy nhỏ có lông; tràng có 5 cánh thuôn, dài 6-8mm; 10 nhị; 1 vòi nhuỵ. Quả hạch đỏ, to 2-2,5cm, chứa 3-5 nhân. Ra hoa quả quanh năm.
Đa đa thường gặp mọc rải rác trong rừng thứ sinh, ven rừng già ở độ cao tới 900m. Phân bố ở nhiều nơi: Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Phước, Đồng Nai. Tại Đà Nẵng có gặp ở ven rừng Sơn Trà, Bà Nà, Hải Vân. Còn có ở Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, New Guinea, Australia. Thu hái các bộ phận rễ, vỏ thân, cành lá và quả của cây quanh năm để làm thuốc.
Phân tích thành phần hóa học trong lá có các limonoid (perforatin, perforatinolon và các chất khác).
Đa đa mới được Trung Quốc ghi nhận làm thuốc trong Tân Hoa bản thảo cương yếu với tên gọi Ngưu cân quả (牛筋果), có công dụng thanh nhiệt giải độc, dùng chữa đau mắt.
Theo Trung hoa bản thảo, Đa đa có vị đắng, tính lạnh, nhập kinh can và phế, có công năng thanh nhiệt, triệt ngược (chữa sốt rét). Liều sắc uống trong 10-15g, dùng tươi có thể bội liều.
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, rễ và các bộ phận cành lá có vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Người ta thường dùng vỏ thân, cành lá sắc uống chữa ỉa chảy, kiết lỵ, sốt rét. Cũng dùng chữa đau nhức xương và làm thuốc điều kinh.
Ở Campuchia, người ta dùng quả để trị nhọt ở gan bàn chân. Ở Trung Quốc, người ta dùng rễ để chế thành dạng xi-rô dùng uống trị sốt rét. Ở Thái Lan, rễ cũng dùng làm thuốc hạ sốt.
Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, trong kháng chiến chống Mỹ, vỏ thân Đa đa được cán bộ và bộ đội khu V dùng chữa lỵ và làm thuốc điều kinh. Xí nghiệp Liên hiệp Dược tỉnh Đắk Lắk đã sản xuất viên H2 gồm Đa đa và Mức hoa trắng. Cách chế như sau: Vỏ thân Đa đa phơi khô 1.000g, lấy 500g cắt nhỏ nấu với 2 lần nước, lọc rồi cô lại còn 0,5 lít cao lỏng, lấy nốt 500g dược liệu còn lại tán nhỏ, rây bột mịn. Vỏ thân Mức hoa trắng đã phơi khô 1.000g, cũng chế biến như trên. Trộn cao lỏng và bột thuốc 2 loại dược liệu nói trên, rồi thêm bột nếp sao cho được khối lượng đủ sản xuất 5.000 viên. Liều dùng mỗi ngày 8-10 viên.
Ngoài ra ta còn lấy vỏ thân Đa đa phối hợp với gỗ cây Bách bệnh và thân cây dền phơi khô thái nhỏ sắc với 400ml nước còn 100ml, uống trong ngày, chữa sốt rét.
Lưu ý, các sách dẫn trên đây đều không ghi nhận độc tính, nhưng theo một số tài liệu trên mạng thì Đa đa có độc, nên thận trọng không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
PHAN CÔNG TUẤN