Đà Nẵng cuối tuần

Người nặng nợ với hình ảnh áo dài

15:19, 20/05/2018 (GMT+7)

Trở về từ chiến trường K, Đinh Lơ công tác tại UBND phường Tam Thuận, quận Thanh Khê. Nhưng rồi, vướng vào đam mê nhiếp ảnh từ thuở thiếu thời, ông từ bỏ công việc văn phòng, theo đuổi nhiếp ảnh. Trong “làng chụp ảnh”, ông được mệnh danh là “người chuyên đi lấy những hình ảnh đẹp các mùa lễ hội”. Nhưng tên tuổi của ông lại gắn với phụ nữ và áo dài.

Chân dung nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Lơ. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chân dung nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Lơ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thoạt nhìn nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Lơ (sinh năm 1961), ít ai nhận ra được bóng dáng của một tay máy với thâm niên vài chục năm. Dáng người khá nhỏ, da hơi sạm, khuôn mặt có phần khắc khổ cùng ánh mắt hiền từ, ông dường như không toát lên được chút gì đó gọi là nghệ sĩ.

Chỉ đến khi trò chuyện, nhìn những tấm ảnh sống động và cuốn hút, người ta sẽ cảm nhận được chất nghệ sĩ rất đậm trong ông.

Ông bắt đầu chụp ảnh như một cách mưu sinh từ năm 1995. Khách đặt gì ông chụp đấy. Đến năm 2001, một tác phẩm của ông được chọn triển lãm từ một cuộc thi về nhiếp ảnh do Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật (NANT) thành phố Đà Nẵng tổ chức, tạo cho ông động lực để bước chân vào con đường chụp ảnh chuyên nghiệp. Tại thời điểm này, gần như không có lễ hội nào là ông vắng mặt. Song, chủ đề được ông đặc biệt chú trọng và dành nhiều tâm huyết nhất là về người phụ nữ trong tà áo dài.

 Nét duyên của tà áo dài.(Ảnh nhân vật cung cấp)
Nét duyên của tà áo dài.(Ảnh nhân vật cung cấp)

Đến năm 2006, ông được kết nạp vào Hội NANT Đà Nẵng. Vào hội, tay nghề của ông ngày càng được nâng cao hơn sau mỗi lần đi thực tế, giao lưu với anh em trong “làng chụp ảnh”. Ông chia sẻ: “Tôi có mong muốn sẽ tổ chức một triển lãm về chủ đề áo dài từ những ngày đầu theo đuổi chủ đề này”.

Hiện, ông đang chọn 50 ảnh tâm đắc nhất  để triển lãm, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2018. Trong cảm nhận của ông, người phụ nữ đẹp nhất là những khi mặc áo dài và phải là áo dài truyền thống. Nét đẹp duyên dáng đó mang đến cho ông nhiều cảm xúc, thôi thúc ông phải lưu giữ lại.

Ông kể lại cuộc gặp ngẫu nhiên giữa ông với người mẫu trong “Nét duyên” - một tác phẩm mà ông yêu thích. Hôm đó, ông đi chụp đoạn cầu chữ T trên đường Bạch Đằng thì gặp hai cô gái mặc áo dài đang chụp ảnh bên cạnh những cây mai.

Ông thấy đẹp nên liền bấm máy. Đó là hai cô gái ở TP. Hồ Chí Minh ra chơi, nhân tiện những tiểu cảnh được dựng lên để đón Tết nên thuê áo dài đi chụp hình. Sau này, “Nét duyên” được Hội NANT TP. Hồ Chí Minh chọn triển lãm. Người ta bảo ông có duyên với phụ nữ, với áo dài quả thật không sai. Nhiều tác phẩm về áo dài của ông đã được giới thiệu trên những trang báo, tạp chí, được chọn làm ảnh bìa; được chọn để triển lãm như Nét duyên, Duyên dáng Việt Nam,…

Đằng sau những thành công của ông chính là gia đình. Ông luôn được gia đình ủng hộ, đặc biệt là người bạn đời của ông. Mỗi lần gia đình đi chơi xa, ông đều nhắc vợ mang theo áo dài để làm mẫu cho ông.

Ông nhớ những khi khó khăn, người phụ nữ của ông lại động viên rằng: “Nhất định sẽ thành công”. Đó chính là động lực để ông vững bước đi cùng nhiếp ảnh đến ngày hôm nay. Lật từng tấm ảnh mà mình tâm đắc, ông cười hồn hậu:  Khi có được những tấm ảnh ưng ý thì mọi mệt nhọc dường như tan biến.

MAI HIỀN

.