Đà Nẵng cuối tuần

San sẻ yêu thương

14:56, 01/05/2018 (GMT+7)

Nhà văn, nhà diễn thuyết nổi tiếng của nước Mỹ Mark Twain từng nói rằng “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe, người mù có thể thấy”. Và, giữa guồng quay hối hả của nhịp sống đô thị, nhiều người đã chọn cách cho đi lòng tốt như để cảm ơn đời vì họ may mắn có được cuộc sống tốt đẹp, sung túc hơn.

Bé Ngọc và bà đang bỏ tiền ủng hộ vào thùng quyên góp nhân đạo đặt tại chợ Đống Đa.  Ảnh: T.Y
Bé Ngọc và bà đang bỏ tiền ủng hộ vào thùng quyên góp nhân đạo đặt tại chợ Đống Đa. Ảnh: T.Y

Khi lòng tốt lên tiếng

Sáng cuối tuần, cô bé Ngọc theo chân bà đi chợ Đống Đa. Vừa bước vào cổng chợ, thấy thùng tiền có tên “Thùng quyên góp nhân đạo”, Ngọc níu tay hỏi bà: “Bà ơi, người ta để thùng tiền này giữa chợ làm gì thế?”.

Người bà, chân đang rảo bước về phía hàng ăn bỗng sựng lại và chậm rãi trả lời: “Đó là thùng tình thương đó cháu ạ. Mỗi lần đi chợ, người ta thường có vài đồng tiền lẻ trong túi, tiện tay bỏ vào thùng vì nghĩ rằng những đồng tiền của mình có thể giúp ai đó qua cơn ngặt nghèo”.

Cô bé gật gù. Trước khi bước hẳn vào dãy hàng ăn sáng nằm phía góc chợ, Ngọc nghẹo cổ nhìn về phía thùng tiền một lần nữa.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không lâu sau đó, trong lúc phụ bà xách túi đồ ăn ra khỏi chợ, Ngọc chạy lại thùng quyên góp nhân đạo, thò tay vào túi lấy ra tờ 5.000 đồng bỏ vào cái khe nhỏ phía trên mặt thùng. Ngọc cười hồn nhiên, nói với bà: “Con cũng muốn giúp họ, bà nhé”… Hành động đáng yêu của cô bé Ngọc được nhiều tiểu thương ngồi gần đó nhìn thấy và mỉm cười.

Chị Dư Thị Hồng Cường, Trưởng ban quản lý chợ Đống Đa cho biết, mỗi năm 2 lần, Ban quản lý chợ Đống Đa sẽ mời đại diện Hội Phụ nữ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên của Ban quản lý chợ cùng kiểm tra số tiền quyên góp được, lập biên bản có chữ ký xác nhận của các đại diện. Cùng với thùng quyên góp sử dụng vào việc thăm viếng các trường hợp ốm đau, bệnh tật hay hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, phong trào xã hội, từ thiện hằng năm tại chợ Đống Đa cũng phát triển khá mạnh, hằng năm có những chương trình nhân đạo thường xuyên, hiệu quả.

Ngồi bán dừa khiêm tốn tại một góc chợ Đống Đa, chị Nguyễn Thị Dung được chị em tiểu thương gọi thân thương là “Dung dừa”. Đều đặn mỗi năm, vào dịp 20-10, chị Dung lại trích 12 triệu đồng từ nguồn tiền tiết kiệm cá nhân, tặng cho 12 chị em nghèo đang buôn bán tại khu vực chợ. Để có được số tiền này, hằng ngày, chị trích một phần lợi nhuận trong việc buôn bán bỏ vào heo đất.

Hiện nay, tại chợ Đống Đa có hơn 700 tiểu thương buôn bán và hầu hết họ đều tham gia sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ. Chị Mai Thị Hòa, Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Đống Đa cho hay, mỗi năm, các tiểu thương đóng góp hơn 100 triệu đồng cho các hoạt động xã hội từ thiện như hỗ trợ bếp ăn nhân đạo tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, trao quà, sửa chữa nhà cho các tiểu thương nghèo…

“Số tiền trên được đóng góp theo tinh thần tự nguyện, ai có gì góp nấy. Ví như ủng hộ bếp ăn từ thiện, chị em có thể góp rau củ quả, gạo, muối, đường và các loại gia vị khác; ủng hộ, tặng quà trẻ em sẽ là mũ, cặp, bánh kẹo hoặc quần áo. Điều này góp phần tạo nên bản sắc riêng của các tiểu thương đang buôn bán tại chợ Đống Đa”, chị Hòa chia sẻ thêm.

Hướng đến mục tiêu “an cư lạc nghiệp”

Từ đầu năm đến nay, CLB Thầu xây dựng Đà Nẵng tích cực lập chương trình xã hội từ thiện cho riêng mình. Anh Trần Đăng Khoa, Chủ nhiệm CLB cho biết, CLB hiện có hơn 100 hội viên đang sinh hoạt thường xuyên. Trong đó, lập ra hẳn một CLB Từ thiện Thiện An để kêu gọi mọi người chung tay góp sức trong các hoạt động xã hội từ thiện.

Đơn cử, năm 2017, sau khi đọc bài viết “Cảnh túng quẫn của một gia đình khi con bị tai nạn giao thông” đăng trên Báo Nhân đạo và Đời sống kể về trường hợp anh Phạm Ngọc Tuấn (SN 1986) trú tại thôn 3, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não, mất trí nhớ, gãy chân, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, CLB Từ thiện Thiện An đã phát động phong trào quyên góp, chia sẻ cùng người bệnh. Qua đó, nhiều hội viên CLB Thầu xây dựng Đà Nẵng đã hỗ trợ anh Phạm Ngọc Tuấn vài chục triệu đồng.

Cũng theo anh Trần Đăng Khoa, để các hoạt động xã hội từ thiện có thêm chiều sâu, tạo được dấu ấn của CLB Thầu xây dựng Đà Nẵng, từ năm 2018, mỗi năm CLB sẽ xây dựng từ 1 đến 2 căn nhà tình nghĩa cho bà con nghèo thành phố Đà Nẵng.

Mỗi căn được thiết kế rộng khoảng 52m2, có 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, 1 bếp, 1 nhà vệ sinh, mái lợp tôn lạnh. Đồng thời, ngôi nhà sẽ được bảo vệ bằng cửa có cấu trúc kiên cố và chắc chắn. Mỗi căn có giá trị xây dựng khoảng 100 triệu đồng. Hình thức quyên góp thông qua tiền, vật tư chuyên ngành từ các công ty thành viên hoặc tiền trích từ hợp đồng giữa các thành viên trao cho nhau…

Với chương trình này, anh Trần Đăng Khoa mong muốn CLB sẽ góp một phần nhỏ vào mục tiêu “an cư lạc nghiệp” cho những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Đồng thời, anh Khoa mong muốn nhận được sự đồng hành của các đơn vị thành viên để chương trình xã hội từ thiện ngày một phát triển và có chiều sâu, tạo được dấu ấn mới. 

Có thể nói, lòng tốt luôn tồn tại ở đâu đó giữa cuộc đời này. Một hành động nhỏ, một lời động viên hay sự quan tâm, chia sẻ bằng chút vật chất đến những hộ nghèo sẽ luôn mang lại niềm vui, không chỉ với người nhận, mà cả với những con người làm cầu nối.

Tiểu Yến

.