Đà Nẵng cuối tuần

Hỏa táng - chưa nhiều người chọn

07:37, 22/07/2018 (GMT+7)

Hỏa táng là hình thức an táng văn minh, tiết kiệm và góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường. Nhưng do nhận thức tâm linh, nhiều người dân thành phố vẫn còn e ngại lựa chọn hình thức này.

Gia đình thân nhân làm lễ tang tại Trung tâm hỏa táng An Phước Viên trước khi đưa thi hài vào hỏa táng.  (Ảnh do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh Chi nhánh Đà Nẵng cung cấp)
Gia đình thân nhân làm lễ tang tại Trung tâm hỏa táng An Phước Viên trước khi đưa thi hài vào hỏa táng. (Ảnh do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh Chi nhánh Đà Nẵng cung cấp)

Chỉ có 5% lựa chọn hỏa táng

Ông Lương Trọng Khánh, Phó Giám đốc quản lý Chi nhánh Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” đưa ra mục tiêu đến năm 2020 có 50% người dân qua đời trên địa bàn thành phố lựa chọn phương pháp hỏa táng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 5% người qua đời được người thân lựa chọn phương thức này.

Từ cuối năm 2009, Trung tâm hỏa táng An Phước Viên chính thức đi vào hoạt động sau khi được Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng tại nghĩa trang Hòa Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.

Trung tâm hiện có 2 lò hỏa táng sử dụng công nghệ Hoa Kỳ, 2 phòng làm lễ và có đường dẫn xe lên chỗ quan tài. Trung bình mỗi ngày, trung tâm thực hiện 1 ca hỏa táng, trong khi công suất 2 lò có thể đáp ứng 7 ca/ngày.

Mặc dù số ca hỏa táng tăng lên theo từng năm nhưng vẫn chưa nhiều, thậm chí còn rất thấp so với mục tiêu đặt ra. Cụ thể, đối với người dân thành phố Đà Nẵng: năm 2016 có 178 ca, năm 2017 có 220 ca, từ đầu năm 2018 đến nay có 107 ca.

Còn người dân ở các địa phương khác như Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai, Quảng Nam…: năm 2016 có 93 ca, 2017 có 114 ca, từ đầu 2018 đến nay có 81 ca. Hầu hết các ca ở ngoại thành được đưa đến hỏa táng do đau ốm, tai nạn… để đưa về quê cho thuận tiện. Các gia đình tìm đến dịch vụ hỏa táng chủ yếu nhờ được tuyên truyền và qua trang Facebook của trung tâm.

Từ năm 2012, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động phong trào “Toàn dân thực hiện tang văn minh tiến bộ” góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, nhân dân cả nước về việc thực hiện hỏa táng đối với những người đã chết.

Thành phố Đà Nẵng cũng đã có nhiều chính sách ưu tiên nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân sử dụng phương pháp hỏa táng sau khi chết.

Ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, tất cả các công dân có hộ khẩu Đà Nẵng đều được hỗ trợ miễn phí 100% khi sử dụng dịch vụ hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng An Phước Viên đến hết năm 2018. Đối với người có công và hộ nghèo thì được hỗ trợ vĩnh viễn 100%.

Tuy nhiên, đến nay người dân tham gia dịch vụ hỏa táng vẫn chưa nhiều. “Có rất nhiều lý do dẫn đến người dân chưa mặn mà với dịch vụ này. Thứ nhất, hầu hết người dân đều có nghĩa trang gia tộc nên khi người thân mất, họ đều đưa về chôn cất ở nghĩa trang gia tộc cho gần với ông, bà, tổ tiên.

Thứ hai, khi giải tỏa các phần mộ, thành phố đều có đất dự phòng để đưa lên chôn cất. Điều này đã tác động rất lớn đến triển khai đề án hỏa táng. Do đó, thành phố cần mở rộng công tác tuyên truyền đối với các thành phần được miễn phí. Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân thông qua việc phát tờ rơi”, ông Thái Đình Hoàng nhấn mạnh.

Ông Lương Trọng Khánh cũng cho biết thêm, hỏa táng thuộc vấn đề ý thức xã hội. Hiện người dân chưa quen với hỏa táng nên chính quyền cần hỗ trợ doanh nghiệp tuyên truyền vận động người dân tham gia. Ngoài việc tuyên truyền miệng, cần tuyên truyền bằng trực quan thông qua đăng tải các clip trên phương tiện truyền hình.

Trước đây, công ty có phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng làm clip phát 2 phút trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng nhưng do kinh phí quá lớn nên đã ngưng cách đây vài năm.

Biểu đồ số ca hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng An Phước Viên.  Đồ họa: TUYẾT ANH
Biểu đồ số ca hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng An Phước Viên. Đồ họa: TUYẾT ANH

Cởi bỏ quan niệm cũ

Ngoài những trường hợp được hưởng chính sách ưu tiên của thành phố thì thủ tục hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng An Phước Viên khá đơn giản, chi phí hỏa táng cũng không quá tốn kém. Hiện có hai mức phí cho mỗi ca hỏa táng: hỏa táng cốt (tức là sau khi bốc mộ) với giá từ 1,3 - 2,9 triệu đồng; hỏa táng áo quan (tức vừa mới mất) có giá từ 3,9 - 5,080 triệu đồng. Còn đối với lưu tro cốt có giá 8 triệu đồng/ô (vị trí).

Sau khi tìm hiểu thông tin qua phương tiện truyền thông, ông Dương Quang Đảng ở đường Lê Cơ, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu đã chọn dịch vụ tại Trung tâm hỏa táng An Phước Viên để hỏa táng cho người thân vừa mới qua đời.

Ông Đảng chia sẻ: “Vừa rồi, tôi có đứa em mất. Do quê ở tận Nghệ An nên gia đình muốn đem tro cốt về. Vì có hộ khẩu ở thành phố Đà Nẵng, em tôi được miễn phí 100%. Sau khi thực hiện hỏa táng cho em trai, tôi thấy dịch vụ hỏa táng ở An Phước Viên rất tốt, nơi hỏa táng khang trang sạch sẽ, phục vụ chu đáo.

Do đó, tôi cũng tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, bạn bè nên sử dụng dịch vụ này. Dù làm hỏa táng nhưng mình vẫn làm lễ theo truyền thống và mời thầy đến tụng để linh hồn em được siêu thoát”.        

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố Hồ Chí Minh chi nhánh Đà Nẵng, so với các tỉnh phía Bắc thì người dân ở các tỉnh phía Nam có quan niệm cởi mở hơn trong vấn đề thực hiện hỏa táng.

Hiện nay bắt đầu có một số người lớn tuổi tự tìm đến Trung tâm để tìm hiểu cách thức và thủ tục hỏa táng, rồi sau đó về viết di chúc hoặc bày tỏ nguyện vọng của mình cho con cháu trước khi qua đời. Để thực hiện hỏa táng, người dân chỉ cần ký hợp đồng với công ty, sau đó công ty sẽ thông báo ngày giờ cho gia đình đến làm lễ. Trung tâm chuẩn bị địa điểm, loa, âm thanh… cho gia đình thực hiện nghi lễ trước khi hạ huyệt theo nghi thức truyền thống hoặc nhu cầu của gia đình.

Tới giờ thì cho hạ huyệt và đưa vào lò hỏa táng giống với hình thức địa táng. Ngoài hỏa táng, Trung tâm còn có dịch vụ lưu giữ hài cốt sau khi hỏa táng, có người hương khói, quét dọn hằng ngày. Ông Lương Trọng Khánh cho biết thêm, nếu trong thời gian tới người dân sử dụng dịch vụ hỏa táng tăng cao vượt công suất thì công ty sẽ đề xuất thành phố đầu tư xây dựng thêm các công trình khác.

Xu hướng ngày nay là xây dựng công viên nghĩa trang, trong đó trồng cây xanh chiếm 30-41% diện tích. Sau hỏa táng, gia đình có thể gửi hoặc chôn tro cốt người thân theo nhu cầu.  

Việc sử dụng phương pháp hỏa táng không còn xa lạ với nhiều nước trên thế giới bởi đây là một hình thức an táng văn minh, vừa tiết kiệm quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quan niệm về địa táng đối với người chết vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức đa số người dân Việt Nam từ bao đời nay.

Dù hỏa táng hay địa táng chỉ là quan niệm và thói quen của mỗi dân tộc, vùng, miền, chứ không ảnh hưởng tới sự linh thiêng của người chết vì khi chôn hay thiêu thì thân xác của người chết không còn cảm giác nóng hay lạnh bởi hệ thần kinh ngừng hoạt động, thần thức đã ra khỏi thân xác.

Đặc biệt, sau khi hỏa táng, các loại vi khuẩn gây bệnh sẽ bị tiêu hủy nên không còn mầm bệnh ngấm sâu vào lòng đất, lây lan ra môi trường hoặc phát sinh vào nguồn nước gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến những người đang sống.

Do đó, để thực hiện tốt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của hỏa táng và kiên trì tổ chức vận động nhân dân thực hiện. Trong đó, đáng lưu ý là sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo các cấp thực hiện phương pháp hỏa táng có tác dụng rất lớn trong việc góp phần cổ vũ, động viên người dân tích cực tham gia phương pháp này.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.