Đà Nẵng cuối tuần
Nhân trần chữa bệnh gan
Nhân trần là một vị thuốc thường dùng trong nhân dân chữa bệnh viêm gan vàng da và rất hữu ích cho sản phụ nên ca dao có câu: “Nhân trần, Ích mẫu đi đâu/ Để cho gái đẻ đớn đau thế này?”.
Cây Nhân trần mọc hoang tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh. Ảnh: P.C.T |
Nhân trần còn có tên Nhân trần nam, Tuyến hương, Mao xạ hương (毛麝香), tên khoa học Adenosma caeruleum R.Br. (đồng danh Adenosma glutinosum (L.) Druce), thuộc họ Hoa mõm sói - Scrophulariaceae.
Nhân trần có thân thảo, cao 0,3- 1m, thân tròn màu tím, trên có lông trắng mịn, ít phân nhánh. Lá mọc đối, hình trái xoan nhọn, khía tai bèo hay răng cưa. Toàn cây và lá có mùi thơm. Hoa mọc đơn độc ở nách lá hay thành chùm bông đầu cành dài tới 40-50cm. Tràng màu tía hay lam, chia 2 môi, nhị 4, bầu có vòi nhụy hơi dãn ra ở đỉnh. Quả nang dài hình trứng, có mỏ ngắn nở thành 4 van. Hạt nhiều, bé, hình trứng. Mùa hoa quả tháng 4-9. Sử dụng toàn cây làm thuốc.
Ở nước ta, cây mọc hoang ở đồi núi, bờ ruộng, bãi trống ở nhiều nơi, tập trung nhiều nhất các tỉnh phía bắc. Tại Đà Nẵng, trong đợt điều tra trước đây chúng tôi có gặp mọc rải rác thưa thớt dưới các rừng keo lai ở các xã Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Gần đây mới phát hiện nhiều quần thể mọc khá dày ở thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh. Cây có thể gieo trồng bằng hạt vào mùa xuân. Thu hái toàn cây vào mùa hè, thu khi cây đang ra hoa, rửa sạch, phơi trong râm đến khô.
Theo Đông y, Nhân trần có vị hơi cay, đắng, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng thanh nhiệt, trừ phong thấp, tiêu thũng độc, hành khí tán ứ, giảm đau, tiêu viêm, chống ngứa.
Kinh nghiệm Đông y Việt Nam thường dùng chữa viêm gan vàng da (hoàng đản) cấp tính; tiểu tiện vàng đục và ít; phụ nữ sau sinh đẻ ăn chậm tiêu. Ngày dùng 20-30g, dạng thuốc sắc, cao hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Nhân trần còn dùng làm thuốc cho phụ nữ sau khi sinh đẻ. Nước sắc cây này có tác dụng tiêu, kích thích ăn uống và bổ máu. Cũng dùng kết hợp với quả Dành dành chữa bệnh viêm gan vàng da, một bệnh thường phát triển ở trẻ em.
Ở Trung Quốc, người ta dùng cây này để chữa giai đoạn đầu của bệnh bại liệt trẻ em, thấp khớp đau nhức xương; khí trệ đau bụng; rắn cắn, đòn ngã tổn thương, viêm mủ da; eczema, mề đay.
Liều dùng uống trong 15-30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, lấy cây tươi giã đắp hoặc nấu nước tắm rửa.
Bài thuốc:
- Chữa hoàng đản (sốt, vàng da, mắt vàng, tiểu vàng, miệng khô,): Nhân trần 30g, Dành dành (Chi tử) 12g, Đại hoàng 4g, sắc 500ml lấy 250 ml thuốc, chia 3 lần uống trong ngày.
- Chữa say nắng, nhức đầu, sốt nóng: Nhân trần và Hành trắng, mỗi thứ 1 nắm, sắc uống.
- Chữa mắt sưng đỏ đau: Nhân trần, Mã đề mỗi thứ 1 nắm, sắc uống.
- Chữa hen suyễn: Lá Nhân trần xắt sợi nhỏ, trộn lá Cà độc dược. quấn thành điếu thuốc hút.
Lưu ý: Cần phân biệt Nhân trần nam với Nhân trần bắc (Artemisia capillaris Thunb. thuộc họ Cúc - Asteraceae). Tên Nhân trần nam cũng được sử dụng cho 2 loài khác cũng thuộc họ Hoa mõm sói – Scrophulariaceae và có công năng tác dụng tương tự là:
- Nhân trần hoa đầu, còn gọi Chè nội, Chè cát, Đại đầu trần (大头陈), tên khoa học Adenosma indianum (Lour.) Merr. (A. capitatum Benth. et Hance),
- Nhân trần nhiều lá bắc, còn gọi Nhân trần Tây ninh, tên khoa học Adenosma bracteosum Bonati, thuộc họ Hoa mõm sói - Scrophulariaceae.
PHAN CÔNG TUẤN