Cuộc khủng hoảng trong chính phủ của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ngày càng trở nên tồi tệ khi tính đến ngày 22-8 đã có 10 quan chức trong nội các xin từ chức. Tình hình này đang đe dọa nguy cơ thất bại của Đảng Tự do trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào nửa đầu năm 2019.
Thủ tướng Malcolm Turnbull lau nước mắt khi có nhiều bộ trưởng xin từ chức. Ảnh: BBC |
Mâu thuẫn từ chính sách năng lượng mới
Chiếc ghế của Thủ tướng Turnbull bị đe dọa khi chính sách năng lượng mới của ông không nhận được sự ủng hộ của một số nghị sĩ trong chính Đảng Tự do mà ông lãnh đạo.
Theo cam kết được chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Tony Abbott đưa ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Australia đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 26-28% lượng khí thải so với mức của năm 2005.
Thủ tướng Turnbull nêu rõ chính phủ của ông vẫn theo đuổi các cam kết theo Hiệp định Paris và sẽ tìm cách thúc đẩy việc ban hành luật để thực hiện các cam kết này.
Trong dự thảo Bảo đảm Năng lượng Quốc gia (NEG), Thủ tướng Turnbull chủ trương hạ giá điện tiêu dùng hiện ở mức cao, đồng thời ủng hộ những dự án mới giúp tăng thêm nguồn điện cho hệ thống điện, trong đó có những dự án nhiệt điện, thủy điện, than hay nhà máy điện chạy bằng năng lượng mặt trời, sức gió, pin…
Thủ tướng Turnbull cho biết, giá điện là một trong những áp lực lớn nhất mà các hộ gia đình và doanh nghiệp Australia đang phải đối mặt. Ông nhấn mạnh việc giúp người dân sử dụng điện năng giá rẻ luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ khi xem xét chính sách năng lượng.
Đưa ra dự thảo Bảo đảm Năng lượng Quốc gia, Thủ tướng Turnbull chủ trương muốn hạ giá điện, bảo đảm an ninh năng lượng và giảm khí thải. Chủ trương này nhận được sự ủng hộ của 3/4 số nghị sĩ đảng Tự do, tức đa số trong cuộc họp đảng tuần trước.
Tuy nhiên, đến sát giờ công bố dự thảo ngày 20-8, 1/3 số nghị sĩ không ủng hộ vẫn kiên quyết giữ vững lập trường và đe dọa bỏ phiếu chống khi đưa ra Quốc hội. Những nghị sĩ này mang tư tưởng bảo thủ hơn nhiều so với những nghị sĩ khác trong Đảng Tự do và coi những cam kết trước cộng đồng quốc tế của Australia về mục tiêu giảm khí thải không quan trọng bằng việc giảm giá điện trong nước.
Do Liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền (LNP) chỉ chiếm đa số mong manh tại Hạ viện (hơn 1 ghế quá bán), nên chỉ cần 2 hoặc 3 nghị sĩ của Đảng Tự do bỏ phiếu chống là chính phủ không thể kiểm soát được Hạ viện, tức chính sách năng lượng mới không thể được thông qua.
Thủ tướng Turnbull muốn tránh điều này nên đã phải nhượng bộ sửa đổi chính sách bằng cách tạm hoãn thực thi cam kết về giảm khí thải theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Tranh cãi lên đến đỉnh điểm sáng 20-8, ngay trước khi Thủ tướng Turnbull công bố dự thảo, khi nhiều nghị sĩ đề nghị Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton đứng ra thách thức vị trí lãnh đạo của Thủ tướng Turnbull.
Bất đồng này chỉ là “giọt nước làm tràn ly”, bởi một điều dễ hiểu là sự lãnh đạo của Thủ tướng Turnbull không nhận được nhiều ủng hộ. Liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền (LNP) dưới sự dẫn dắt của ông từ cuối năm 2015 đến nay đã bị thua Công đảng đối lập trong 38 cuộc thăm dò dư luận liên tiếp của Newspolls về tỷ lệ ủng hộ của cử tri.
Trong cuộc bầu cử bổ sung cuối tháng 7 vừa qua, không có ứng cử viên nào của liên đảng thắng cử. Do vậy, nhiều người tin rằng nếu cứ theo đà này, liên đảng chắc chắn sẽ bị thất bại thảm hại trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào giữa năm tới. Theo kết quả một cuộc thăm dò mới công bố, Công đảng (ALP) sẽ giành chiến thắng trước Liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền (LNP) với tỷ lệ 55/45.
Hỗn loạn trước làn sóng từ chức
Trước sức ép của các nghị sĩ, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ngày 20-8 đã loại bỏ các cam kết về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khỏi dự thảo Bảo đảm Năng lượng Quốc gia với lý do là các cam kết này chưa giành đủ sự ủng hộ để có thể được Quốc hội thông qua.
Việc Thủ tướng Turnbull không đưa các cam kết về giảm khí thải vào dự thảo Bảo đảm Năng lượng Quốc gia nói trên được cho là một bước đi giúp “hạ nhiệt” căng thẳng do những bất đồng trong nội bộ Liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền về dự thảo này.
Suốt tuần qua, tranh cãi về vấn đề điều chỉnh chính sách năng lượng đã trở nên gay gắt trong các cuộc họp của liên đảng, trong bối cảnh uy tín của liên đảng liên tục giảm sút trước Công đảng đối lập trong các cuộc thăm dò dư luận.
Khởi đầu cho làn sóng từ chức là Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng. Đến hôm 22-8, những nhân vật mới nhất nối tiếp danh sách xin từ chức là Bộ trưởng Thương mại Steve Ciobo, Bộ trưởng Công dân Alan Tudge và Bộ trưởng Y tế Geg Hunt.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có đơn của Bộ trưởng Nội vụ Dutton được Thủ tướng chấp thuận và cử Bộ trưởng Tài chính Scott Morrison tạm thời đảm nhận vị trí quyền Bộ trưởng Nội vụ.
Việc các bộ trưởng hay quan chức trong chính phủ nối nhau từ chức nhằm phản đối Thủ tướng Turnbull khiến tình hình trở nên căng thẳng bắt đầu từ sau cuộc bỏ phiếu bầu lại lãnh đạo đảng Tự do bất ngờ được ông Turnbull kêu gọi vào sáng 21-8 sau khi cựu Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton thách thức vị trí lãnh đạo của ông.
Tại cuộc bỏ phiếu này, ông Turnbull đã giành chiến thắng sít sao 48-35 trước đối thủ Peter Dutton. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, ông Dutton tuyên bố từ chức để chuẩn bị cho lần tái tranh cử vị trí lãnh đạo Đảng tiếp theo. Ngoại trừ ông Dutton, hiện tất cả các đơn từ chức khác trong nội các đều chưa được Thủ tướng Turnbull thông qua.
Mặc dù vẫn giành đa số phiếu trong cuộc bỏ phiếu của nội bộ đảng Tự do song với chiến thắng sít sao, chỉ 13 phiếu chênh lệch cũng bộc lộ những khó khăn vô cùng lớn mà Thủ tướng Malcolm Turnbull phải đối mặt.
Đó không chỉ là sự ủng hộ ngày càng giảm trong nội bộ đảng Tự do ông đang dẫn dắt mà còn là nghi ngại liên quan đến dự luật Đảm bảo Năng lượng Quốc gia cũng như chính sách cắt giảm thuế được cho là có lợi cho các doanh nghiệp mà Thủ tướng Malcolm Turnbull chưa thể giải quyết ổn thỏa.
Cuộc khủng hoảng hiện chưa có dấu hiệu chấm dứt do ông Dutton không loại trừ khả năng sẽ thách thức vị trí của ông Turnbull lần thứ hai trong cuộc bỏ phiếu của đảng Tự do dự kiến có khả năng diễn ra vào ngày 24-8.
Trước tình trạng này, Thủ tướng Turnbull sẽ sớm phải tiến hành cải tổ nội các với việc lựa chọn các nghị sĩ khác trong đảng Tự do để thay thế. Tuy nhiên, Thủ tướng Turnbull hiện đã bác khả năng tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn, đồng thời kêu gọi chính phủ đoàn kết, nếu không có nguy cơ sẽ thất bại trong cuộc bầu cử năm 2019.
Dù làn sóng từ chức lan nhanh, nhưng một số bộ trưởng vẫn lên tiếng ủng hộ Thủ tướng Turnbull và bày tỏ mong muốn ông tiếp tục dẫn dắt đảng Tự do cho tới cuộc tổng tuyển cử vào năm tới. Hiện chưa rõ Thủ tướng Malcolm Turnbull sẽ có những bước đi tiếp theo ra sao song rõ ràng chính trường Australia sẽ tiếp tục sôi động trong những ngày tới.
Đoàn Gia Huy