Đà Nẵng cuối tuần
Từ tình yêu thương trẻ
Các nhóm lớp độc lập tư thục (ĐLTT) đã và đang hoạt động cùng với hệ thống các trường mầm non công lập và tư thục trên địa bàn thành phố, có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ của các gia đình có con nhỏ. Đó là kết quả của sự nỗ lực quản lý từ các cấp chính quyền và của chính chủ các nhóm lớp.
Các hoạt động vui chơi, ngoại khóa tại nhóm lớp độc lập tư thục Mặt Trời Bé Con. Ảnh: T.T |
Nếu không được báo trước, chúng tôi sẽ nhầm tưởng nhóm lớp ĐLTT Mặt Trời Bé Con (số 63/1 Tiểu La, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) là một trường mầm non thực thụ: sân chơi khá rộng được trải xốp an toàn từ cổng vào cho đến các phòng học, đồ chơi đầy màu sắc được bài trí gọn gàng, khoa học, vui mắt; bàn ăn, giường ngủ cho trẻ, góc học tập, khu làm quen (với những trẻ mới) đều được chăm chút từng chi tiết, sáng tươi, hấp dẫn...
Hôm chúng tôi đến, phải ngồi chờ đến gần 11 giờ trưa mới được gặp những nhân vật chính - các trẻ đang theo học tại đây, bởi đó là ngày các em được đi thực tế, vui chơi ở ngoài. Trong bộ đồng phục áo hồng, quần trắng tươi sáng, dù đẫm mồ hôi, gương mặt các bé hớn hở niềm vui, đi trật tự từng tốp vào lớp học theo hướng dẫn của các cô giáo phụ trách.
Hóa ra, ngoài giờ ăn, ngủ, học, chơi tại lớp, cơ sở mầm non này đặc biệt chú trọng tổ chức các hoạt động lễ hội, vui chơi, ngoại khóa đa dạng, bổ ích - điều chúng tôi chưa từng nghĩ sẽ đến tại nhóm lớp ĐLTT.
Bà Nguyễn Thanh Diệu Phương, Chủ nhóm lớp ĐLTT Mặt Trời Bé Con cho biết, cơ sở mầm non này bắt đầu hoạt động từ tháng 9-2015. Khi mới thành lập, cơ sở đón các cháu có độ tuổi từ 1 - 3 tuổi, chưa có các độ tuổi lớn hơn nên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội cũng như ngoại khóa...
Tuy nhiên, với kinh nghiệm hơn 10 năm công tác tại nhiều cơ sở giáo dục mầm non, bà Phương vẫn quyết tâm tổ chức, duy trì và không ngừng làm phong phú, sinh động các hoạt động ngoại khóa cho các bé, bởi bà ý thức được tầm quan trọng đặc biệt của các hoạt động này đối với việc phát triển thể chất, nhận thức, thẩm mỹ, cảm xúc, kỹ năng của trẻ.
Thật may, đối tượng phụ huynh ở đây đa phần có hiểu biết về các phương pháp hay quan điểm nuôi dạy con hiện đại, vì vậy, mọi việc diễn ra khá suôn sẻ.
“Nếu nói về ưu thế để phụ huynh chọn học ở đây thì chúng tôi không đặt ra một mục tiêu hay điểm thu hút nào cả mà chỉ tâm niệm một điều là mình hãy làm thật tốt vai trò của một người đang công tác trong lĩnh vực giáo dục mầm non, bằng tất cả tình yêu thương với trẻ”, bà Phương trải lòng.
Nhóm lớp ĐLTT Hoa Quỳnh (phường Bình Hiên, quận Hải Châu) được lòng phụ huynh nhiều năm nay bởi chất lượng chăm sóc trẻ, mức phí lại phù hợp với nhiều đối tượng bình dân, thu nhập thấp. Trong số 50 trẻ (độ tuổi từ 12 tháng) đang được nuôi dạy tại đây có nhiều trẻ ở tận các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà.
Bà Tiêu Thị Ngọc Diệp, Chủ nhóm lớp cho biết, mức học phí phổ biến ở cơ sở này là 1,5 triệu đồng/tháng (bao gồm cả học phí và chi phí ăn, ngủ bán trú cả ngày), tuy nhiên đối với những trẻ con gia đình khó khăn, cơ sở chỉ thu từ 1 triệu - 1,2 triệu/ tháng/ cháu, thậm chí sẵn sàng miễn hoàn toàn học phí với những trường hợp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
“Trẻ đến với Hoa Quỳnh từ trước đến nay chủ yếu con nhà nghèo trên địa bàn nên không thể thu học phí, tiền ăn mức cao hơn; nhưng không vì thế mà yêu cầu dinh dưỡng, chăm sóc trẻ không bảo đảm. Nghề này nhọc nhằn, áp lực lắm, ai không yêu trẻ không thể làm lâu dài được”, bà Diệp tâm tư.
Nỗ lực quản lý
Với những nhóm lớp ĐLTT lấy uy tín, cái tâm làm đầu như Mặt Trời Bé Con, Hoa Quỳnh và không ít nhóm lớp khác, họ luôn coi các hoạt động quản lý, giám sát của các cấp ngành liên quan là động lực để phấn đấu, để làm tốt hơn.
“Chúng tôi chẳng bao giờ thấy áp lực với các hoạt động thanh, kiểm tra của ngành giáo dục quận, của địa phương. Nếu làm tốt, nếu chúng ta coi đó là sự quan tâm, động viên, thì mọi việc sẽ rất nhẹ nhàng, đầy hứng khởi”, bà Diệu Phương nói.
Theo bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu, vai trò của các nhóm lớp ĐLTT là rất lớn trong việc giải quyết nhu cầu nuôi, giữ trẻ của người dân trên địa bàn. Nếu không có các nhóm lớp này, hệ thống trường mầm non cả công lập và tư thục chắc chắn không thể đảm bảo đủ trường lớp cho trẻ trong độ tuổi.
Toàn quận Hải Châu hiện có 92 nhóm lớp ĐLTT và tất cả đều có giấy phép kinh doanh hợp pháp và cơ bản đạt các tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra về điều kiện hoạt động. Sở dĩ có được sự đồng bộ đó là kết quả của sự nỗ lực rất lớn trong công tác phối hợp cấp phép, quản lý giữa phòng và các phường.
Nỗ lực quản lý theo bà Hà chủ yếu thể hiện ở các hoạt động thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất của ngành giáo dục quận, của phường, sự giúp sức đắc lực của hệ thống trường mầm non công lập trong việc giám sát chất lượng, tập huấn cho nhân sự các nhóm lớp...
Ngoài những giải pháp chung theo hướng dẫn của sở, hiện ngành giáo dục quận Hải Châu đang phối hợp với Ban Tuyên giáo Quận ủy soạn thảo đề án giáo dục mầm non trong năm học mới. Dự kiến, một hội thảo sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8 này, trước thềm năm học mới để bàn thảo những vấn đề liên quan đến giáo dục mầm non, trong đó có các nhóm lớp ĐLTT.
Vì mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ, lấy trẻ là trung tâm, theo bà Hà rất cần sự quan tâm hơn nữa đối với các cơ sở đang nuôi dưỡng rất nhiều trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non trên địa bàn. Những nỗ lực quản lý để cải thiện chất lượng bữa ăn, về đội ngũ giữ trẻ tại các nhóm sẽ là những vấn đề được ngành tiếp tục giành sự quan tâm đặc biệt trong thời gian tới.
Với địa bàn nhiều khu công nghiệp như quận Liên Chiểu, việc quản lý hoạt động của các nhóm lớp ĐLTT càng đòi hỏi nhiều tâm sức của ngành giáo dục quận. Việc gửi con ở các nhóm lớp là lựa chọn của rất nhiều công nhân, người nhập cư sống trên địa bàn, bởi tính tiện lợi, linh động giờ giấc.
Hiện toàn quận có 204 nhóm lớp ĐLTT, trong đó có 109 nhóm giữ từ 8 - 50 trẻ, 95 nhóm giữ 7 trẻ trở xuống và hiện có 9 nhóm đang hoàn thiện các điều kiện để được cấp phép.
Một khảo sát gần đây của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận cho thấy có trên 80% trẻ có cha mẹ là công nhân trên địa bàn được gửi tại các nhóm lớp ĐLTT. Đối với dân số chung toàn quận, số trẻ được gửi đến các nhóm lớp cũng trên 50%.
“Với một địa bàn đặc thù như vậy, vấn đề quản lý các nhóm lớp ĐLTT không hề dễ dàng, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là các phường. Ngoài các đợt thanh kiểm tra, chúng tôi tổ chức các cuộc khảo sát thực trạng, chất lượng để đưa ra những giải pháp quản lý phù hợp, thiết thực, hiệu quả”, bà Lữ Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu nói.
Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho hay, với 1.088 cơ sở, nhóm lớp ĐLTT đang góp phần đắc lực trong việc giải quyết nhu cầu gửi con đến trường, lớp mầm non của người dân lao động trên địa bàn thành phố.
Đó là việc định kỳ tổ chức ký cam kết giữa UBND phường, xã với chủ các nhóm, lớp về nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục và tuyệt đối đảm bảo an toàn cho trẻ về thể chất và tinh thần; liên tục phối hợp với UBND quận, huyện xây dựng kế hoạch quản lý các nhóm lớp ĐLTT trên địa bàn xã, phường; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho nhân sự tại các nhóm lớp bằng nhiều hình thức khác nhau; tổ chức các sân chơi, hội thi, biểu dương kịp thời, công bằng đối với các giáo viên mầm non tại các nhóm lớp ĐLTT...
Còn đó những nỗi lo...
Không phủ nhận vai trò của các nhóm lớp ĐLTT, song vẫn còn đó nỗi lo về sự an toàn, sự phát triển toàn diện của trẻ đối với việc gửi trẻ tại nhiều nhóm lớp, đặc biệt là những nhóm nhỏ lẻ (từ 7 trẻ trở xuống).
Theo lời giới thiệu của một người bạn, chúng tôi đến một nhóm trẻ trên địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (hiện đang giữ 5 trẻ ở 5 độ tuổi khác nhau) để hỏi xin gửi con, vì nghe bảo, người giữ trẻ ở đây rất mát tay, bé nào qua tay bà cũng tăng cân.
Có tiếng tốt là vậy, song chứng kiến gối, giường ngủ nhem nhuốc, phòng học cũng là phòng khách gia đình nhếch nhác, không hề có sự cải tạo, không rào chắn với các phòng sinh hoạt bình thường khác của gia đình, cổng mở toang dù nhà sát đường, và tuyệt nhiên không có tranh ảnh, một mẩu đồ chơi nào dành cho trẻ, thì ý định gửi con trong tôi tắt lịm.
Thêm nữa, đúng lúc tôi đến, bảo mẫu vừa là chủ nhóm trẻ đang bón cháo xay cho một bé 23 tháng, ăn được nửa bát thì bé này ngủ gà ngủ gật, nhưng bảo mẫu vẫn liên tục đánh thức, bé phải mắt nhắm mắt mở ăn bằng hết mới thôi.
Tôi có ý muốn xem sổ ghi thực đơn đồ ăn hằng ngày, bà gạt tay: Sổ làm gì, cần gì sổ, mỗi ngày tôi đều ra chợ mua đủ thịt, cá, rau về nấu thôi. Tôi giữ 15 năm nay rồi, đâu cần sổ sách gì, mấy đứa vẫn tăng cân đều đều, cha mẹ chúng thích lắm...
Theo ý kiến của đại diện các đoàn kiểm tra các cấp, những lỗi thường gặp của các nhóm lớp ĐLTT, đặc biệt là những nhóm nhỏ thì thường không quan tâm đến việc ghi đúng sổ tiếp phẩm, không lưu mẫu thức ăn đúng giờ; định lượng dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ chưa hợp lý; việc tổ chức dạy học chưa theo quy định chung, thậm chí không được tổ chức, vì trẻ tại các nhóm lớp thường được nhận ở nhiều độ tuổi khác nhau...
Vấn đề đáng lo nhất là việc nhân sự tại các nhóm lớp liên tục thay đổi nên việc tiếp cận các quy trình bảo đảm dinh dưỡng, chất lượng chăm sóc trẻ chậm, việc quản lý của các cấp cũng gặp khó khăn. Nhân sự quản lý đối với nhóm lớp ĐLTT của ngành giáo dục quận, huyện, phường, xã, còn mỏng và kiêm nhiệm nên có những giai đoạn làm không xuể việc, không thể kiểm tra, giám sát thấu đáo...
Những đề xuất cũng đã được đưa ra, trong đó giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ người chăm, dạy trẻ tại các nhóm lớp ĐLTT được nhiều ý kiến cho rằng đó là vấn đề cốt lõi nhất.
Trong tổng số 1.088 nhóm lớp trên địa bàn thành phố hiện có 665 nhóm lớp ĐLTT (quy mô từ 8 - 70 trẻ) được UBND cấp phường, xã cấp phép thành lập. Trong đó, 85% nhóm lớp ĐLTT đạt được các yêu cầu cơ bản theo quy định tại Thông tư 13 về Quy chế, tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục. 423 nhóm dưới 7 trẻ có bản đăng ký hoạt động nhóm trẻ với UBND cấp phường, xã. |
THANH TÂN