Đưa đá chẻ Hòa Sơn vươn xa

.

Với mong muốn làm được một điều gì đó giúp cho những người dân nhọc nhằn với nghề đá chẻ ở xã Hòa Sơn đưa sản phẩm của mình vươn xa hơn, ba cô gái ở Đà Nẵng gồm Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Mai Sa và Nguyễn Thị Bình đã chung tay xây dựng và phát triển dự án “Du lịch làng nghề đá Hòa Sơn”.

Nhóm “Cherry stone - em yêu đá” với dự án mang sản phẩm đá Hòa Sơn vươn xa.
Nhóm “Cherry stone - em yêu đá” với dự án mang sản phẩm đá Hòa Sơn vươn xa.

Người sáng lập dự án, Nguyễn Thị Liên (SN 1990), sinh ra và lớn lên trên quê hương làng nghề đá xây dựng thuộc thôn Hòa Nhơn, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), chuyên ngành du lịch, Liên từng trải qua nhiều vị trí việc làm như hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour…

Dẫu vậy, trong lòng người con lớn lên từ làng đá quen với tiếng đục, xẻ chát chúa, cảm thông với những giọt mồ hôi đổ xuống mỗi ngày trên gương mặt người thợ đá vẫn canh cánh với câu hỏi làm thế nào để giúp người dân làm nghề chẻ đá tìm được đầu ra mà không bị ép giá, thụ động theo nhu cầu những thương lái lâu nay; đồng thời kiếm tìm cơ hội cho mình một lối đi riêng, trưởng thành ngay trên mảnh đất quê hương với nghề truyền thống. Trăn trở vậy, cuối năm 2017, khi đang miệt mài tìm kiếm ý tưởng thì Liên bắt gặp những thông tin về Vườn ươm Sông Hàn. Ý tưởng xây dựng dự án về du lịch làng nghề chẻ đá Hòa Sơn cũng nảy ra từ đó.

Có ý tưởng, Liên mạnh dạn dự thi vào startup để ươm tạo ở Vườn ươm Sông Hàn. Tháng 5-2018, vượt qua vòng thi khắc nghiệt, dự án được lựa chọn. Một tháng sau, dự án bắt đầu ươm tạo, một nhóm được Liên tìm kiếm, thành lập mang tên “Cherry stone - em yêu đá” ngay sau đó với hai cộng sự đồng hành. Liên bảo, từ thời điểm đó cô bắt đầu tập trung mọi công sức cho dự án.

Sau hai tháng ươm tạo với sự góp ý của các chuyên gia khởi nghiệp, mà trực tiếp là chuyên gia khởi nghiệp Lý Đình Quân, nhóm đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên của dự án. “Ở giai đoạn này nhóm tập trung hoàn thiện kế hoạch dự án, đi thực tế tại làng nghề chẻ đá tìm hiểu và thống kê các mẫu vật liệu có sẵn ở làng nghề để hoàn thành bộ sưu tập sản phẩm độc đáo từ đá chẻ, tìm hiểu tâm tư của bà con làng nghề…”, Mai Sa chia sẻ.

Theo thống kê, hiện làng nghề đá xây dựng Hòa Sơn có khoảng 50 mẫu sản phẩm. “Những mẫu mã sản phẩm từ đá thu hút khách hàng của các loại đá gồm các khu nghỉ mát, quán bar, nhà hàng, cà-phê vườn, những không gian nghệ thuật… rất tiềm năng.

Nhưng lâu nay việc xuất bán đá của người dân chỉ mang tính chất tự phát; việc sản xuất còn gây ô nhiễm môi trường. Người làng nghề cần có người định hướng xuất bán sản phẩm cũng như phát triển làng nghề bền vững”, Liên nhìn nhận.

Đó cũng là hướng đi của nhóm lựa chọn triển khai, nhằm tạo một nhịp cầu nối để đưa người làm đá tiếp cận gần hơn với thị trường mà không bị phụ thuộc vào thương lái ép giá và bảo vệ môi trường sống. “Khi hình thành được chuỗi sản phẩm độc đáo, có được đầu ra ổn định, đời sống kinh tế của bà con sẽ được cải thiện”, Liên nói.

Cũng vào thời gian cuối năm 2017 khi có ý tưởng khởi nghiệp, Liên mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Liên Tiến Phát do chính cô làm giám đốc. Đây là bước đi giúp cô có điểm tựa trong quá trình triển khai dự án tâm huyết của mình về loại hình du lịch làng nghề và thương mại hóa.

Cô cũng dành hết những đồng vốn tích cóp của mình nhiều năm làm việc để dồn sức cho dự án. Tuy nhóm chỉ là ba cô gái - có vẻ “đuối” nhất trong Vườn ươm Sông Hàn vì thiếu sự góp mặt của thành viên nam, nhưng họ luôn nỗ lực hết mình và thể hiện bản lĩnh năng động, quyết đoán của những người trẻ khởi nghiệp.

“Cứ mỗi ngày, nhóm đều phải nghĩ ra phương án thực hiện mới. Khởi nghiệp không cho phép mình dừng lại lâu, phải tạo ra cái mới, cái chưa ai làm. Có những ngày ba chị em đi thực tế làng đá giữa tiết trời nắng cháy bỏng, ai cũng mệt lắm nhưng nghĩ tới dự án nếu thành công, đem được điều gì đó tốt hơn đến cho người làng nghề lại thấy vui hơn, động viên nhau tiếp tục”, Sa kể.

Liên nói thêm, để hướng đến dự án mang tính cộng đồng, an sinh xã hội ấy, sự nỗ lực của nhóm là vẫn chưa đủ. Dự án cần nhiều hơn sự chung tay của các cố vấn, nhà đầu tư và cả sự đồng thuận của người làm nghề trong sản xuất, sáng tạo ra mẫu mã bắt mắt, bảo đảm chất lượng.

Dự án đang dần hoàn thiện giai đoạn 1. Về tương lai, khi tạo được cầu nối xuất bán sản phẩm cho bà con làng nghề, các bạn nghĩ tới việc mang sản phẩm đá ra nước ngoài. “Sau khi dự án phát triển ổn định, nhóm sẽ nghiên cứu phát triển lên giai đoạn 2, hướng đến dịch vụ du lịch homestay về làng nghề đá, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập ổn định và bền vững hơn. Đây cũng là hướng đi nhằm bảo vệ môi trường”, Liên bộc bạch.

Thiên Lam

;
.
.
.
.
.
.