Ngày hội của trẻ đặc biệt

.

Một ngày hội văn nghệ - thể thao vô cùng đặc biệt vừa diễn ra trong dịp Tết Trung thu 2018, được tổ chức tại Nhà thi đấu đa năng (Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Thanh Khê). Đó là một sân chơi mà kết quả không được tính bằng kỷ lục, bằng điểm, bằng lượng thời gian hay độ dài, mà được tính bằng sự nỗ lực vượt lên chính mình và tình cảm thương yêu, trân trọng.

Ngày hội văn nghệ-thể thao lần 2 dành cho trẻ đặc biệt mang đến cho các em niềm vui, được yêu thương, trân trọng. Ảnh: Q.L
Ngày hội văn nghệ-thể thao lần 2 dành cho trẻ đặc biệt mang đến cho các em niềm vui, được yêu thương, trân trọng. Ảnh: Q.L

Không may mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, những sân chơi và niềm vui như bao bạn bè khác dường như quá xa vời với cậu bé Nguyễn Lương Hoàng H. Vậy mà, tạm quên đi những khó khăn, những nỗi buồn vì nghịch cảnh, cả H. và mẹ của em- chị Huỳnh Ngọc Sang, hòa mình vào âm nhạc, vũ điệu và hoạt động thể thao đầy sôi nổi và vui nhộn theo một cách thật đặc biệt.

Chị Huỳnh Ngọc Sang nói: “H. vui suốt mấy tuần nay. Là một người mẹ, tôi rất vui khi thấy con mình có cơ hội được hòa nhập với các bạn ở đây. Tôi cũng biết rằng, để có một ngày hội như hôm nay, các anh chị, thầy cô ở các trung tâm đã rất tâm huyết, nỗ lực. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cám ơn”.

Như bao trẻ thơ khác vào dịp Trung thu, Hoàng H. và các bạn nhỏ đặc biệt đã được rước đèn, phá cỗ và tận hưởng niềm vui hồn nhiên trong tình cảm yêu thương chan hòa của mọi người xung quanh.

Với quan điểm: “Trẻ em đặc biệt cũng có những năng khiếu, nhu cầu và ước mơ như mọi trẻ em khác”, ngày hội do anh Nguyễn Việt Tuấn, cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giáo dục hòa nhập Ước Mơ Xanh khởi xướng, lên kế hoạch, kết nối các trung tâm, tìm kiếm cộng tác viên, tình nguyện viên và trực tiếp tổ chức.

Rất nhiều người đã không thể kiềm được sự xúc động và hào hứng khi tận mắt chứng kiến tiết mục dân vũ dường như vẫn còn chuệch choạc, non nớt; mặc dù cả thầy và trò lăn lộn tập luyện trong suốt 2 tháng trời.

Ông Matt Keenan, cựu chiến binh người Mỹ và nay là tình nguyện viên đang làm việc tại Đà Nẵng ghi lại những khoảnh khắc tươi vui của các em. Ông chia sẻ: “Đây là một ngày thật đặc biệt. Các em nhỏ đã tập hợp cùng nhau, cùng gặp gỡ, chơi trò chơi, vui cười. Và đó là lý do mà tôi có mặt ở đây để cùng với các em làm những điều tuyệt vời đó”.

Không chỉ là một sân chơi

Sau thành công của chương trình được tổ chức lần đầu tiên vào dịp Trung thu năm 2017, anh Nguyễn Việt Tuấn cùng các thầy cô tại các trung tâm, các tình nguyện viên và nhà hảo tâm đã đem đến Ngày hội thể thao thứ 2 trong sự hân hoan chờ đón của trẻ em đặc biệt.

Hiệu ứng của chương trình không chỉ ở trong phạm vi ngày hội mà còn trở thành nền tảng tốt, đem đến cơ hội được yêu thương và phát triển bình đẳng cho trẻ.

Bà Lê Thị Kim Thu, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục hòa nhập Ước Mơ Xanh cho biết: “Hiệu quả của chương trình không chỉ là những phút giây vui tươi, hòa nhập mà các bạn có thể thấy được trên gương mặt hạnh phúc của các em; đó còn là cơ hội tốt để các em có điều kiện phát triển thể chất, nâng cao thể lực, tăng cường khả năng hòa nhập và tương tác.

Ngày hội còn thể hiện sự quan tâm, yêu thương của cộng đồng dành cho trẻ em, trong đó có trẻ em đặc biệt. Hiệu ứng của chương trình là rất rõ, cụ thể nhất là trong năm 2017 chỉ có Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục hòa nhập Ước mơ xanh tham gia, năm nay, đã có sự tham gia của 5 trung tâm giáo dục trẻ đặc biệt tại Đà Nẵng”.

Chăm chút từng món quà để gửi đến các em trong mùa Trung thu, cùng tham gia vào điệu nhảy dân vũ, chị Bùi Thị Vân Hà, đại diện nhóm từ thiện Chung một tấm lòng chia sẻ: “Thật hạnh phúc khi có mặt ở đây cùng các em để cùng tham gia tiết mục nhảy.

Chúng tôi đã tập cùng nhau suốt 2 tháng, tuy còn chưa đều nhưng đó là niềm vui, sự nỗ lực của một tập thể yêu thương. Chúng tôi cảm thấy rất nể phục các anh chị, thầy cô ở trung tâm. Dạy dỗ, nuôi nấng, một đứa trẻ bình thường đã rất khó khăn, huống gì là các em đặc biệt với những nhu cầu đặc biệt. Điều đó thể hiện một tâm huyết, nỗ lực lớn”.

Qua những hoạt động đó, từ những đứa trẻ không biết cầm nắm đồ vật, không biết đi lại, leo cầu thang, thậm chí là nuốt thức ăn; đến nay, các em đã có nhiều tiến bộ. Những tiến bộ đó không chỉ là tín hiệu thắp lên niềm tin, hy vọng cho những phụ huynh có con em không may mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ hay mang trong mình chất độc da cam, khuyết tật bẩm sinh..., mà hơn hết, còn trả lại cho các em khung trời tuổi thơ và mơ ước mà các em xứng đáng được trở về.

Nói về những dự định tiếp theo, anh Nguyễn Việt Tuấn chia sẻ rằng sẽ tiếp tục duy trì những chương trình hiệu quả mà anh và cộng sự đã thực hiện. Bên cạnh đó, anh đã cùng một vài người bạn hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc và hội họa, soạn một chương trình để kiểm định và chọn lựa các em đặc biệt có năng khiếu nghệ thuật để đào tạo và phát triển.

Những kế hoạch và chương trình dành cho trẻ em đặc biệt tại Đà Nẵng được anh Tuấn và những cá nhân, tập thể có tâm huyết nối dài, cũng là kéo dài niềm vui và hạnh phúc của trẻ thơ.

Với sự tham gia của 5 đơn vị: Trung tâm Nghiên cứu và phát triển  giáo dục đặc biệt Đà Nẵng, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, Trung tâm Giáo dục hòa nhập Hoa Xương Rồng, Trường Chuyên biệt Tương Lai, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em có hoàn cảnh neo đơn; Ngày hội văn nghệ-thể thao này góp phần thực hiện quyền được yêu thương, chăm sóc của trẻ em; tạo sân chơi mang lại môi trường tương tác, gắn bó trong quan hệ giữa trẻ với trẻ, với phụ huynh, với thầy cô giáo và nhiều người khác để từng bước nâng cao dần khả năng hòa nhập của trẻ. Ngày hội còn là dịp để tuyên truyền, vận động cộng đồng xã hội quan tâm và đồng hành, chia sẻ trong quá trình hỗ trợ cho trẻ đặc biệt nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng.

QUỲNH LINH

;
.
.
.
.
.
.