Mùi của chiến tranh, vị của hòa bình

.

Tháng 3-2018, bạn bè làm báo trên Facebook cũng như ngoài đời ở Hà Nội của tôi dành những lời khen tặng ngắn gọn cho cuốn sách Chuyện lính tây nam của Trung Sỹ.

Gõ trên mạng chẳng biết Trung Sỹ là nhà văn nào, tìm đỏ mắt các nhà sách ở Đà Nẵng không có, đành nhờ bạn mua ở Hà Nội gửi vào. Khẽ khàng, rồi ngốn ngấu đọc trong ba đêm thì xong.

Đến lúc ngấm rồi, đọc chậm lại một lần nữa, thấy hiện thực chiến tranh rõ mồn một-đó là dấu ấn khó phai trong lòng tác giả-người lính gần 5 năm chiến đấu ở chiến trường Campuchia, và cả trong lòng bạn đọc hôm nay.

Bìa sách Chuyện lính tây nam – Trung Sỹ, NXB Thanh Niên, quý 1-2018.
Bìa sách Chuyện lính tây nam – Trung Sỹ, NXB Thanh Niên, quý 1-2018.

Người trực tiếp cầm súng chiến đấu 40 năm trước, người cầm bút viết nên những dòng hồi ức hôm nay nguyên là trung sĩ thông tin, và ông lấy quân hàm hạ sĩ quan này luôn làm tên tác giả, cho thấy tính xác thực của những sự kiện, những cảm xúc của người lính dường như còn vẹn nguyên.

Tác giả tên thật là Xuân Tùng, nguyên trung sĩ thông tin, phục vụ tại Tiểu đoàn bộ binh 4 Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Trong Lời tựa, ông viết: “Tôi là một người lính bộ binh, tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới tây nam, đánh đổ chế độ diệt chủng Kh’mer Đỏ từ năm 1978 đến năm 1983.

Sau hơn bốn năm rưỡi dọc dài các nẻo chiến trường đất nước Chùa Tháp, tôi trở về bước lên bậc thềm nhà đúng chiều 23 Tết Quý Hợi 1983. Bốn năm đầy hy sinh gian khổ, với rất nhiều bạn bè đồng đội tôi đã không trở về. Cuộc sống làm ăn xô cuốn, nhưng những gương mặt thân quen ấy nhiều đêm trở lại…”.

Dài theo hơn 300 trang sách với 120 “đoản khúc” (chữ của nhà văn Nguyễn Văn Thọ) là những tháng ngày tuần tự chàng trai Hà Nội 18 tuổi xuân giã biệt thời học trò, nhập ngũ. Những ngày huấn luyện, làm lính tân binh, tất cả đều mới mẻ, êm đềm.

Trong hình dung của những chàng lính trẻ hồi đó, lên đường ra chiến trường chỉ đơn giản là sẽ được vào miền Nam, có thể được đi TP. Hồ Chí Minh xem dinh Thống Nhất, đi Cà Mau xem sân chim.

Họ chưa có khái niệm về Pôn Pốt hay cuộc chiến tranh biên giới tây nam. Khi qua Tây Ninh, qua Long An, tiến dần về biên giới Campuchia, người lính trẻ mới bắt đầu nhớ nhà. Nỗi nhớ này sẽ còn đeo bám anh lính trẻ suốt 4 năm rưỡi, từ những bếp lửa ấm cơm chiều ven sông, nhớ quê nhà lá dong khói pháo chiều 30 Tết, nhớ cái giường ấm ngày mưa nằm đọc cuốn sách cũ chờ mẹ gọi ăn cơm chiều…

Những nỗi nhớ ấy theo anh đi từ S’vay Rieng đến Prek K’dam, Ponley… Hàng chục vùng đất đi qua, mùi cỏ cháy mùa khô, tiếng lục lạc bò hay mùi người sau này cũng trở thành nỗi thèm nhớ của người lính cả tháng chiến đấu trong rừng.

Chiến tranh trong cuốn hồi ức Chuyện lính tây nam cứ rõ dần trên từng trang giấy, cùng bao nỗi xót xa. Mới đêm qua còn nằm cạnh nhau, đêm nay có người đã khuất. Rồi những bữa ăn bao giờ cũng có thể là “món ngon nhất tôi được ăn cho đến bây giờ”.

“Chẳng biết ngày xanh còn được đến bao giờ nhưng ít nhất trưa nay đã có một bữa no nê. Từ giờ đến lúc bắt đầu cuộc tấn công ban đêm, sinh tử dẫu thế nào cũng chẳng thể trở thành ma đói” (Vẫn còn ngày xanh).

Hay “Ngay trước cửa hầm địch 5m là xác thằng Năm trinh sát hy sinh hồi đêm. Súng đã bị thu mất, thi thể găm dày vết đạn. Thấy đôi dép cao su đúc của nó còn tốt, tôi tháo ra xỏ vào chân.

Đôi dép trầy trật máu đông của bạn, phải lấy cát xoa vào hết trơn mới xỏ chân được. Lầm bầm tôi khấn mày cho tao xin đôi dép. Sống khôn thác thiêng phù hộ cho tao” (Prek K’dam). Vậy mà những phút giao tranh ác liệt được nói rất ít.

Chiến tranh ở đây được tác giả đề cập qua những khoảng thời gian hành quân từ làng này qua làng khác, những đêm chong mắt đứng gác, những lần ba lô kề ba lô nối nhau đi và ngược hướng là anh em tải thương đưa những người lính về tuyến sau; những đàn muỗi rừng, sốt rét; mùa khô nước như rút hết trên mặt đất, qua mùa mưa là những con đường bùn lầy.

Người lính tình nguyện chiến đấu trên đất bạn, giữa cái chết cận kề, vậy mà người đọc vẫn nhận thấy trong từng dòng nghĩ suy luôn có tinh thần lạc quan, luôn hướng về đất mẹ. 

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, bạn của Trung Sỹ - Xuân Tùng bảo với tôi rằng, anh đã phải “góp sức” để Chuyện lính tây nam trở thành một cuốn sách. Sau khi từ Campuchia trở về, Xuân Tùng đi học trung cấp xây dựng và làm việc tại Vinaconex.

Thời gian gần đây, những người lính từ chiến trường Campuchia và biên giới phía Bắc trở về lập một trang mạng xã hội để các anh chia sẻ câu chuyện ở chiến trường của mình. Và những dòng cảm xúc ấy của Trung Sỹ được cắt gọt, tiết chế để in thành sách.

Lời tựa cũng gần như là lời kết của Trung Sỹ lại một lần nữa nói đến chuyện “Tên các anh em vẫn luôn được nhắc trong những ngày kỷ niệm, trong hàn huyên lính cũ bên cốc bia hơi vỉa hè hàng phố. Chính họ đã nhắc tôi kể lại câu chuyện Tây Nam này. Tên tuổi các anh em tôi giữ nguyên không đổi, như là họ vẫn sống trên đời này”.

Đọc Chuyện lính tây nam để ta trân trọng hơn những ngày hòa bình, hiểu rằng đó là điều hạnh phúc nhất, như tác giả viết: “Dường như hạnh phúc đang phủ xuống chúng tôi một giấc ngủ lành, không còn thấp thỏm chờ nghe một tiếng gọi gác đêm” (Đêm đầu tiên đất Việt).

Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.
.