Tiếp sức cho tương lai

.

Sau giai đoạn 1 (2012-2017), Tổ chức Giving It Back To Kids (Trả lại tuổi thơ) – Hoa Kỳ tiếp tục tài trợ cho dự án “Nuôi dạy trẻ em mồ côi và trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thành phố Đà Nẵng” giai đoạn 2 (2017-2020) tại Mái ấm gia đình cơ sở 1 Mary’s Home (27 Dương Thị Xuân Quý, quận Ngũ Hành Sơn), Mái ấm gia đình cơ sở 2 Carmela’s Home thuộc Trung tâm Từ thiện Đà Nẵng (12 Thanh Huy 2, quận Thanh Khê).

Nhờ đó, thêm nhiều trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp sức trên hành trình đi tìm và hiện thực hóa ước mơ, hoài bão của các em.

Niềm vui, tiếng cười cùng sự hạnh phúc luôn hiện hữu trong mỗi em nhỏ hiện đang sống tại các mái ấm. (Ảnh được chụp tại Mái ấm cơ sở 2 Carmela’s Home) Ảnh: Mai Hiền
Niềm vui, tiếng cười cùng sự hạnh phúc luôn hiện hữu trong mỗi em nhỏ hiện đang sống tại các mái ấm. (Ảnh được chụp tại Mái ấm cơ sở 2 Carmela’s Home) Ảnh: Mai Hiền

Sau khi bố mất, V. (sinh năm 1998, hiện học lớp 10, Trường THPT Thái Phiên, sống tại Mái ấm cơ sở 2 Carmela’s Home) cùng chị gái của em (sinh năm 1997, quê ở Thừa Thiên Huế) được mẹ dẫn từ Đồng Nai ra Đà Nẵng mưu sinh bằng việc đi bán vé số.

Lúc đó, được đi học là một điều rất xa xỉ với hai chị em. Một thời gian sau, qua lời giới thiệu của người quen, biết được Trung tâm Từ thiện Đà Nẵng có nhận nuôi dạy trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo nên mẹ của V. đã dẫn hai chị em đến gửi tại trung tâm vào năm 2009. Hai chị em được đến trường ở cái tuổi 11-12; trễ hơn các bạn đồng trang lứa tận 5-6 năm.

Đến năm học lớp 3 thì chị gái được mẹ xin hồi gia, còn mỗi V. ở lại trung tâm. Lúc ấy, tổ chức đang tài trợ cho các em bỗng dưng “mất tích”.

Ngay sau đó, Tổ chức Trả lại tuổi thơ tài trợ cho dự án “Nuôi dạy trẻ em mồ côi và trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thành phố Đà Nẵng” giai đoạn 1 để tiếp tục nuôi dưỡng các em. Con đường đến trường, đến tương lai của V. cùng những bạn nhỏ còn lại được dài thêm ra.

Thỉnh thoảng, mẹ lại ghé trung tâm thăm em khoảng 1-2 giờ đồng hồ. Lúc thì hai mẹ con ngồi trước hiên nói chuyện, lúc thì mẹ dẫn em đi ăn, đi uống nước. Dẫu có năng khiếu về môn Ngữ văn khi năm lớp 7 đoạt giải nhì cấp trường, lớp 8 đoạt giải ba cấp quận, nhưng môn học yêu thích của V. là môn Tiếng Anh và ước mơ của em là trở thành cô giáo.

V. bảo: “Từ lúc được đi học, nhìn thấy các cô giáo dạy học, em nghĩ sau này mình sẽ trở thành cô giáo”. Chúng tôi lại nhận thấy V. không hề yếu đuối mà lại rất mạnh mẽ và suy nghĩ có chút “già trước tuổi”. “Lúc nào em cũng trăn trở giữa chuyện về với mẹ hay tiếp tục ở lại, vì nếu được ra ngoài sẽ được gần mẹ, chăm sóc cho mẹ những lúc ốm đâu, trái gió trở trời. Nhưng chỉ khi ở đây em mới được đi học”, V. tâm sự.

Ở một trường hợp khác, em T. (sinh năm 2005, hiện đang theo học lớp 8, Trường THCS Lê Lợi, sống tại Mái ấm cơ sở 1 Mary’s Home) được nhận vào mái ấm từ năm 2016. Trước khi vào mái ấm, bà nội nuôi T. ăn học bằng số tiền kiếm được từ việc bán trái cây, bán lá thuốc.

Nhưng khi T. lên THCS thì bà không còn đủ sức nuôi nên cho em vô mái ấm để có điều kiện học hành cũng như được chăm sóc tốt hơn.

T. cười bảo: “Vô mái ấm em được ăn ngon hơn, cuộc sống sướng hơn”. Hằng tháng, T. cũng như các em nhỏ khác đang sống tại mái ấm được phép về nhà khoảng 2-3 ngày. T. chia sẻ: “Mỗi lần về em sẽ phụ bà nội quét nhà, rửa chén”. Và cũng như V., T. ước mơ sẽ trở thành cô giáo trong lương lai.

Chị Lê Thị Thu (sinh năm 1975) hiện đang làm bảo mẫu tại Mái ấm cơ sở 2 Carmela’s Home cho hay, với những em tiểu học thì bảo mẫu phải thay phiên nhau đưa đi học, đón về; những em học THCS, THPT thì có thể tự đến trường bằng xe đạp, đi bộ vì các trường đều gần mái ấm.

Những lúc có họp phụ huynh ở trường thì bảo mẫu cũng đại diện đi họp cho các em. Tranh thủ những lúc các em đi học, chị Thu đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp. Buổi tối thì kèm các con học bài.

Cũng đang làm bảo mẫu tại Mái ấm cơ sở 2 Carmela’s Home, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (sinh năm 1969) chia sẻ: “Bảo mẫu tại mái ấm phải lo từ giấc ngủ, bữa ăn đến việc học, vui chơi, cách sống của các bé nên rất áp lực. Chưa kể, các bé đều đang trong độ tuổi hiếu động nên nếu không yêu thương các bé như con của mình thì khó mà có thể chăm sóc cũng như dạy dỗ các bé tốt”.

Được biết, bảo mẫu được Tổ chức Trả lại tuổi thơ tổ chức học về kỹ năng sống (kỹ năng làm mẹ, kỹ năng chăm sóc trẻ,…), sức khỏe tinh thần và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từng có thâm niên 19 năm nuôi dạy các trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chị Nguyễn Thị Xuyến (sinh năm 1964), hiện đang làm bảo mẫu tại Mái ấm cơ sở 1 Mary’s Home chia sẻ: “Theo tôi, để có thể làm được cái nghề này thì cần phải có cái tâm. Không chỉ dừng ở việc thương yêu các bé như con của mình mà còn phải hơn nhiều lần để có thể phần nào đó bù đắp những mất mát, tổn thương trong các bé”.

Lãnh đạo Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng cho hay, hằng ngày, các em được đi học tại các trường, mái ấm trang bị đầy đủ áo quần, đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập và đồ dùng cá nhân thiết yếu.

Đối với các em đang học lớp 1 đến lớp 5, bảo mẫu có trách nhiệm đưa các em đến lớp và đón về sau giờ học, nhất thiết không để cho trẻ tự ý đến lớp và tự về nhà nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ. Các bữa ăn hằng ngày luôn bảo đảm chất lượng dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ban Quản lý dự án đã phối hợp với Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm mở lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm bắt buộc cho các cấp dưỡng phục vụ bếp ăn của dự án.

Công tác chăm sóc y tế cũng được quan tâm ngay từ những ngày đầu khai giảng năm học mới. Đồng thời, công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức một số môn học cho các em cũng được đặt lên hàng đầu, nhằm giúp cho các em nâng cao kiến thức môn học, rút dần khoảng cách về học lực đối với các học sinh có học lực yếu, trung bình.

Chia tay các em, các cô bảo mẫu, hình ảnh về những bằng khen được treo trên tường lại khiến chúng tôi càng thêm khâm phục nghị lực của các em. Chắc hẳn, các em đã phải rất mạnh mẽ, lạc quan và cố gắng rất nhiều để có thể đạt được những thành tích tốt trong học tập. Chúng tôi thầm nghĩ về cô giáo V., cô giáo T. trong tương lai…

Tổng giá trị tài trợ của dự án “Nuôi dạy trẻ em mồ côi và trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thành phố Đà Nẵng” giai đoạn 2 trên 8,2 tỷ đồng cùng với nguồn vốn đối ứng từ phía thành phố. Dự án đặt mục tiêu tiếp nhận và nuôi dưỡng thường xuyên 40 em từ 4 đến 18 tuổi là đối tượng trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng về tất cả các mặt dinh dưỡng, y tế, giáo dục, đạo đức lối sống cho trẻ; tạo mọi điều kiện khuyến khích các em hoàn thành chương trình giáo dục cũng như hướng nghiệp cho các em trưởng thành, trước khi hòa nhập cộng đồng có việc làm ổn định.

Bên cạnh đó, dự án còn giúp các em đoàn tụ gia đình sau khi hoàn thành việc học tập, học nghề và có việc làm. Hiện 2 mái ấm đang nuôi dạy 27 trẻ.

Mai Hiền
 

;
.
.
.
.
.
.