Ông quan thanh liêm, người thầy giáo nổi tiếng Trần Đình Phong (1843- 1909), sinh tại làng Yên Mã, tổng Quỳ Trạch, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu; nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Đỗ tiến sĩ năm Kỷ Mão (1879), được người địa phương gọi là cụ Nghè Yên Mã, ông đã có những năm tháng sống rất tâm đắc trên đất Quảng.
Về tên của ông Nghè xứ Nghệ này, hầu hết các tài liệu được công bố lâu nay (kể cả Wikipedia) đều viết chữ Phong dưới dạng chữ Hán là 風, nghĩa là “Gió”. Bởi, theo khẩu truyền, khi bà mẹ mang thai ông thì đêm đêm cứ nghe có tiếng gió thổi mạnh ở đồi cây sau nhà nên lúc được sinh ra, là trai, cậu bé được gia đình đặt tên là Phong theo nghĩa một luồng gió. Cách suy luận thứ hai cho rằng, hai cụ thân sinh biết trước là đời con trai mình rồi sẽ gặp nhiều sóng gió nên đặt cho cậu tên chữ là “Phong” nghĩa là “phong trần”.
Nhưng không phải thế, trong gia phả cũng như các thư tịch khi đề cập tên của ông đều viết chữ Phong 枫 với nghĩa là cây phong. Ta biết, trong “Truyện Kiều”, khi Thúc Sinh nghe theo lời khuyên bảo của Kiều liền tạm biệt nàng để về thăm vợ cả là Hoạn Thư. Ở phút chia phôi ấy của hai người, cụ Nguyễn Du viết: “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”.
Với nghĩa đó, trong bản dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Pháp của mình, học giả Nguyễn Khắc Viện đã phổ thành: “Il monta en selle, elle lâcha le pan de sa tunique/ L’ automne avait teint la forêt d’ érables, couleur d’ adieu”.
Cây phong ấy, người ở Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Hoa), họ gọi là thích 檡. Vì thế nhà bác học Nguyễn Khắc Viện mới dịch chữ “Phong” trong “Rừng phong...” kia thành “La forêt d’ érables”. “Thích” là cây của nhà Phật, biểu thị cái ý chịu khổ hạnh vì sự yên bình của chúng sinh; bởi nỗi khát khao của nàng Kiều lúc bấy giờ là không có gì hơn thế. Nguyễn Khắc Viện đã hiểu tâm trạng của người trong cảnh mà dịch “Rừng phong” ra cái từ “la forêt d’ érables”, một cách chọn chữ thích ứng đến vậy! Trong ba tiếng “Trần Đình Phong” 陳 廷 枫, “Phong” mang cái nghĩa là cây phong, cũng là cây thích vì hàm cái ý như thế, chứ không phải “Phong” là gió.
Với tên chữ cha mẹ đặt cho theo nghĩa là một cây phong ấy, Trần Đình Phong đã mang cái từ tâm của mình để làm những công việc có ích cho đời.
Đỗ tiến sĩ, sau một thời gian dài lận đận ở chốn quan trường, từ một chức vị là Biên tu lý lịch ở triều đình Huế, Trần Đình Phong đi làm Tri phủ Bình Giang, về chịu tang mẹ, rồi đi chấm thi ở Hà Nam, làm Tri huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), lại về triều làm Biên tu Quốc sử quán... Nhưng có lẽ công việc tâm đắc nhất đối với ông là dạy học và viết sách. Đến năm Mậu Tuất (1898), ông nhậm chức quan mới là Đốc học Quảng Nam.
Từ năm 1834, triều Nguyễn lấy Kinh sư (Thuận Hóa) làm trung tâm, chia nước ta ra làm 12 trực kỳ. Trong đó, vùng đất Quảng Nam và Quảng Ngãi gọi là Tả Trực Kỳ. Khi thành lập các tỉnh, về phương diện trực thuộc triều đình thì hai tỉnh ấy chung một ông quan trông coi, gọi là Tổng đốc Quảng Nam (Quảng Ngãi chỉ có Tuần vũ). Vì thế, cũng như công việc hành chính, về phần đại thể, Đốc học Quảng Nam chịu trách nhiệm quản lĩnh cả việc giáo dục ở Quảng Ngãi.
Khi Trần Đình Phong vào nhận việc ở Quảng Nam thì Cử nhân Đào Tấn quê ở Bình Định còn làm Tổng đốc tỉnh này (về sau, ông Cử họ Đào ra làm Tổng đốc Nghệ An). Giữa hai nhà khoa bảng cùng tâm huyết ấy không có sự cách bức về quan cai trị hay quan dạy học.
Tuy làm Đốc học ở một tỉnh lớn, trông coi việc trường ốc trên một dải đất suốt từ Hải Vân cho đến bắc sông Cầu, dưới quyền mình có các Giáo thụ (ở phủ) và Huấn đạo (ở huyện) nhưng ông Nghè Trần vẫn mở một lớp học riêng, đặt ở Thanh Chiêm gọi là trường Quan Đốc. Đây là nơi các môn sinh (kể cả người đã đỗ Hương giải) đến tập bài, nhận sự giáo huấn của ông Nghè Trần. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ (Tập 3, trang 184, NXB Thuận Hóa, 1993) viết về trường hợp này: “Đến ngày giảng sách của quan Đốc, học quan ngồi ở bậc trên, các trò mặc áo khăn chỉnh tề, ngồi im lặng nghe giảng”.
Ông vào làm Đốc học Quảng Nam một thời gian thì đến kỳ thi Hội Mậu Tuất (1898). Khoa ấy, Quảng Nam có 3 người đỗ tiến sĩ là Phạm Liệu, Phan Quang và Phạm Tuấn; hai người đỗ phó bảng là Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến.
Nghe tin mừng về một vinh hạnh lớn cho đất Quảng Nam, Đốc học Trần Đình Phong bàn với Tổng đốc Đào Tấn, dựa theo tích xưa cho thợ thêu 5 con chim phụng trên một tấm thục, gồm 3 con ở tư thế sải cánh (tượng trưng cho 3 tiến sĩ) và 2 con tư thế xếp cánh (tượng trưng cho 2 phó bảng), đem treo tại dinh Tổng đốc trong buổi lễ đón các tân khoa vinh quy.
Các khoa thi sau đó, sĩ tử Quảng Nam nhiều người đỗ đạt cao.
Khoa thi Hương năm Canh Tý (1900), tại trường thi Thừa Thiên, Quảng Nam đỗ Cử nhân 14/42 người, trong đó có Phan Châu Trinh. Huỳnh Thúc Kháng là Giải nguyên, Nguyễn Đình Hiến là Á nguyên...
Khoa thi Hội Tân Sửu (1901), Quảng Nam có 4 người đỗ Phó bảng là Phan Châu Trinh, Nguyễn Đình Hiến, Võ Vỹ và Nguyễn Mậu Hoán.
Khoa thi Hội Giáp Thìn (1904) Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng cùng đỗ Tiến sĩ...
Các nhà đại khoa bảng nói trên, về sau, có những vị đảm nhận các trọng trách trước dân tộc và đất nước như: Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Ngoài ra còn có những bậc đại thần như các vị: Phạm Liệu, Hà Thúc Tuyên, Phạm Hữu Văn, Hà Thúc Du, Hà Xuân Hải... Năm 1915, Phạm Liệu là Hồng Lô tự khanh, ra làm Phó chủ khảo thi Hương ở Nghệ An, có về thắp hương trước bàn thờ thầy học Trần Đình Phong.
Đến năm 1905, Tiến sĩ Trần Đình Phong lại về triều với chức Tế tửu Quốc tử giám. Năm Kỷ Dậu (1909), ông lâm bệnh rồi qua đời tại nhiệm sở. Đại diện triều đình và các môn sinh đưa thi hài ông theo đường biển về an táng tại quê nhà, làng Yên Mã. Trong sự rạng rỡ về khoa bảng của đất Quảng vào thời gian ấy có sự góp sức đáng ghi nhận của vị Đốc học Quảng Nam.
CHU TRỌNG HUYỀN