Đà Nẵng cuối tuần

Cô gái chinh phục sàn đấu võ cổ truyền

12:19, 21/10/2018 (GMT+7)

Bảy năm, kể từ ngày chân ướt chân ráo khăn gói rời miền quê nghèo Thăng Bình (Quảng Nam) ra Đà Nẵng học THPT và đầu quân cho đội tuyển thể thao thành tích cao thành phố, thi đấu ở môn võ cổ truyền, VĐV Nguyễn Thị Ái Vân (24 tuổi) đã góp công mình vào bảng thể thao thành tích cao Đà Nẵng bằng những tấm huy chương ở những giải đấu tầm vĩ mô.

VĐV Nguyễn Thị Ái Vân - Huy chương vàng Liên hoan tinh hoa võ Việt lần thứ nhất, tháng 3-2018. (Ảnh nhân vật cung cấp)
VĐV Nguyễn Thị Ái Vân - Huy chương vàng Liên hoan tinh hoa võ Việt lần thứ nhất, tháng 3-2018. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trở về sau giải đấu vô địch thế giới võ cổ truyền, tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 8-2018, với tấm HCV hạng cân 48kg, Ái Vân vẫn miệt mài trên sàn tập với mục tiêu chinh phục ngôi vị cao nhất tại đại hội võ cổ truyền toàn quốc diễn ra vào tháng 11 tới.

Vân không cho phép mình nghỉ ngơi, không ngủ quên trên chiến thắng. Đổi lại, mồ hôi nhỏ xuống sàn tập càng nhiều hơn. “Theo nghiệp võ, phải luôn khắt khe với cả chính mình nếu không muốn bị bỏ lại phía sau”, Vân nói.

24 tuổi, 7 năm theo nghiệp võ, Ái Vân đã viết nên câu chuyện về hành trình từ làng quê đến sàn đấu quốc tế như một giấc mơ tuyệt đẹp nhưng không kém phần gian nan. Là con út trong gia đình có đến 8 anh em, từ nhỏ, nhìn hai anh trai của mình theo võ đạo nên Ái Vân rất thích và theo hai anh học võ.

Nhưng không lâu sau, một người anh từ giã nghề võ sư để đi làm ăn xa, Ái Vân đành nghỉ tập võ. Lên lớp 10, nhà không lấy gì làm khá giả, lại ở cách xa thị trấn Hà Lam đến 7 cây số, nhưng quá mê võ, Vân rủ bạn bè cùng trang lứa tìm đến một lò võ ở thị trấn để theo học.

“Ban đầu đứa nào cũng hăng. Cả ngày học văn hóa, đêm đi học võ phải đạp xe qua cánh đồng lúa tối thui mà vẫn đi. Rồi được ít lâu, các bạn rơi rụng dần, còn mỗi mình em dù hơi sợ khi đi đường vắng nhưng mê võ quá nên cứ… đi liều”, Vân kể.

Đam mê, lại nhanh nhẹn và quyết đoán trong tập luyện cũng như thi đấu, một năm sau Vân được thầy giáo dạy võ ở thị trấn Hà Lam giới thiệu cho HLV Huỳnh Đức Bảy, Trưởng Bộ môn Võ Cổ truyền Vovinam kiêm HLV trưởng thuộc Trung tấm Huấn luyện-Đào tạo VĐV Đà Nẵng. Tìm được đường phát triển niềm đam mê nhưng hành trình đó không hề dễ.

Vân gặp phải sự phản đối của gia đình bởi ai cũng hiểu “thân gái dặm trường”, một mình ra phố lại theo nghiệp thể thao vốn “bạc” hơn nhiều so với nghề khác. “Để được đi em phải hứa thật nhiều. Phải bảo đảm việc học văn hóa không bị ảnh hưởng, không bỏ bê học hành”, Vân nói.

Sau nhiều đấu tranh để theo đuổi niềm đam mê, lớp 11, Vân một mình khăn gói ra Đà Nẵng, theo học văn hóa tại Trường THPT Ngô Quyền (quận Sơn Trà), vừa miệt mài tập võ. Một năm sau, thành quả thu về là 2 chiếc HCB giải trẻ và giải vô địch quốc gia.

Dù chưa đứng trên bục cao nhất nhận giải, nhưng với Vân đó đã là một sự thành công ngoài mong đợi vì thời gian tập luyện ngắn, em lại phải theo học văn hóa mỗi ngày. Năm tiếp đó, trải qua nhiều giải đấu nhưng Vân vẫn học hành chăm chỉ, đỗ vào Trường ĐH Thể dục-Thể thao Đà Nẵng và hoàn thành chương trình tốt nghiệp song song với tập luyện và thi đấu.

Vân bảo: “Việc vừa hoàn thành chương trình đại học vừa luyện tập và tham gia thi đấu nhiều khi rất căng vì phải sắp xếp cân bằng thời gian.

Có những mùa đấu giải xong, trở về vừa phải tập để giữ phong độ vừa lo… trả nợ môn học. Phải dậy từ lúc 4 giờ sáng đi tập, đến 6 giờ 30 lại phải về để chuẩn bị lên giảng đường. Nhiều khi không thể nghĩ là mình có thể vượt qua được mọi thứ, nhưng nghĩ cho cùng vì yêu thích võ nên có thể biến khó khăn thành điều có thể làm được”.

Vân nhớ lại, mỗi giải đấu là một kỷ niệm khó quên. Nhưng khó quên nhất có lẽ là lần đấu giải vô địch quốc gia 2015. Trước đó, Vân từng thua một VĐV dày dạn kinh nghiệm và thời gian thi đấu hơn mình đến 5 năm. Mùa giải 2015, trận chung kết Vân vô tình gặp lại đối thủ chưa một lần thắng được đó.

Áp lực là điều có thật nhưng khát khao chiến thắng lại lớn hơn bao giờ hết. Dù HLV khuyên Vân nên thi đấu hạng cân 48kg nhưng Vân vẫn một mực xin thầy được thi đấu hạng 45kg để gặp lại đối thủ của mình. Để làm được điều đó, Vân miệt mài ép cân, tập luyện rất căng. Không ai nghĩ Vân thắng dù trên sàn đấu cơ hội thắng được chia đều ngang nhau. Trận ấy, Vân thắng thật, thắng đến 5-0 tuyệt đối.

Vân bộc bạch, thể thao thành tích cao luôn là một đấu trường khắc nghiệt. Khắc nghiệt nhất là chuyện ép cân. Có những ngày trời nóng như nung, để ép được cân đủ tiêu chí thi đấu, em phải mặc áo mưa chạy bộ trong ánh nhìn lạ lẫm của người qua đường. Chấn thương cũng là điều hãi hùng nhất. “Hiện em đã bị rạn hai xương sườn số 5 và số 6. Trở trời là đau nhức nhưng đam mê thì phải theo đuổi và chấp nhận chấn thương”, Vân cho biết.

7 năm theo thầy Bảy luyện võ, Vân trở thành VĐV võ cổ truyền chuyên nghiệp, có nhiều đóng góp cho thể thao thành tích cao của Đà Nẵng. Liên tiếp các năm 2015, 2016 và 2017, Vân là đương kim vô địch quốc gia hạng 48kg.

Ngoài ra, năm 2016, Vân còn đoạt thêm 1 HCV tại Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ABG5) và năm 2018 thì đoạt HCV giải vô địch thế giới. Với thành tích ấy, Vân được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen.

Nói về nỗ lực của mình, Vân trải lòng: “Theo nghiệp võ yếu tố tiên quyết là niềm đam mê, thứ nữa là tính kiên trì vượt qua chính mình. Trong tập luyện và thi đấu, em luôn đặt ra mục tiêu cụ thể và phấn đấu vượt qua”.

Trước mắt Vân, sắp tới là đại hội lớn của môn võ cổ truyền cấp quốc gia, tin rằng, cô bé đến từ miền quê nghèo Bình Triều (Thăng Bình) ấy vẫn sẽ tiếp tục vượt qua, bước lên đỉnh vinh quang như cách cô đã từng vượt qua chấn thương đứng trên bục vinh quang giải vô địch võ cổ truyền thế giới tháng trước.

THIÊN LAM

.