Đà Nẵng cuối tuần
Lớp học thêm của "thầy" Mỹ
Từng là học sinh chuyên Sinh (khóa 2010-2013 ) của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, giờ là sinh viên Khoa Y Dược (ĐH Đà Nẵng), Dương Văn Mỹ (sinh năm 1996) mở một lớp dạy thêm môn Sinh tại nhà. Hơn học trò chỉ vài tuổi, nhưng “thầy giáo” trẻ này đang giúp tạo nên những kết quả nho nhỏ cho học trò của mình.
Lớp học thêm của “thầy” Mỹ không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn truyền cảm hứng và định hướng nghề nghiệp cho học trò. Ảnh: H.A |
Lúc nhỏ, Mỹ mơ ước trở thành bác sĩ vì trong đại gia đình em không may có nhiều người mắc bệnh tim mạch. Nhìn ba, cô, chú mỗi ngày đều phải uống thuốc, kiêng khem, khám định kỳ… em càng nung nấu ước mơ ấy. Nên Mỹ thi đậu vào Trường THPT Lê Quý Đôn và quyết tâm học xuất sắc môn Sinh học, làm cơ sở cho việc bước chân vào đại học y khoa sau này.
Khi Mỹ trở thành sinh viên, một số phụ huynh là bạn bè của ba mẹ biết em học tốt môn Sinh nên nhờ kèm cặp cho con họ. Lứa “học trò” đầu tiên của Mỹ có 5 bạn. “Ban đầu, em chỉ dạy theo kiểu “anh học trước rồi bày lại cho em”.
Em biết cái gì thì em bày lại cái đó. Cả những mẹo khi làm bài thi. Lứa “học trò chuột bạch” ấy thành công ngoài mong đợi khi cả 5 em đều đỗ vào các trường y danh tiếng trên cả nước”, Mỹ khoe. Năm nay, có một bạn trong lớp học thêm của Mỹ đoạt thủ khoa trong kỳ thi THPT quốc gia.
Sau “lứa thử nghiệm” đầu tiên, Mỹ nhận ra “ồ, mình không chỉ yêu nghề y mà còn yêu cả nghề giáo”. Vậy là, Mỹ mở lớp dạy kèm môn Sinh học tại nhà. “Học trò” của “thầy” Mỹ chỉ nhỏ hơn em một vài tuổi. Ở lớp học ấy, thầy trò lúc thì xưng hô thầy-em, lúc thì anh-em nhưng không khí bao giờ cũng thoải mái, vui vẻ.
Mỹ chia sẻ, vì đã trải qua những năm học phổ thông nên em hiểu, kiến thức phổ thông chỉ nằm ở mức độ ghi nhận, chủ yếu cho học sinh biết kết quả cuối cùng chứ không giải thích cặn kẽ. Vì vậy, học sinh cơ bản không thể hiểu ngọn ngành vấn đề.
Vì vậy mà khối lượng kiến thức phải học thuộc lòng rất lớn. Kiến thức ở bậc đại học thì rất rõ ràng, cụ thể, sinh viên phải giải quyết tận cùng vấn đề. Em đang được trải nghiệm những kiến thức cụ thể đó nên dễ dàng chia sẻ lại cho thế hệ sau. Nhờ hiểu được tận gốc vấn đề nên các bạn đỡ công đoạn học thuộc và còn nhớ lâu hơn.
Em Nguyễn Luật (sinh viên năm 2, ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh) kể: Anh Mỹ bảo tụi em trước tiên phải tạo tâm lý làm được bài tập, từ từ rồi sẽ có cảm giác thích làm bài tập hơn. Ngày nào cũng cứ mang sách vở ra làm, không làm được thì tra sách, đọc rồi nhớ, rồi học thuộc, đừng để bí bài rồi chán. Khi làm được bài tập, cảm giác sẽ rất “đã”, làm được nhiều hơn rồi sẽ siêng hơn. Nhờ bí quyết này mà từ một người chỉ học tạm được môn Sinh, khi thi đại học em được 8,5 điểm môn Sinh học.
Hay bạn Thủy Tiên (sinh viên năm 2, lớp Răng-Hàm-Mặt, ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh), nói: “Tại lớp học của anh Mỹ, tụi em được tranh luận nhiều hơn, hiểu sâu hơn các bài tập chứ không đơn thuần từ học thuộc, áp dụng và ra kết quả.
Điều em thích nhất ở lớp học thêm này đó là anh Mỹ không chỉ là thầy mà còn là đàn anh trong nghề nghiệp sau này của em. Anh đã truyền cho em rất nhiều cảm hứng học tập cũng như tình yêu với nghề y”.
Hầu hết những bạn đến học lớp của Mỹ đều có định hướng thi ngành Y từ những năm đầu phổ thông. Vì vậy, Mỹ bảo, em không xem các bạn là học trò mà coi các bạn như đồng nghiệp, đàn em của mình. Thi thoảng, trong các buổi dạy, em và các bạn cùng nhau chia sẻ về tương lai, định hướng nghề nghiệp, quan điểm làm nghề sau này.
“Nhiều bạn chia sẻ với em, bạn ấy không thích làm bác sĩ, bạn ấy thi Y theo nguyện vọng của gia đình (có ba hoặc mẹ làm bác sĩ). Lúc đó, em đã hỏi bạn ấy thích ngành gì. Bạn ấy cũng mông lung không trả lời được.
Em cũng khuyên rằng, bạn có cha mẹ trong ngành y là một lợi thế không hề nhỏ. Với các ngành khác thì anh không biết nhưng với ngành y, kinh nghiệm là điều rất quan trọng. Cha mẹ bạn sẽ truyền đạt những kinh nghiệm tích lũy cả đời đó cho bạn. Hơn thế nữa, bạn còn học rất giỏi, nếu bạn không theo nghề y thì sẽ rất uổng phí”, Mỹ nói.
Hải Âu