Nguy cơ chiến tranh lạnh trở lại

.

Bất đồng giữa Nga-Mỹ thời gian qua tăng cao khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước lực lượng tên lửa tầm trung (INF) với Nga sau khi cáo buộc Moskva vi phạm các điều khoản trong hiệp ước. Hành động này sẽ khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn, bởi có thể thúc đẩy các bên quay trở lại một cuộc chạy đua vũ trang và thời kỳ chiến tranh lạnh.

Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang. Ảnh: SCMP
Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang. Ảnh: SCMP

Mỹ rút khỏi hiệp ước INF là nguy hiểm

Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8-12-1987. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn từ 500 tới 5.500km. 

Trong thời gian gần đây, Nga và Mỹ thường xuyên tranh cãi về việc thực hiện hiệp ước INF và cáo buộc nhau phá vỡ thỏa thuận các điều khoản của hiệp ước này.

Bất đồng giữa hai nước về vấn đề này dâng cao khi Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Kay Bailey Hutchison tuyên bố, Mỹ sẵn sàng phá hủy các tên lửa của Nga mà Washington cho là vi phạm hiệp ước INF.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 2-10 khẳng định, Nga sẽ có biện pháp đáp trả về việc NATO tăng cường hiện diện tại khu vực Bắc Na Uy nhằm bảo đảm an ninh quốc gia bởi đây là khu vực giáp ranh với Nga và Na Uy.

Gần đây, Na Uy đã có những bước đi không thân thiện khi cho phép tăng gấp đôi số lính thủy đánh bộ của Mỹ hiện diện tại nước này từ 330 lên 700 binh sĩ và gia hạn thời gian luân phiên đồn trú lên 5 năm.

Đỉnh điểm của bất đồng Nga-Mỹ là vào hôm 20-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi hiệp ước INF với Nga sau khi cáo buộc Moskva đang vi phạm các điều khoản trong hiệp ước này.

Theo AP, Tổng thống Trump khẳng định: “Chúng tôi sẽ chấm dứt thỏa thuận này và sau đó sẽ phát triển vũ khí”,  trừ phi Nga và Trung Quốc nhất trí một thỏa thuận mới.

Phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ chỉ sau đó 1 ngày, rằng Mỹ không có bằng chứng để chứng minh Nga vi phạm hiệp ước INF, theo Sputniknews, ông Klintsevich, một thành viên của Ủy ban quốc phòng Thượng viện Nga nhấn mạnh:

“Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi INF không làm chúng tôi ngạc nhiên nhưng chúng tôi hy vọng rằng nhận thức chung sẽ thắng thế. Rõ ràng, Mỹ không có bằng chứng chứng minh Nga vi phạm các điều khoản của hiệp ước này”.

Nghị sĩ Nga chỉ ra rằng quyết định của ông Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước INF là không phù hợp với lợi ích của các đồng minh châu Âu. Ông Klintsevich nêu rõ: “(Mỹ) muốn lôi kéo chúng ta, giống như Liên Xô trước đây, vào một cuộc chạy đua vũ trang. Mỹ sẽ không thành công. Tôi chắc chắn rằng đất nước của chúng ta sẽ bảo đảm tốt an ninh của mình trong mọi trường hợp”.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky nhấn mạnh tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hiệp ước INF có thể đẩy các bên quay trở lại một cuộc chạy đua vũ trang và thời kỳ chiến tranh lạnh. 

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev cho rằng hành động của Mỹ sẽ hủy hoại mọi cơ hội gia hạn về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START).

Nga sẵn sàng hợp tác để cứu vãn INF

Các hãng thông tấn Nhà nước của Nga ngày 20-10 dẫn lời một nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga cho biết, động thái của Mỹ rút khỏi hiệp ước INF với Nga được thúc đẩy từ giấc mơ về một siêu cường toàn cầu duy nhất. Nguồn tin Bộ Ngoại giao nói với hãng thông tấn RIA Novosti: “Động cơ chính là giấc mơ về một thế giới đơn cực. Liệu điều này có thành sự thực? Không bao giờ”.

Quan chức ngoại giao này cho biết, Nga đã “nhiều lần lên án một cách công khai đường lối chính sách của Mỹ hướng tới việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân”.

Theo các hãng thông tấn của Nga, Washington đã tiếp cận bước đi này trong lộ trình nhiều năm bằng cách cố ý và từng bước phá hủy nền tảng của thỏa thuận. Quyết định này là một phần đường lối chính sách của Mỹ nhằm rút khỏi các thỏa thuận pháp lý quốc tế, vốn đặt trách nhiệm ngang nhau đối với họ cũng như làm suy yếu khái niệm “chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ”.

Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov cũng cho rằng, động thái này “giáng một đòn mạnh thứ hai chống lại toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược trên thế giới”, với đòn mạnh đầu tiên là vào năm 2001 khi Washington rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo. Theo ông Pushkov, “một lần nữa kẻ khởi xướng hủy bỏ thỏa thuận lại là Mỹ”.

Dẫu vậy, Hội đồng an ninh Nga cho biết, giới chức cấp cao nước này hôm 22-10 khẳng định với ông John Bolton-Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng Moskva sẵn sàng hợp tác với Washington để duy trì hiệp ước INF và việc từ bỏ thỏa thuận then chốt này sẽ đặt thế giới vào nguy hiểm.

Thông báo này được Nga đưa ra sau khi ông Bolton có một số cuộc thảo luận về số phận của hiệp ước INF với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Thư ký Hội đồng an ninh Nga Nikolai Patrushev.

Các cuộc trao đổi giữa giới chức Nga với ông Bolton diễn ra trong bầu không khí xây dựng và thiết thực, khẳng định Moskva sẵn sàng hợp tác với Mỹ để cứu vãn thỏa thuận này. Việc đổ vỡ hiệp ước sẽ là đòn giáng mạnh vào toàn bộ hệ thống kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong các cuộc gặp riêng rẽ, ông Patrushev và ông Bolton cũng đã thảo luận các vấn đề liên quan đến khả năng gia hạn 5 năm START, vốn sẽ hết hạn vào năm 2021.

Ngoài ra, ông Bolton cũng thảo luận với Ngoại trưởng Lavrov về hợp tác chống khủng bố và duy trì ổn định chiến lược. Trong một động thái khác, Ủy ban Châu Âu đã lên tiếng kêu gọi Mỹ và Nga tiến hành đàm phán nhằm duy trì hiệp ước INF.

Người phát ngôn Liên minh Châu Âu (EU) về các vấn đề an ninh và đối ngoại, ông Maja Kocijancic, cho rằng Mỹ và Nga cần tiếp tục đối thoại một cách xây dựng để duy trì hiệp ước, bảo đảm hiệp ước được thực thi đầy đủ và có thể kiểm chứng.

Từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 22-10 cũng kêu gọi Mỹ suy nghĩ thấu đáo về quyết định từ bỏ INF và việc đơn phương rút khỏi hiệp ước sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực. Trong khi đó, theo tờ SCMP (Hong Kong), các chuyên gia cho rằng Washington cũng đang nhằm vào Trung Quốc.

Phát biểu trước báo giới hôm 24-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi quyết định Mỹ rút khỏi INF là điều vô cùng nguy hiểm và Nga sẽ đáp trả việc này. “Chúng tôi có thể đáp trả một cách vô cùng nhanh và hiệu quả. Nếu Mỹ rút khỏi INF, câu hỏi chính là họ sẽ làm gì khi các tên lửa tầm trung tái xuất. Nếu họ triển khai chúng đến châu Âu, chúng tôi sẽ phản ứng tương tự và bất kỳ quốc gia nào đồng ý là địa điểm đặt tên lửa, họ đang tự đưa họ vào tầm ngắm của một vụ phản công”, ông Putin nhấn mạnh.
 
Theo Tổng thống Nga, ông muốn thảo luận trực tiếp vấn đề hiệp ước INF với Tổng thống Donald Trump khi hai người gặp nhau bên lề một sự kiện ở Paris vào ngày 11-11 tới.

ĐOÀN GIA HUY

;
.
.
.
.
.
.