Trọn duyên, trọn nghĩa, trọn tình

.

Những đôi vợ chồng cao tuổi chúng tôi gặp có người tự tìm đến với nhau, người do cha mẹ sắp đặt; song, với họ, chữ duyên, chữ nghĩa, chữ tình rất đỗi thiêng liêng. Đó có lẽ cũng là ngọn nguồn sức mạnh giúp họ vượt qua những trở ngại của cuộc sống để giữ trọn nghĩa vợ, tình chồng, trở thành những tấm gương hạnh phúc, bình dị cho con cháu.

Ông Cát, bà Ba đang vui đùa cùng cháu nội.Ảnh: Thanh Tân
Ông Cát, bà Ba đang vui đùa cùng cháu nội.Ảnh: Thanh Tân

1. Căn nhà hai gác được xây theo lối cũ, nép mình trong con hẻm 34/8 đường Lê Lai (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) ấy là tổ ấm của đôi vợ chồng già là ông Phạm Cát (84 tuổi) và bà Âu Thị Thu Ba (67 tuổi) suốt mấy chục năm nay.

Buổi chiều chúng tôi đến, ngôi nhà rộn ràng tiếng trẻ con. Đó là tiếng hai đứa cháu nội của ông bà (một lên 4, một vừa hơn 1 tuổi) đang cười đùa. “Ba, cháu té kìa!”, “Ba, giữ cháu dùm mẹ ra coi nồi cá kẻo cháy...”.

Bà Ba liên tục gọi, nhờ chồng. Ông Cát “ờ, ờ” nhịp nhàng rồi lóng ngóng giúp vợ giữ cháu. “Hai bác tình cảm quá!”. Tôi thốt lên và không giấu chút ngạc nhiên trong lòng. Ông bà thì chỉ nhìn nhau cười xòa, không để tâm.

Ông bà gặp nhau khi ông Cát (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ Công an Sơn Trà (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) đã một đời vợ (không có con), còn bà Ba là gái tân, vì mãi làm thương nghiệp đến “quên cả lấy chồng”.

Như duyên trời định, mới đó đã ngót 35 năm ông bà chia ngọt sẻ bùi. Vì đều đã lớn tuổi, lại thêm ông Cát trước khi cưới bà Ba đã nhận nuôi một người con trai, nên hai vợ chồng thống nhất chỉ sinh thêm một người con nữa. Anh con trai nuôi từ khi lập gia đình đã cất nhà riêng, ở phường An Hải Đông (quận Sơn Trà), cuối tuần vẫn thường xuyên về thăm cha mẹ.

Vợ chồng người con trai ruột cùng hai con nhỏ thì ở chung với ông bà. Anh con trai ruột là kỹ sư của nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) thường xuyên đi làm xa; con dâu công chức bận rộn tối ngày nên ông bà Cát suốt ngày vui vầy, vật lộn với hai cháu nhỏ như thế. “Mệt nhưng vui cháu ạ!”, bà Ba cười tươi.

Ở tuổi 84, ông Cát vẫn tràn đầy năng lượng với nước da đỏ au, dáng người hoạt bát lanh lẹn. Khó tin nữa là 5 năm trước ông bị ung thư đại tràng, phải trải qua phẫu thuật. “Tất cả là nhờ có bà ấy”, ông Cát nhìn vợ biết ơn.

Suốt 5 năm, bà Ba đã chăm sóc ông Cát với tất cả tình yêu thương dành cho người đàn ông đã gắn với cuộc đời bà như duyên nợ. Không tính cơm cháo ngày 5 - 6 cữ đúng giờ theo lời khuyên của bác sĩ, nghe đâu có dược liệu, thực phẩm bổ sung tốt cho sức khỏe người bệnh ung thư, bà Ba lập tức đến mang về bằng được cho chồng.

Thật may là ông trời không phụ tấm lòng người phụ nữ đảm đang, giàu yêu thương. “Tính tình ổng đôi khi hơi gia trưởng, nhưng thương tôi lắm, tôi biết”, bà Ba mỉm cười.

2. Cách đây chừng 4 năm, Hội Người cao tuổi phường Mân Thái (quận Sơn Trà) tổ chức “Đám cưới vàng, đám cưới kim cương” cho 10 đôi vợ chồng người cao tuổi được các khu dân cư bình chọn là có cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc, bình dị, mẫu mực, là tấm gương tốt cho con cháu. Vợ chồng ông Phạm Phú Bài (80 tuổi) và bà Mai Thị Đường (75 tuổi), trú tổ 57, phường Mân Thái là một trong 10 cặp đôi ấy.

Hôm chúng tôi đến chỉ gặp được bà Đường, vì ông Bài đã nhập viện 3-4 hôm, do bệnh khớp mạn tính. Ở tuổi ngoại thất thập, người ta vẫn có thể nhìn thấy ở bà Đường những đường nét từ da dẻ, gương mặt, dáng người của một phụ nữ đẹp thuở xuân thì. “Muốn lên chăm ổng mà mấy đứa con không chịu chở lên. Chúng nói con cháu cả đoàn để làm chi mà để má vất vả, má đừng lo. Nhưng chiều ni tôi phải lên bằng được, vậy chứ con chăm cha sao bằng bà chăm ông”, bà Đường nói.

Mấy hôm ông Bài nằm viện, bà Đường buồn hẳn, vì bình thường, sáng sáng ông bà sẽ cùng tập thể dục, tản bộ, ông phụ bà bán cà-phê, chiều tối lại cùng nhau đi dạo, hát hò khi khu dân cư có lễ lạt... Còn mấy hôm nay, mọi thứ bà Đường đều làm một mình.

Ông Bài, bà Đường cưới nhau trước khi biết mặt, theo đúng truyền thống “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Năm ấy, bà Đường mới 17. Thế mà, sống chung rồi gắn bó, rồi yêu thương. Cho đến nay, ông bà có với nhau 7 mặt con (1 trai, 6 gái), gần 60 năm tình cảm vợ chồng vẫn như “bát nước thêm đầy”, mặc cho đời trải bao sóng gió.

“Trong hàng tỷ người cùng tồn tại trên thế giới này, tại sao tôi lại gặp rồi gắn bó với ông ấy? Hẳn phải có lý do, đó chẳng phải là cái duyên sao? Đã là duyên thì mình nên trân trọng, bởi không dễ gì ta có trong đời này. Tôi thường nói với các con đã lập gia đình như thế”, bà Đường triết lý.

Cùng tiếp chuyện chúng tôi, anh Phạm Đình Sỹ (51 tuổi), con trai cả hiện sống chung cùng bà Đường, ông Bài không giấu niềm tự hào về cha mẹ.

“Vợ chồng nào rồi cũng có lúc cơm không lành, canh không ngọt, nhưng điều tôi phục cha mẹ mình là ông bà chẳng bao giờ nói với nhau tiếng nặng. Có lẽ cũng nhờ kế thừa cái nếp đó nên vợ chồng tôi từ khi cưới tới nay cũng trên 20 năm rồi, có chuyện chi cũng không giận nhau quá 2 ngày”, anh Sỹ vui vẻ chia sẻ.

3. Về thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, hỏi nhà ông Trần Phước Hoàng (78 tuổi) thì không ai không biết. Ngoài việc ông Hoàng xông xáo phong trào địa phương, giỏi thơ phú, gia đình ông còn có tiếng đầm ấm, nền nếp trong vùng. 

Vợ ông là bà Võ Thị Diệt (70 tuổi) - vốn là một cô giáo làng, nhưng vì thời cuộc, bà chuyển sang công việc đồng áng từ những năm sau đất nước giải phóng cho đến nay. Phần ông Hoàng, sau giải phóng được giao phụ trách hợp tác xã Hòa Nhơn, về hưu ông tham gia nhiệt tình phong trào địa phương, nên việc nhà, chăm lo con cái, cha mẹ, một tay bà Diệt lo liệu. “Nếu có danh hiệu “Vợ Việt Nam anh hùng” thì vợ tôi chắc chắn không nằm ngoài”, ông Hoàng hóm hỉnh ca ngợi vợ.

Nói đoạn, ông Hoàng nghiêm mặt xúc động: “Cha mẹ tôi đều trút hơi thở cuối cùng trên tay vợ tôi. Mấy năm cha mẹ tôi đau ốm nằm liệt giường, vậy mà bà ấy không một lời than oán, tận tình chăm sóc cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Mẹ tôi còn chảy nước mắt trước khi mất vì thương bà ấy”. 6 đứa con (3 trai, 3 gái) của ông bà cho đến nay đều thành gia thất, hiếu thảo, làm ăn khấm khá. Đối với ông bà mà nói đó là hạnh phúc không gì sánh được, cũng là thành công của vợ chồng ông bà.

Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh, song, điểm chung của những đôi vợ chồng cao tuổi chúng tôi có dịp gặp là họ hiểu nhau, thương nhau, cùng trân trọng chữ duyên, chữ nghĩa, chữ tình. Đó chính là chất keo gắn bó, là ngọn nguồn sức mạnh để họ dệt nên những bản tình ca mẫu mực, đẹp đẽ giữa đời thường.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.
.