Từ chuyện đôi găng tay

.

Từ ngày 20-10, người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (theo Điều 16, Nghị định 115/2018-NĐ-CP ngày 4-9-2018 Quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm).

Quy định không thừa, bởi không đặt ra mức xử phạt thì lấy căn cứ đâu để xử lý; nhưng trong bối cảnh người người bán hàng ăn không mang găng tay để lấy thức ăn là chuyện hiển nhiên; đặc biệt là mang găng tay cũng chỉ “cho có”, thì việc luật này có hiệu lực chẳng khác nào cơ quan chức năng tự mang thêm một chiếc găng tay để “bó tay” chính mình.

Trong tuần này tôi mua 2 lần bánh mì ở 2 nơi khác nhau. Một chỗ người bán không dùng găng tay trong lúc làm bánh mì và khi thối lại 2.000 đồng đã gói luôn tờ tiền vào chung bao đựng bánh. Tôi phàn nàn tiền dơ sao để vậy, chú bán bánh mì cười cười tháo bao lấy tờ tiền ra, coi như xong! Hôm khác, tôi mua ổ mì trước cổng trường học, cô bán hàng mang găng tay có vẻ đàng hoàng lắm, nhưng trên chiếc găng tay đó cô làm tất cả các công đoạn từ lấy trứng, cắt xúc xích đến đếm tiền và cả lau dọn mặt bàn. Không chỉ “vô tư” trong chuyện vệ sinh ăn uống của khách, đến thức ăn của chính mình, người bán cũng lắm “hồn nhiên”. Ra chợ, tôi thấy cô bán thịt heo đặt chiếc bánh đang ăn dở lên bàn cân (dùng cân thịt tươi sống) để rảnh tay bán hàng cho tôi.

Tôi nhắc cô nên lót bánh bằng một tấm ni-lông sạch để đỡ dính đồ tươi sống nhưng cô không nói gì, cứ thế làm việc tiếp. Ngày nào cô chẳng ăn uống kiểu đó mà vẫn béo khỏe… Nói hoài những chuyện này chặp hồi tôi cảm giác mình có vẻ… chảnh. Nhưng vài ngày nữa thôi, sự cẩu thả của việc “tiện tay bốc thức ăn” sẽ bị phạt chứ không chỉ là hành động bình thường như bao lâu nay, vấn đề là có mức phạt rồi nhưng sẽ phạt bằng cách nào đây?

10 năm trước, 5 năm gần đây và mãi tận hôm nay, vấn đề khó khăn nhất mà cơ quan chức năng luôn nêu lên để lý giải cho sự bất lực trong việc kiểm soát thức ăn đường phố là lực lượng làm công tác này vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ, lại không có phương tiện trong tay nên sự phân biệt thực phẩm sạch-bẩn chủ yếu dựa vào cảm tính.

Bắt quả tang người bán thực phẩm chín không dùng găng tay khi lấy thức ăn thì không đòi hỏi công sức rình rập, điều tra, nghĩa là phần “nghiệp vụ” có thể cho qua, nhưng hành vi này xảy ra thường xuyên liên tục, mọi chỗ, mọi lúc thì bắt sao, ai bắt, trong bối cảnh con người đi giải quyết những hành vi này luôn bị kêu ca là “thiếu”. Trên thực tế, có quy định mà không mấy khi áp dụng vì không có người thực thi quy định thì luật tồn tại cũng như không, thậm chí dẫn đến “lờn” quy định ở những người có hành vi vi phạm. Ngày 20-10, chị bán bún, bán bánh canh, bánh mì… vẫn bốc thức ăn bằng tay trần như mọi ngày và chẳng ai xử phạt thì chẳng có lý do gì để ngày 21, 22… họ không tiếp tục hành vi đó.

Chưa kể, người bán thực phẩm chín có thể “lách luật” bằng cách sắm găng tay cất sẵn hoặc lúc mang, lúc không để nếu lực lượng chức năng đến kiểm tra thì có cái lôi ra… cãi với nhau. Còn đôi găng tay đó loại gì, đã dùng qua bao nhiêu lần, luật đâu có quy định mà bắt bẻ họ. Với kiểu quy định này, đúng thì thật đúng, nhưng muốn cãi cũng không khó đối với những người muốn chống chế cho sự mất vệ sinh của mình.

Việc cần hơn trước khi nói chuyện xử phạt trong tình hình thực tế xã hội hiện nay là phải làm thế nào để người bán thực phẩm nhận thức được vai trò của đôi tay sạch và tác hại của đôi tay không sạch, trước hết để giữ gìn sức khỏe cho chính bản thân mình, sau là nghĩ cho sức khỏe người tiêu dùng. Tôi rất không thích kiểu cái gì cũng kêu ca, đòi hỏi, nhờ cậy vào nhà trường, rằng ngành giáo dục phải dạy cái này, cái kia để một công dân có đầy đủ kỹ năng sống, nhưng riêng với việc ý thức đôi tay sạch thì thực sự không nơi đâu quan trọng bằng nhà trường. Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố hay ngành công thương, y tế… có phát hiện, xử phạt cũng chẳng khác nào trò “bắt bóng”. Vì vậy, ngoài gia đình, nhà trường chính là nơi giúp hình thành ý thức về đôi bàn tay sạch cho những người buôn bán thực phẩm và cả “những nhà tiêu dùng thông thái” trong tương lai.

Phải khẳng định những năm gần đây, việc giáo dục rửa tay đúng cách và trang bị thiết bị rửa tay cho học sinh có sự thay đổi vượt bậc ở tất cả các bậc học, nhất là bậc mầm non và tiểu học. Đó là bước tiến rõ rệt từ lý thuyết đến hành động của nhà trường. Nhưng việc học sinh đã thực sự quan tâm đến chuyện rửa tay hay chưa, có tuân thủ việc rửa tay trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh hay không vẫn chẳng ai chắc; bởi nhắc vẫn nhắc, còn học sinh không thực hiện thì… thôi. Quan sát một số lớp bán trú, tôi nhận thấy khi trống báo hết giờ tiết cuối buổi sáng cũng là lúc các em đã sẵn sàng cho việc ăn trưa.

Em nào rửa tay thì chạy ra ngoài rửa, em nào không thích rửa tay thì cứ thế ăn. Nghĩa là việc đặt ra yêu cầu rửa tay đối với học sinh trước bữa ăn ngay tại trường vẫn chủ yếu dừng ở mức “khuyến cáo” chứ chưa là yêu cầu bắt buộc, nghiêm túc. Dạy rằng việc rửa tay cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của bản thân và người khác, nhưng học sinh không rửa thì thôi. Cứ đà này, việc kiểm soát vệ sinh đôi bàn tay của người buôn bán thực phẩm tưởng là chuyện nhỏ sẽ vẫn mãi là câu chuyện khó thực hiện, dù có đề ra mức xử phạt nghiêm khắc!

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.
.