Chuyện nghề, xao xác và yêu thương

.

1. Cách đây hai hôm, trò chuyện cùng cô giáo tôi - người đã gắn bó với nghiệp cầm phấn từ thuở tóc mướt xanh và vẫn đang ngày hai buổi đến lớp khi dấu thời gian hằn trên mi mắt, tôi nghe lòng xao xác bởi câu chuyện có thực.

Có một người thầy trong buổi tiệc cưới vô tình ngồi cùng bàn với học trò từng gắn bó trong đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh của nhiều năm trước. Thầy chưa kịp mừng, anh này đã cầm ly nhanh nhảu hướng về phía thầy: “Mời anh, trông anh quen quen!”…

Cũng có lần, trong lúc người thầy ấy đang đi bộ vội vã giữa cái nắng oi ả, thì từ phía xa, một cặp vợ chồng ngồi trên xe máy chạy về phía thầy cùng lời chào: “Thưa thầy, thầy đi đâu đấy ạ?”, rồi anh này để vợ đứng chờ bên đường và một mực mời thầy lên xe để anh chở về.

Trên đường, anh tiết lộ: “Em là học trò cũ của thầy. Ngày xưa em học dở lắm!”. Đến lúc thầy xuống nói lời cảm ơn, anh học trò cúi đầu: “Thầy ơi, thầy đừng nói vậy, tội em!”… Kể đến đây, cô tôi cười mà nghẹn lại.

2. Tôi đi dạy, giữa thành phố lớn với nhịp đời thật vội, có lúc giật mình ngỡ ngàng bởi gặp một đồng nghiệp dạy Văn mà nói giọng như mình. Bởi gần hai mươi năm trước, giữa thành phố này, thật hiếm lắm mới có một cô cậu học trò lựa chọn nghề đi dạy, hơn nữa lại là dạy Văn! Ba mẹ sợ con khổ, ngại con nghèo. Chọn chi cái nghề viết rát tay, nói bỏng họng, giữa thành phố lớn, thiếu gì công việc thuận lợi hơn.

Tôi bây giờ, sau mười mấy năm với nghiệp cầm phấn, thi thoảng lòng se thắt bởi đôi ba đứa học trò thích nghề giáo, mê chữ nghĩa rụt rè hỏi cô: “Cô ơi! Cô nghĩ em có nên thi sư phạm không cô?”.

Trong phút giây ấy, tôi gặp lại tôi ngấu nghiến với những con chữ mỗi đêm và chỉ quyết tâm nộp đơn thi duy nhất vào một trường sư phạm. Nhưng rồi, tôi không dám nhìn thẳng vào đôi mắt háo hức của tụi nhỏ: “Thật lòng, cô nghĩ em nên suy nghĩ thật kỹ, vì còn có rất nhiều lựa chọn cho tương lai của mình”.

Tôi nghe tiếng “Dạ” lí nhí cùng bước chân vội rời đi của tụi nhỏ, nỗi ngậm ngùi và chút ân hận bỗng chốc kéo về, làm xáo xác tâm trí suốt những ngày sau. Thương trò đến thắt lòng...

3. Chiều tan lớp, ra nhà xe, thấy chị đồng nghiệp đã treo lủng lẳng hai chai nước mắm trên xe tự lúc nào, mới sực nhớ mình đã mua hàng chị. Chị mở một gian hàng nhỏ bán nước mắm bên hông chợ. Giờ tan tầm, đường về nhà hóa xa, điện thoại trong cặp đổ chuông liên hồi.

Nóng ruột, tấp vào lề: “Chị ơi! Chị về chưa? Em mang cá xuống cho chị rồi nè”. Thì ra, một cô bé đồng nghiệp cũ có người nhà đánh bắt ở đảo Lý Sơn, tranh thủ lấy cá về bán.

Có hôm, chiều tối cá mới ra đến thành phố, hai vợ chồng tất tả chạy xe đi giao trong mưa gió. Chồng cô bé cũng là một giáo viên... Khuya về, đứa bạn cùng lớp đại học gửi hàng loạt hình ảnh mẫu vải áo dài cùng lời nhắn: “Mày chọn được mẫu nào chưa, mai tao gửi vô?”.

Ngoài thời gian lên lớp, nó tất tả với những đơn hàng qua mạng. Trang giáo án thấm đượm mồ hôi của chật vật đời thường. Sao khác được, cơm áo mặn đắng có bao giờ biết đùa với ai!

4. Thi thoảng, nghe đâu đó những tiếng thở dài về nghề mình, ngành mình, những bất cập về chuyện thi cử, sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp và nháo nhác trong cuộc đua chạy việc, học trò khá giỏi quay lưng với nghề giáo.

Không ít lần, tôi chạnh lòng bởi đứa học trò mình mới dạy năm ngoái-đứa học trò tôi chưa kịp quên giọng nói trong trẻo, thói quen viết tay trái cùng cái tật thường xuyên xỏ nhầm dép ở nhà đi học, đã vội vàng đi qua cô giáo cũ trên dãy hành lang mà không một tiếng chào. Mới đó, mới đây thôi…

Có bữa ra khỏi lớp, lòng chùng nặng trĩu bởi ánh mắt dè chừng của thằng bé thường giấu cô đem tập Toán ra giải giữa giờ Văn… Có bao nhiêu nỗi, bao nhiêu điều, thi thoảng và thường xuyên như thế theo chúng tôi đến lớp mỗi ngày.

Nhưng rồi, chỉ cần nghe một tiếng reo chào vội vã của học trò cũ vô tình dừng cạnh bên khi đèn đỏ ở ngã tư đường, nụ cười háo hức đã vội nở trên môi và lòng cất tiếng hát suốt cả ngày dài. Vui quá, tôi ơi!

Hôm nay và còn nhiều hôm sau nữa, tôi vẫn sẽ đến lớp. Tôi dặn mình phải giữ bước chân thật vững, nuôi niềm yêu thật sâu. Tôi nhớ lời cô khi ngẫm về quãng đời gắn bó với nghiệp cầm phấn: “Có thể có chút xót lòng, nhưng cô chưa bao giờ ân hận”.

Ân hận sao được phải không cô, khi nghề đã hóa thành nguồn năng lượng sống của chính mình! Chúng tôi tự biết, nghề mình vẫn được nhận nhiều hơn những ưu ái trong niềm thương, nỗi nhớ của bao thế hệ phụ huynh, học sinh.

Không kể tuổi tác, họ đều cúi đầu “Thưa thầy!”, “Chào cô!” với một cô giáo trẻ mới ra trường hay với một người thầy tóc đã ngả màu phấn. Điều lạ kỳ và thiêng liêng ấy, chỉ có nghề giáo, mới được thấm cảm.

Bài học sớm nay tôi sẽ dạy học trò - “Vội vàng” của Xuân Diệu: Ta muốn ôm/ Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn/ Ta muốn riết mây đưa và gió lượn/ Ta muốn say cánh bướm với tình yêu/ Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều/ Và non nước, và cây, và cỏ rạng…

Tháng năm ngắn ngủi, hãy thương thật dài và hãy yêu thật sâu - tôi tâm niệm như thế mỗi lần đứng trên bục giảng, đối diện với ánh mắt hấp háy biếc xanh của lũ học trò. Bài giảng sớm nay rồi sẽ theo gió mang ra xa ô cửa lớp học ngập nắng. Chỉ còn hương thời gian thoang thoảng trong ký ức cô trò…

Trần Thị Hồng Vân

;
.
.
.
.
.
.