Thản nhiên hút thuốc

.

Người ta có trăm ngàn lý do để biện minh cho việc hút thuốc. Nào là công việc áp lực nên hút thuốc để giảm căng thẳng, uống ly cà-phê phải hút điếu thuốc cho đậm vị, thậm chí có cả lý do ất ơ như: đàn ông cầm thuốc hút trông phong trần, lãng tử... Dù lý do là gì thì việc khói thuốc lá có mặt ở khắp mọi nơi và chưa có cách gì xử lý được là câu chuyện có thật.

Dù ngồi với con, người đàn ông này vẫn thản nhiên phì phèo thuốc lá. Ảnh: Q.T
Dù ngồi với con, người đàn ông này vẫn thản nhiên phì phèo thuốc lá. Ảnh: Q.T

Khói thuốc có ở khắp nơi

Anh T.H (giáo viên dạy lái xe, trú quận Ngũ Hành Sơn) có một nhóm bạn chơi thân với nhau, tuần vài lần gặp nhau, sáng thì cà-phê, chiều tối thì nhậu. Bạn bè đặt cho anh biệt danh “thần giữ lửa”. Cũng bởi gặp anh lúc nào, ở đâu, làm gì, trên tay anh luôn là điếu thuốc đang cháy dở. Vừa hút hết điếu này anh đã mồi điếu khác. Thậm chí, điếu này chưa kịp tàn, anh đã “búng” xuống đất rồi mồi điếu khác.

Nhóm bạn của anh chẳng anh nào không hút mà nhìn thấy anh hút họ còn… sợ. Anh T. (một người bạn) anh T.H kể: “Ngồi nhậu thấy nó hút còn kinh hơn nữa. Hút liền tù tì!”.

Chẳng biết nhóm bạn của anh T.H nghe theo vị bác sĩ đáng kính nào mà các anh truyền nhau “thông tin”: “Không thể nói bỏ thuốc lá là bỏ được. Bác sĩ dặn rồi, đang hút thuốc mà bỏ ngang là bị lên huyết áp liền. Người đang khỏe mạnh, không bệnh tật chi tự nhiên bỏ thuốc để rước bệnh vô người à”. Lý sự của các anh thật chỉ có người nghiện thuốc lá mới hiểu!

Anh L.V.H (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) lên Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng chăm sóc cha anh bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Cứ chặp chặp anh lại ra hành lang rít vài hơi thuốc cho đỡ thèm. Thoáng thấy bóng nhân viên y tế, anh giấu điếu thuốc, lẳng lặng đi xa hơn một tí.

Hỏi anh có biết quy định không được hút thuốc trong bệnh viện không, anh bảo: “Có, nên tôi mới phải đi ra xa xa hút. Chứ chăm bệnh nhân trong viện cả ngày thì làm răng mà nhịn cho nổi!”.

Có thể bắt gặp người hút thuốc lá ở bất kỳ đâu. Từ cơ quan, trường học, nhà ga, sân bay, quán cà-phê cho đến bệnh viện, thậm chí nhiều người đang chở con trên đường mà trên tay cũng còn cầm điếu thuốc. Người hút thuốc lá chỉ muốn thỏa mãn cơn thèm của mình, bất chấp chung quanh có phụ nữ, trẻ em, người bệnh và… biển cấm.

Trong khi đó, một số người không hút thuốc thì hời hợt với tác hại của khói thuốc. Như tại một quán cà-phê cóc trên đường Nguyễn Duy Hiệu. Không gian quán nhỏ gọn chỉ chừng 30m2, đặt vài ba bộ bàn ghế con con, nhưng trong quán lúc nào cũng khói thuốc mù mịt.

Bên trong đó, hai đứa con gái nhỏ của chủ quán cứ hồn nhiên ngồi xem hoạt hình giữa làn khói trắng. Và ba mẹ chúng, tất nhiên, chỉ quan tâm đến ngày hôm đó bán được bao nhiêu ly cà-phê, bao nhiêu gói thuốc chứ không nghĩ đến việc con mình đã hít vào phổi bao nhiêu khói thuốc độc hại.

Trăm ngàn lý do để biện minh

Một lần vào quán cà-phê, có hai anh chị nhà kia đang tranh luận sôi nổi đề tài thuốc lá. Vừa thấy chồng mồi điếu thuốc, chị vợ nhăn mặt: “Anh để cho em có một buổi sáng trong lành, không khói thuốc được không?”.

Anh chồng cười xòa phân trần: “Hút thuốc có phản ứng dây chuyền em ạ. Mình biết hút mà nhìn thấy bàn bên cạnh có người hút là mình chịu không được, phải hút một điếu chứ không khó chịu lắm”. Chị vợ phản pháo: “Sao thấy chồng người ta làm ra tiền anh không “phản ứng dây chuyền” làm ra tiền theo?”.

“Cái xấu dễ học, cái tốt khó học”. Chị vợ dường như chỉ đợi câu này: “Vậy là anh thừa nhận hút thuốc là xấu?”. “Có thôi đi không?”, anh chồng gắt lên khi bắt đầu thấy có những ánh mắt đang hướng về phía mình.

Đem câu chuyện này kể cho cô bạn, cô chẳng bất ngờ. Chồng cô-một kỹ sư xây dựng cũng là một người nghiện thuốc. “Chồng mình mỗi khi mồi điếu thuốc, nhìn qua thấy mặt mình hậm hực lại ba lơn: Chẳng phải phụ nữ thích đàn ông có sức hút hay sao? Thì anh đang hút đây, sao em lại không thích?”, cô kể giọng chán chường.

Thói quen hút thuốc lá khiến người hút không để ý đến những người ở cạnh cũng bị “dính” chất độc do khói thuốc bay ra. Ảnh: Q.T
Thói quen hút thuốc lá khiến người hút không để ý đến những người ở cạnh cũng bị “dính” chất độc do khói thuốc bay ra. Ảnh: Q.T

Trong khi đó, một người nghiện hút thuốc lá nêu lý do “rất chính đáng”: Hút thuốc là quyền của mỗi người. Việc hút thuốc cũng không làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Và cũng không phải người văn minh là sẽ không hút thuốc-điển hình là người dân ở các quốc gia phát triển vẫn hút thuốc như thường. “Miễn là chúng tôi không hút thuốc ở nơi có biển cấm, không hút ở nơi có phụ nữ, trẻ em… là được”, anh nói.

Hiện nay, ý thức không hút thuốc nơi công cộng, kể cả nơi có biển cấm, của một số người nghiện thuốc lá, dường như còn là điều xa xỉ! Khi có sự nhắc nhở thì họ mới tuân thủ. Hỏi anh N.T, vì sao anh không hút thuốc trong các siêu thị, bệnh viện… thì anh bảo tại những nơi đó sử dụng máy lạnh 100%, rồi còn có bảo vệ ra vào nhắc nhở nên dù thèm cũng không dám hút!

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khói thuốc lá chứa tới hơn 7.000 chất, phần lớn là chất độc hại, trong đó có khoảng 60 chất là tác nhân gây ung thư.

Ở nước ta, mỗi năm có 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc.

Nhưng một số bệnh viện, cơ quan, rồi nhà hàng tiệc cưới có máy lạnh vẫn có người hút thuốc. Và những người chúng tôi gặp đều cho rằng những nơi đó không có ai túc trực nhắc nhở, thậm chí có người nhắc cũng không ăn thua vì vẫn có người bất chấp để hút, nhưng số lượng này cũng không nhiều.

Theo họ, chỉ cần có bảng cấm, có người nhắc thì sẽ hạn chế được. Nhưng vẫn khó xử lý rốt ráo. Vì không có chế tài gì xử được. Người ngồi hút nhiều hơn người đi phạt thì làm sao mà phạt được!?

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe (Sở Y tế thành phố) cho biết, từ khi ban hành Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đến nay, ở Đà Nẵng chưa xử phạt một trường hợp hút thuốc nơi công cộng nào, chủ yếu vẫn là làm công tác tuyên truyền, nhắc nhở.

Vì vậy, trong phòng, chống tác hại thuốc lá, bên cạnh những quy định chặt chẽ về luật pháp, cần có những giải pháp “đời thường” hơn để ngăn chặn sự nảy sinh và dung dưỡng cho hàng trăm ngàn lý do biện minh cho việc hút thuốc lá!

Hút thuốc tại nơi cấm bị phạt đến 300.000 đồng

Đây là quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 23 chỉ rõ: Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng.

Mức phạt nêu trên cũng được áp dụng đối với người bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.

Riêng hút thuốc lá trên máy bay được áp dụng mức phạt theo quy định của Nghị định số 147/2013/NĐ-CP. Cụ thể, người hút thuốc, kể cả thuốc lá điện tử trên máy bay sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng.

Quỳnh Trang
 

;
.
.
.
.
.
.