Cú hích từ cán bộ quản lý

.

Để xây dựng thương hiệu giáo dục thì năng lực của cán bộ quản lý (CBQL) là rất quan trọng. Làm CBQL thành công là cả một nghệ thuật. Trường học nào có đội ngũ CBQL tâm huyết, năng động, sáng tạo thì mọi phong trào đều đi vào chiều sâu và tạo động lực thúc đẩy, hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng dạy học.

Phương pháp quản lý không dùng mệnh lệnh hành chính là cách hiệu quả nhất để thuyết phục giáo viên dạy học với tất cả sự yêu thương, tâm huyết và nhẫn nại với học sinh. Trong ảnh: Giáo viên Trường tiểu học Núi Thành với học sinh trong buổi sinh hoạt ngoại khóa của nhà trường.  Ảnh: Đoàn Lương
Phương pháp quản lý không dùng mệnh lệnh hành chính là cách hiệu quả nhất để thuyết phục giáo viên dạy học với tất cả sự yêu thương, tâm huyết và nhẫn nại với học sinh. Trong ảnh: Giáo viên Trường tiểu học Núi Thành với học sinh trong buổi sinh hoạt ngoại khóa của nhà trường. Ảnh: Đoàn Lương

Không mệnh lệnh hành chính và áp đặt

Suốt học kỳ 1 năm học 2016-2017, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố các môn như Lịch sử, Địa lý, Toán, Giáo dục công dân chuyển từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm khách quan ở kỳ thi THPT quốc gia, hầu như buổi sinh hoạt tổ chuyên môn của Trường THPT Tôn Thất Tùng (Đà Nẵng) cũng có sự tham gia của đại diện Ban giám hiệu.

Cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ban giám hiệu cùng tổ trưởng tổ chuyên môn phân tích rất kỹ kết quả bài kiểm tra một tiết, 15 phút của học sinh khối 12 theo hình thức trắc nghiệm để đánh giá chất lượng đề, điều chỉnh phương pháp dạy học… “Từ kết quả bài kiểm tra cho thấy, học sinh thích ứng rất nhanh với kiểu đề thi trắc nghiệm.

Thế nên, một phần nguyên nhân của điểm bài kiểm tra một tiết các môn xã hội và môn toán thấp là do nhiều giáo viên chưa xác định được mức độ đề thế nào là phù hợp với kiểm tra một tiết. Thời lượng phải tương thích với mức độ khó của đề nhưng giáo viên chưa hình dung hết được trong 45 phút đó thì học sinh làm được chừng nào”, cô Kim Vân phân tích.

Chính vì vậy, Ban Giám hiệu Trường THPT Tôn Thất Tùng đã cùng sinh hoạt với các tổ chuyên môn, rút kinh nghiệm trên từng đề kiểm tra cụ thể. “Không phải giáo viên nào cũng có kỹ năng ra đề trắc nghiệm tốt. Trong biên bản họp các tổ chuyên môn, phải có nội dung đánh giá chất lượng đề của từng thành viên, chỗ nào chưa chính xác về kiến thức, chưa hay, những vấn đề cần rút kinh nghiệm... Chúng tôi chủ trương những góp ý là để cho giáo viên hoàn thiện hơn, chứ không phải là cơ sở để đánh giá thi đua”, cô Kim Vân cho biết.

Nhà trường cũng cung cấp và hướng dẫn cho giáo viên sử dụng phần mềm xáo đề trắc nghiệm. “Gỡ khó” cùng với giáo viên trong những ngày đầu chuyển đổi hình thức kiểm tra, đánh giá, cô Kim Vân cho biết, nếu Ban giám hiệu chỉ cần lơ là, cứ dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt cho giáo viên mà không có sự hỗ trợ thiết thực thì giáo viên sẽ rất căng thẳng, áp lực, khó toàn tâm toàn ý cho công việc.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) chia sẻ: “Ban giám hiệu phải “chia lửa” với giáo viên, đừng tạo thêm áp lực với giáo viên; quan trọng nhất là phải biết được sự cống hiến của giáo viên”. Chính vì vậy, các điều kiện hỗ trợ cho việc giảng dạy của giáo viên luôn được nhà trường hỗ trợ tối đa. “Đôi khi, chỉ đơn giản là chúng tôi cho sửa chữa ngay khi giáo viên báo đèn chiếu sáng hay quạt bị hư hỏng. Hay giáo viên dự thi các cuộc thi nghiệp vụ hoặc phong trào, Ban giám hiệu đều cử người đại diện cùng sát cánh với họ, có những phần thưởng kịp thời, dù có thể giá trị vật chất không đáng bao nhiêu nhưng giáo viên được động viên tinh thần rất nhiều”, cô Nguyệt cho biết.

Nhiều cán bộ quản lý có cùng chung suy nghĩ rằng, nếu Ban giám hiệu nhận phần khó về cho mình, không dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt cho giáo viên là cách hiệu quả nhất để thuyết phục được giáo viên dạy học với tất cả sự yêu thương, tâm huyết và nhẫn nại với học sinh.

Chi li, tỉ mỉ nhưng cũng phải quyết đoán

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt cho biết: Hơn ai hết, Ban giám hiệu phải nắm được điểm mạnh, điểm yếu của từng giáo viên để có thể bố trí đứng lớp hợp lý nhất. Với những giáo viên tỉ mỉ, cẩn thận thì đảm nhận dạy lớp Một, lớp Hai là hợp lý; vì ở lứa tuổi này, các em cần sự hỗ trợ rất nhiều từ giáo viên.

Nhưng nếu phân công

cho các giáo viên này dạy lớp Năm thì hiệu quả sẽ không cao. “Không nhất thiết cứ phải kiểm tra giáo viên bằng cách dự giờ, thăm lớp mới có thể đánh giá chất lượng giờ dạy của giáo viên. Tôi hay đi xuống khu vực lớp học khoảng 5-10 phút đầu mỗi tiết học, thường thấy giáo viên đã xong phần kiểm tra bài cũ và bắt đầu dạy bài mới. Chỉ cần đi ngang qua hành lang lớp học để quan sát, cũng đã có thể đánh giá phần nào chất lượng giờ dạy của giáo viên thông qua thái độ của học sinh, nề nếp lớp học, cử chỉ, lời nói của cô giáo…”, cô Thu Nguyệt khẳng định.

Để thu hẹp khoảng cách về cơ sở vật chất, tự bản thân các trường cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dạy học, đẩy mạnh công tác tiếp thị để “hút” học sinh. Như cách làm đầy táo bạo của cô Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh (quận Hải Châu). Năm 2011-2012, cô Thư Trâm nhận quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng và được Chủ tịch UBND quận giao phó: “Phải huy động được con em phường Thuận Phước quay về học tại Trường mầm non Bình Minh và không phải xin học trái tuyến nữa”. Sáu năm qua là một bước ngoặt lớn của nhà trường, hình ảnh của những dãy hàng rào đổ nát, cây cỏ mọc quá đầu, những phòng học xuống cấp, tối tăm, đâu đó thỉnh thoảng mới nghe tiếng cô trò vọng lại… nay đã nhường chỗ cho một bộ mặt mới.

Ngôi trường đã được khoác lên chiếc áo xanh hơn, đẹp hơn, thân thiện và chất lượng hơn. Trường mầm non Bình Minh từ chỗ chỉ có 60 trẻ với 4 nhóm lớp thì nay Ban giám hiệu rất áp lực khi có nhiều phụ huynh xin cho con học trái tuyến. Thời điểm cô Thư Trâm về làm hiệu trưởng, nhà trường chỉ có 13 giáo viên đứng lớp với 100% biên chế, độ tuổi bình quân là 46 tuổi.

Dù lúc đó số cháu/lớp rất ít, nhưng cô Trâm đã mạnh dạn đề đạt xin được hợp đồng thêm giáo viên trẻ. “Trẻ hóa đội ngũ có trình độ đào tạo chính quy là nhằm tạo sự trẻ trung, năng động và sáng tạo trong nhà trường. Với việc bố trí 1 giáo viên lớn tuổi có kinh nghiệm bên cạnh 1 giáo viên trẻ đã góp phần thúc đẩy nhanh chóng sự tiến bộ trong nhận thức của giáo viên, làm cho phụ huynh hết sức yên tâm khi gửi con vào trường”, cô Trâm nhấn mạnh.

Hà Trần

;
.
.
.
.
.
.