Từ vài năm nay, khu vực gầm cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý (phía đường Trần Hưng Đạo), khu công viên trước Trung tâm Hành chính thành phố… đã trở thành “sàn” tập nhảy, tập múa của nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Đà Nẵng.
Dưới gầm cầu Rồng là không gian công cộng cho các bạn trẻ tập nhảy, tập múa. Ảnh: S.K |
Không cần quá cầu kỳ, chỉ một chiếc loa di động nhỏ và chiếc điện thoại có kết nối mạng Internet là các bạn trẻ có ngay một bộ âm thanh ưng ý, có thể dùng được ở ngoài trời. Do đó, thay vì tập múa trong các hội trường, những căn phòng tập chật chội, nhiều bạn đã chọn những không gian công cộng thoáng đãng để tập các tiết mục văn nghệ của trường, lớp.
Vào những buổi chiều tối, hoặc các ngày cuối tuần, khu vực gầm cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý luôn được các học sinh, sinh viên lựa chọn. Chỗ này nhóm 5-7 bạn tập những điệu nhảy flashmob đầy khỏe khoắn, chỗ kia là vài bạn nữ đang uyển chuyển từng động tác múa với chiếc khăn lụa, ở một góc khác lại một tốp tập từng động tác múa theo người hướng dẫn.
Các bạn trẻ ai cũng tập trung vào bài tập của mình, không để ý đến người dân địa phương và du khách đang chăm chú theo dõi.
Mỗi lần có tiết mục văn nghệ cần tập, nhóm bạn của Nguyễn Thanh Trang, sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) lại rủ nhau ra khu vực khuôn viên dưới chân cầu Trần Thị Lý để tập.
Trang cho biết, trước kia, mỗi lần cần tập văn nghệ cho trường, lớp vào các dịp như tổng kết năm học, các hội thi hay chào đón tân sinh viên…, các bạn hay tranh thủ tập vào các buổi trưa, hoặc cuối giờ chiều ở trường nhưng vì loa mở nhạc khá ồn nên nhóm chọn tập ở chân cầu Trần Thị Lý. Ở đây có khuôn viên rộng, thoáng mát, lại gần trường nên cũng tiện cho các bạn đi lại, có mở nhạc lớn một chút cũng không ảnh hưởng đến người khác.
Thường xuyên đến sớm để “xí” được chỗ tập ở chân cầu Rồng, nhóm bạn của Trần Mỹ Duyên, sinh viên năm nhất Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng tranh thủ ôn lại từng động tác của bài múa đã được học trước đó. Duyên cho biết, mỗi khi lớp có tiết mục văn nghệ cần tập chúng em cũng khá “đau đầu” vì không có phòng tập riêng.
Đi thuê phòng tập thì lại không đủ kinh phí, nên có lần đi qua đây, thấy nhiều bạn cũng tập nhảy, tập múa, em đã rủ các bạn đến tập thử. “Lúc đầu cũng có bạn cảm thấy ngại vì nhiều người qua lại nhìn mình nhưng tập một vài lần thì thấy bình thường, nhiều khi còn thấy các nhóm khác tập hăng say quá nên mình cũng có thêm động lực để tập”, Duyên chia sẻ.
Cũng chọn tập văn nghệ ở chân cầu Rồng, Nguyễn Minh Hoàng, sinh viên năm 2, Trường Đại học Duy Tân chia sẻ, ngay từ những ngày còn học THPT, Hoàng và các bạn đã rủ nhau ra đây hoặc chân cầu Trần Thị Lý để tập nhảy.
Lần này, lớp Hoàng tập một tiết mục múa lên tới gần 20 người. Tuy nhiên, đây là không gian chung nên cũng khá bất tiện, nhóm không thể chủ động trong việc chuẩn bị sân tập. Nhiều hôm đến trễ, các nhóm khác tập kín chỗ, nhóm phải dời địa điểm tập đến khu vực khác hoặc dời sang ngày khác. Bên cạnh đó, những hôm trời nắng thì không sao nhưng nếu trời mưa lớn sẽ bị tạt, cũng không thể tập được.
Bà Trần Thị Hồng, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà chia sẻ, nếu thành phố có thêm được nhiều không gian công cộng thì tốt quá, để không chỉ sinh viên mà nhiều cháu còn trong độ tuổi học sinh cũng có thể đến vui chơi, sinh hoạt tập thể… một cách thoải mái.
Nhiều buổi đi tập thể dục, thấy các cháu tập văn nghệ một cách nhiệt tình, say sưa cũng thấy vui lây bởi cái không khí sôi động của tuổi trẻ. “Không chỉ người già chúng tôi mà nhiều khách du lịch cũng thích thú đứng xem. Các cháu tập văn nghệ ở đây cũng rất văn minh, biết giữ gìn vệ sinh môi trường chung nên nhiều khách du lịch quốc tế sau khi tham quan cầu Rồng, tượng cá phun nước cũng thích thú chụp hình chung với các bạn trẻ đang nhảy, múa say sưa bên sông Hàn”, bà Hồng cho biết.
SONG KHUÊ