Nỗi lo dân số già ở châu Á

.

“Khi còn nhỏ thì nghĩ lớn lên sẽ kết hôn và có con gái như bao người phụ nữ khác nhưng lớn lên thì nhận ra cuộc sống có nhiều thứ thú vị hơn và hôn nhân không phải là điều bắt buộc” - Đó là chia sẻ của Eva Zeng - chuyên gia truyền thông công cộng cho một công ty bất động sản ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) về việc kết hôn.

Một nửa phụ nữ Thái Lan có trình độ đại học và có việc làm.
Một nửa phụ nữ Thái Lan có trình độ đại học và có việc làm.

Zeng có sự nghiệp tương đối ổn định, có một căn hộ cao cấp, một chiếc ô-tô. Zeng đã 33 tuổi nhưng không nghĩ tới chuyện lập gia đình, đơn giản vì cô cảm thấy vui với cuộc sống hiện tại. Suy nghĩ của Zeng được cho là xu thế biến đổi nhanh chóng xã hội ở nhiều nước châu Á.

Tăng trưởng kinh tế đã mang lại cho họ cơ hội học hành tốt hơn, nghề nghiệp có thu nhập cao hơn, cuộc sống cởi mở hơn nên nhiều người không bận tâm tới việc kết hôn. Người phụ nữ trở nên tự do hơn nhưng lại đặt ra thách thức lớn với chính phủ các nước bởi vì tỷ suất sinh thấp sẽ khiến nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai và chi phí phúc lợi xã hội cao hơn.

Đó là lý do nhiều nhà hoạch định chính sách đang cố gắng tối đa hóa lực lượng lao động bằng cách hỗ trợ cho các cặp vợ chồng đang tuổi lao động sinh con.

Mức sinh - tức là số con trung bình một phụ nữ có được, ở các nước phát triển châu Á như Nhật Bản, Singapore hay Hàn Quốc đã giảm xuống dưới mức của Mỹ và Liên minh châu Âu. Các nhà phân tích cho rằng, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á chưa có sự chuẩn bị tốt để đối phó với tình trạng tương tự.

Makoto là nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu NLI ở Tokyo (Nhật Bản) cảnh báo các nền kinh tế mới nổi ở châu Á hãy cẩn thận trong việc ưu tiên tăng trưởng kinh tế mà chậm chân trong việc xây dựng các hệ thống an sinh xã hội.

Trung Quốc đã hành động trong những năm gần đây, cụ thể là nới lỏng chính sách một con từ năm 2013 khi cho phép các cặp vợ chồng có 2 con nếu cha mẹ là con một. Ba năm sau, Trung Quốc nới mạnh hơn nữa để cho phép các cặp vợ chồng có hai con.

Chính sách phản ứng tích cực trong xã hội khi tỷ lệ sinh tăng 1,3 triệu trẻ em trong năm 2016 tức lên mức 17,86 triệu nhưng nhanh chóng rút xuống còn 17,23 triệu trong năm kế tiếp (2017). Cũng giống như cô Zeng ở trên, các bạn trẻ, nhất là ở các thành phố lớn không vội nghĩ chuyện hôn nhân.

Theo các chuyên gia, ba nguyên nhân hàng đầu dẫn tới việc chậm kết hôn là cảm thấy khó khăn trong việc tìm bạn đời, trách nhiệm với gia đình quá lớn và cảm thấy tình trạng độc thân hiện tại là quá vui.

Số liệu thống kê còn cho thấy trước năm 2013, thanh niên Trung Quốc kết hôn lần đầu ở độ tuổi từ 20-24. Năm năm sau, số tuổi kết hôn lần đầu đẩy lên 25-29. Riêng ở những thành phố ven biển phát triển hơn thì tuổi trung bình kết hôn lần đầu vượt qua 30.

Singapore cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự khi mà số lượng người độc thân hiện tại ở Singapore tăng đáng kể so với cách đây một thập niên. Nếu như năm 2007 thì phụ nữ độ tuổi 25-29 chưa kết hôn là 52,% thì tới năm 2017 đã lên 64,6%.

Nam giới có cùng độ tuổi này cũng tăng từ 75% lên 78,8% cũng trong một thập niên. Cô Jennifer Lim, 35 tuổi, làm việc chăm sóc trẻ cho biết: “Tôi chẳng thấy nhu cầu kết hôn và phải dựa vào một người đàn ông cho cuộc sống của mình”.

Phụ nữ Nhật Bản mắc kẹt trong suy nghĩ nếu lập gia đình và có con nhỏ sẽ làm gián đoạn sự nghiệp. Một nữ kỹ sư 32 tuổi ở Tokyo lo lắng là ở bộ phận làm việc của cô không có phụ nữ nào có con. Hiện tại, 1/3 phụ nữ Nhật tuổi từ 30-35 độc thân.

Tỷ lệ này là quá cao so với 10% vào năm 1985. Nhà phân tích Yoko Yajima tại Mitsubishi UFJ cho rằng, tỷ lệ lao động nữ ở Nhật Bản tăng do phụ nữ độc thân tăng chứ không phải điều kiện tốt hơn phụ nữ có gia đình.

Lý do là chỉ có 4% vị trí quản lý cao cấp là nữ, so với 20% - 30% ở Mỹ và châu Âu. Các quan chức chính phủ lo lắng lương hưu, gia tăng người cao niên không có vợ/chồng sẽ phải được hỗ trợ nhiều hơn. Chính phủ Nhật vừa dự đoán chi phí phúc lợi xã hội sẽ lên tới mức 1,66 nghìn tỷ USD trong tài khoản 2040, tương đương 24% tổng sản phẩm quốc nội.

Nam giới Thái Lan tăng độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu từ 25 vào năm 1960 lên 28,3 vào năm 2010. Trong khi đó, một nửa phụ nữ Thái Lan có trình độ đại học và đang có việc làm nên không “mặn mà” với chuyện lập gia đình. Hồng Kông lại có hoàn cảnh khác khi mà chi phí là một trở ngại.

Tổng số tiền tổ chức đám cưới lên tới hơn 360.000 đô-la Hồng Kông trong năm nay, tăng 9% so với năm 2017, bao gồm đồ trang sức, tiệc chiêu đãi, tuần trăng mật… Gần 1/3 vợ chồng trẻ trong tổng số 1.400 cặp được khảo sát cho biết sống với cha mẹ, gấp đôi tỷ lệ so với một thập niên trước vì giá đất quá cao, mua chung cư là không tưởng và nếu thuê nhà thì nhanh chóng ngốn hết tiền tiết kiệm.

Sức ép về tăng tỷ lệ sinh đang ngày càng lớn hơn ở các nước châu Á. Tỷ lệ sinh của Singapore thấp sẽ dẫn tới dân số già nhanh hơn, nhiều người cao niên không có con cái giúp đỡ. Chính phủ Singapore khuyến khích các cặp vợ chồng có con bằng cách thúc đẩy nghỉ phép cho cha mẹ.

Nếu như năm 2013 cho phép nam giới nghỉ một tuần để làm cha thì tăng gấp đôi trong năm 2017 và có tới 8 tuần lễ để chăm sóc con cái trong năm đầu đời. Nhật Bản đưa ra biện pháp giảm giờ làm việc sẽ có hiệu lực vào tháng tư năm tới nhằm giúp cho phụ nữ có gia đình cân bằng được giữa công việc và gia đình. Trung Quốc dự kiến xem xét bãi bỏ hoàn toàn việc kiểm soát số con của mỗi cặp vợ chồng.

ANH THƯ (Theo Nikkei Asian Review)

;
.
.
.
.
.
.