Tản mạn về đi bộ ở đô thị

.

1. Đi bộ không phải là đặc sản của đô thị, bởi ở nông thôn con người cũng thường đi bộ. Tuy nhiên đi bộ ở đô thị có không ít chỗ khác với đi bộ ở nông thôn. Nói riêng đi bộ trong nhà thôi thì đô thị đất hẹp người đông, người đô thị chủ yếu sống ở nhà cao tầng, đi bộ lên cầu thang không cẩn thận rất dễ vấp ngã, trong khi người nông thôn phổ biến sống ở nhà trệt, đi bộ trong nhà an toàn hơn nhiều…

Đi bộ ngoài trời ở nông thôn càng không giống với đi bộ ngoài trời ở đô thị. Ở nông thôn đường làng hầu như không có vỉa hè nên đi bộ chủ yếu là trên mặt đường; ở đô thị đường phố phần lớn có vỉa hè dành cho người đi bộ, chỉ đường kiệt mới phải đi bộ trên mặt đường.

Và chỉ ở đô thị mới tính chuyện mở phố đi bộ… Phố đi bộ ở đô thị là để đi bộ chủ yếu trên mặt đường mà không phải nơm nớp… tránh xe cơ giới.

Cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi - nơi hấp dẫn du khách khi đến Đà Nẵng. Ảnh: MINH TRÍ
Cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi - nơi hấp dẫn du khách khi đến Đà Nẵng. Ảnh: MINH TRÍ

Thế giới có nhiều phố đi bộ nổi tiếng như phố Stroget ở Cohenhagen - Đan Mạch, phố Las Rambla ở Barcelona - Tây Ban Nha, phố Arbat và phố Nikolskaya ở Moscow - Nga, phố République ở Lyon - Pháp, phố Takeshita ở Tokyo - Nhật Bản…

Chính nhờ những phố đi bộ này mà cư dân các nước phát triển đã sớm hình thành thói quen và nhu cầu đi bộ. Và không phải ngẫu nhiên mà ở các nước phát triển, văn hóa nhường đường cho người đi bộ rất phổ biến, trở thành một nét đẹp trong ứng xử.

Người Việt du lịch ở nước ngoài muốn hay không muốn vẫn phải thích nghi với thói quen và nhu cầu đi bộ cũng như với văn hóa nhường đường của họ.

Văn hóa là cả một quá trình trầm tích lắng đọng trên dòng chảy thời gian, nên những nơi mới hình thành phố đi bộ ở nước ta như ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh hay quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng phải đương đầu với không ít điều bất cập, chẳng hạn có người đi bộ dẫn theo thú cưng rồi thả rông gây bất an cho người xung quanh và nhất là trẻ nhỏ - bất an đến mức quận Hoàn Kiếm dự kiến không cho mang theo chó vào phố đi bộ.

Đà Nẵng muốn hình thành phố đi bộ thì ngoài việc cân nhắc lựa chọn địa điểm và thời điểm thích hợp, còn phải biết phát huy lợi thế đi sau để có thể chủ động tránh những bất cập về kết cấu hạ tầng, về mỹ quan đô thị, về môi trường - chẳng hạn tình trạng ô nhiễm khó chịu bởi tiếng ồn hay rác thải…

Và tuy chưa hình thành phố đi bộ nhưng nhu cầu đi bộ ở Đà Nẵng ngày càng lớn. Trước hết là đi bộ như một cách tập thể dục tập thể. Sáng sớm hoặc chiều tối, không ít người Đà Nẵng rủ nhau đi bộ dọc theo các con đường ven sông, ven biển, quanh các quảng trường.

Nói “rủ nhau” bởi hiếm người đi bộ… một mình, mà ít nhất là hai vợ chồng hoặc vài người láng giềng cùng đi, để có người mà… trò chuyện. Tiếp nữa là khách du lịch đi bộ tham quan dọc theo các đường phố chính ở khu vực nội thành, có khi vừa đi vừa selfie (tự chụp ảnh). Không ít trường hợp khi họ qua đường, hầu hết lái xe người Việt đã chủ động nhường đường, chứng tỏ đẳng cấp văn hóa của một Đà Nẵng đang hội nhập quốc tế.

2. Những năm đầu thế kỷ XXI, khi người viết bài này còn làm ở Quận ủy Thanh Khê, câu chuyện giành lại vỉa hè cho người đi bộ đã bắt đầu “nóng” lên và cũng rất nan giải. Nan giải bởi trong thực tế Thanh Khê và chắc không chỉ Thanh Khê, vỉa hè không chỉ là nơi đi bộ, vỉa hè còn là chốn mưu sinh.

Để cho vỉa hè trở thành “hai trong một”, hồi ấy lãnh đạo quận chủ trương kẻ trên vỉa hè đường Trần Cao Vân và một số tuyến đường khác một vạch sơn trắng chia đôi vỉa hè - một dành cho người đi bộ, một dành cho các hộ dân kinh doanh buôn bán ở mặt tiền đường có chỗ cho khách hàng để xe.

Ban đầu phần vỉa hè dành cho người đi bộ ở phía trong, giáp với nhà dân, cốt để đi lại cho an toàn; phần còn lại nằm sát lề đường. Sau một thời gian, phương án chia đôi trong/ngoài như vậy có vẻ không ổn, bởi phần vỉa hè dành cho các hộ kinh doanh buôn bán không chỉ là nơi khách hàng để xe mà còn và chủ yếu là nơi chủ hộ kinh doanh trưng biển quảng cáo và để xe của nhà mình với đủ hình thức che mưa nắng khiến mỹ quan đô thị bỗng chốc trở nên nhếch nhác…

Vậy là phương án đảo ngược trong/ngoài được triển khai, nhưng rồi cũng thấy không ổn, vì khi phần vỉa hè dành cho người đi bộ nằm sát lề đường thì người đi bộ lại cảm thấy bất tiện bởi có khi đang đi họ buộc phải bước xuống lòng đường để tránh trụ điện hoặc thùng rác… Đó là chưa kể trong cả hai phương án, vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo các trường hợp buôn gánh bán bưng cũng gây thu hẹp đáng kể diện tích vỉa hè.     

Qua câu chuyện chưa cũ về đường Trần Cao Vân nêu trên, có thể thấy thói quen và nhu cầu đi bộ phụ thuộc rất nhiều vào hạ tầng giao thông. Vỉa hè đường Trần Cao Vân và không chỉ đường Trần Cao Vân bây giờ sở dĩ hẹp đến mức khiến việc giành lại vỉa hè cho khách bộ hành trở nên nan giải là bởi trước đây chúng ta buộc phải thu hẹp vỉa hè để mở rộng lòng đường - cũng có kết hợp giải tỏa mặt bằng một số hộ mặt tiền để mở rộng lòng đường nhưng diện tích thu hồi không đáng kể do không thể quá lạm dụng giải pháp Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Rồi việc người đi bộ qua đường cũng không thể chỉ dựa vào văn hóa nhường đường ở những nơi không có đèn tín hiệu mà còn phải dựa vào hạ tầng giao thông như cầu vượt trên cao hoặc đường hầm xuyên đường dành cho người đi bộ, nhất là tại những điểm tập trung đông người có nhu cầu qua đường lớn.

Thói quen và nhu cầu đi bộ còn tùy thuộc vào sự phát triển của các phương tiện giao thông công cộng đô thị như metro/tàu điện ngầm hay xe bus, bởi chừng nào các phương tiện giao thông công cộng đô thị phát triển đều khắp, đồng thời bảo đảm vận chuyển tuyệt đối đúng giờ, nhằm tạo thuận lợi cho khách bộ hành chỉ cần đi bộ trong một cự ly vừa phải để đến nơi muốn đến và chủ động được thời gian, thì chừng ấy thói quen và nhu cầu đi bộ của cư dân đô thị chắc chắn sẽ tăng lên. Cho nên để có ngày càng nhiều người đi bộ, rất cần đầu tư để nâng cấp hạ tầng giao thông và phát triển hệ thống phương tiện giao thông công cộng.

3. Đi bộ không chỉ giúp con người đô thị vận động cơ thể và nâng cao thể lực - dẫu người đi bộ có hay không có mục đích tập thể dục, mà còn tăng thêm cơ hội trực tiếp hòa nhập cộng đồng, qua đó tăng thêm cảm hứng trong cuộc sống và trong lao động.

Điều này cũng có nghĩa người đi bộ phải được bảo đảm an toàn mọi nơi mọi lúc, kể cả ở chỗ vắng và trong đêm tối, trước hết là an toàn giao thông. Câu chuyện ở Hà Nội hơn mười năm trước - vào thượng tuần tháng 12 năm 2006 - đến nay vẫn còn ám ảnh chúng ta.

Chiều ngày mồng 7, khi GS Seymour Papert thuộc Viện Công nghệ Massachusetts đi bộ trên phố Đại Cồ Việt cùng với GS Uri Wilensky thuộc Northwestern University thì bị một chiếc xe máy phóng nhanh đâm phải, bị hôn mê và suýt nữa tử vong nếu không được kịp thời đưa về Bệnh viện Mass General bên Mỹ tiếp tục chữa trị.

Điều oái ăm là tai nạn xảy ra đúng lúc hai giáo sư đang nói chuyện về kế hoạch xây dựng một mô hình toán học mô tả các con phố nổi tiếng với tình trạng giao thông lộn xộn của Hà Nội. Sự việc còn đang gây sốc trong dư luận thì hai hôm sau - tối ngày mồng 9,  GS Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hội đồng Khoa học tự nhiên - Hội đồng Khoa học quốc gia, bị một xe máy đâm phải khi đang đi bộ trên đường về nhà ở khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính và đã qua đời.

Và ngay ở Đà Nẵng vốn nổi tiếng an bình, vào cuối năm 2002, nhà thơ Trần Khắc Tám cũng qua đời vì bị xe máy đâm phải trong lúc đi bộ tập thể dục buổi sáng trên đường 2 Tháng 9…

Người đi bộ phải được bảo đảm an toàn mọi nơi mọi lúc cũng là một trong những lý do khiến nhiều chuyên gia tham dự hội nghị phản biện do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hồi tháng 4 năm 2014 tỏ ra không đồng tình với dự án cầu đi bộ nằm giữa cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước.

Các chuyên gia cho rằng muốn trụ vững nơi cuối sông đầu biển, cầu này phải được thiết kế sao cho có được khả năng chống chịu sức gió giật trên cấp 13, đồng thời nêu rõ phương án thiết kế các mái che dạng vỏ sò sẽ tạo lực cản gió rất lớn dễ dẫn đến nguy cơ làm lật cầu khi có bão.

4. Câu chuyện cầu đi bộ “vỏ sò” cũng gợi nhớ đến một cầu đi bộ khác - đó là cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi. Khi xây mới cầu Trần Thị Lý vào năm 2013, người Đà Nẵng quyết định giữ nguyên khung cầu sắt của hãng Eiffel chế tạo để giờ đây cây cầu De Lattre bắc qua sông Hàn hồi đầu thập niên 50 được hóa thân thành cây cầu Bến Giằng ở huyện Nam Giang, và nhất là quyết định giữ nguyên cây cầu Nguyễn Văn Trỗi bắc qua sông Hàn vào năm 1965 nhằm hình thành ở đây một cầu đi bộ.

Tuy nhiên đã 5 năm rồi mà dự án cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi vẫn chưa được triển khai. Có nhiều cách lý giải cho sự chậm trễ này nhưng theo tôi nguyên nhân cơ bản nhất là các nhà đầu tư vẫn đang hình dung cây cầu người Mỹ để lại chỉ như một nhà hàng nổi và từ đó mà tính toán đến khả năng mở rộng diện tích của cầu ngay trên mặt sông, vi phạm nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng đối với một bảo tàng lịch sử ngoài trời.

Bùi Văn Tiếng

;
.
.
.
.
.
.