Lâu nay nói tới Tây Nguyên, tới Gia Lai, nhắc tới sắc vàng, người ta nghĩ ngay tới rờm rợp miên man dã quỳ. Rồi cái màu vàng ám ảnh của cao su mùa rụng lá. Nó ám ảnh bởi triết lý của sự hy sinh, dù nó chỉ là thuần túy luân sinh, là sự tồn sinh theo quy luật. Và nắng vàng, tất nhiên. Nắng Tây Nguyên mùa khô vàng như mật rót vào mắt thiếu nữ, như cái nồng nàn của những bước chân học trò líu ríu trên đường lúc chiều đang vỡ.
Hoa muống Bàu Cạn. Ảnh: V.C.H |
Mới nhất, dân tình lại rồ lên với cái sắc vàng mê mải của hoa muồng Bàu Cạn. Nó không phải gốc của Tây Nguyên như nắng, cũng không thuở nao thuở nào như dã quỳ, mà mới xuất hiện gần đây. Nó là từ những cây muồng được nông trường trồng để chắn gió cho cây chè.
Và đến độ thì nó nở. Nở vào chính thu.
Tây Nguyên không rõ rệt 4 mùa thời tiết xuân hạ thu đông như phía bắc, mà nó đậm 2 mùa cơ học là mưa và nắng. Thời xưa, chưa biến đổi khí hậu thì có những giai đoạn người ta nhận ra có tới 4 mùa trong một ngày căn cứ vào biên độ nhiệt. Cũng phải tinh tế lắm mới nhận ra. Nhưng giờ, biến đổi khí hậu, nó rạch ròi ra, cái gì ra cái nấy, nóng ra nóng, lạnh ra lạnh, thứ nào cũng bộc lộ tới tận cùng “thế mạnh” của mình nên cái khoảng giao nhau mong manh trong ngày nó không còn nữa.
Nhưng, tinh tế ra, thì thấy thu vẫn còn. Và đây đang là những ngày đỉnh thu. Và may mắn thay, có cái màu vàng mê dại của hoa muồng kia phụ họa, khiến cho thu như đậm hơn, nồng nàn hơn, sang trọng hơn, quấn quýt vân vi hơn, và cũng bí ẩn hơn, khát khao hơn.
Thu Tây Nguyên không rõ rệt, không đậm đặc, không... thu, tức bảng lảng, mơ hồ, cứ như sương như khói, như có như không, dù mấy năm nay, hoa sữa cũng hầm hập trên nhiều tuyến phố. Thu ở đây phải ai tinh tế lắm mới nhận ra. Và trong những ngày này, chả ai hẹn ai, người đổ về nườm nượp ở thôn Tây Hồ, nơi có một hồ nước rất đẹp, và có hàng trăm cây muồng đang trổ hoa vàng. Tôi lẫn vào dòng người nhấp nhô ở đấy. Có thầy trò đến mấy trường tổ chức đến đây chơi, cùng những gia đình, những nhóm bạn, mang theo loa, hát hò say đắm ở sát lòng hồ. Và mấy cặp đi chụp ảnh cưới...
Màu thu vàng, có chăng, lại bắt nguồn từ một bức tranh nổi tiếng của danh họa Levitan của nước Nga. Đấy là bức “Mùa thu vàng” được Levitan vẽ năm 1895. Thế nên giờ ở Gia Lai có những cây muồng hoa cứ rực vàng lên trong những ngày chính thu, rất đáng đến ngắm. Lẻ tẻ từng cây, từng khóm từng cụm thì ta đã từng, nhưng mênh mông vàng, mê mải miên man đồng loạt vàng như những ngày này ở vùng trà Bàu Cạn, ở cái thôn Tây Hồ, lại có cái hồ nước rất đẹp, không gợn sóng, thì nó quá xứng đáng là một điểm đến để mà ngắm, mà thỏa ý thích, mà lâng lâng mà tưởng tượng. Mà không gian ở đấy lại thoáng đãng, nó cho con người vượt lên cái tù túng ngày thường mà phấn khích.
Cũng như đồi cỏ hồng, kể cả dã quỳ một thuở, nơi này đang là một chỗ chơi tự phát. Không chỉ của thanh niên, của tuổi teen, mà như tôi đã chứng kiến, rất nhiều gia đình trung niên đưa nhau đến đây. Và không chỉ người ở Pleiku, ở các huyện trong tỉnh, mà có rất nhiều người từ các tỉnh thành khác đến... Những ngày này, facebook rực sắc vàng của hoa muồng từ Tây Hồ, một cái tên cũng rất... thu.
Có thể coi đây là một cơ hội du lịch không nhỉ?
VĂN CÔNG HÙNG