Đón con trai từ trung tâm học Anh văn ra, nó hào hứng: “Mẹ ơi! Cô nói tối nay đi bão”. “Đi bão là đi đâu vậy con?”. “Dạ, là đi đón mưa bão đó mẹ”. - “Được rồi con trai, tối nay cả nhà mình cùng đi bão!”.
Tôi về gõ Google nhưng không tìm thấy một khái niệm giải nghĩa chính thống từ đi bão. Tôi cũng không tra cứu được thời gian chính xác từ này xuất hiện, dù cố gắng dò tìm.
Chỉ biết, những năm gần đây, đi bão đã trở thành trào lưu của người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ. Đó là hiện tượng hàng ngàn người cùng đổ ra đường hò hét, reo vui ăn mừng khi đội tuyển bóng đá Việt Nam giành thắng lợi ở những trận cầu lịch sử, hay gặt hái được những thành tích đáng ghi nhận. Đó là những đêm không ngủ ở các thành phố lớn.
Dòng người đổ ra đường để ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam. Ảnh: XUÂN SƠN |
Từng đoàn người reo hò phấn khích, sắc cờ đỏ sao vàng nhuộm thắm phố dài. Tiếng kèn hơi, tiếng trống, tiếng hô vang “Việt Nam vô địch!” hòa cùng tiếng còi xe, tiếng cười nói rộn rã. Khoảnh khắc ấy khiến người ta gần lại, thật gần! Chẳng biết quen hay lạ, những nụ cười thật tươi trao vội, những cái bắt tay hối hả khi hai làn xe giao nhau, những khuôn mặt rạng ngời hơn cả ánh đèn… Tôi đã thấy trong giây phút ấy tình người ấm nồng. Tôi cũng đã thấy sức mạnh của tinh thần dân tộc.
Tuy vậy, có những lúc, trong “cơn bão” đã thực sự có “giông tố”…
Đêm 6-12, sau chiến thắng của những cầu thủ kiên cường của chúng ta trước tuyển Philippines ở trận bán kết AFF Cup 2018, trên mạng xã hội lan truyền những hình ảnh không đẹp mắt về dòng người “đi bão”. Kèm với đó là hàng loạt bài báo với những cái tít thật buồn:
Hàng loạt tai nạn, va chạm sau đêm bão mừng chiến thắng của tuyển Việt Nam; Ẩu đả, tai nạn giao thông liên tiếp trong đêm “đi bão”; Cổ động viên ăn mừng quá khích gây náo loạn đường phố Sài Gòn…
Tôi giật mình nhớ lại một lần vô tình lạc vào đoàn xe “đi bão” khi trên đường chở con đi học. Tiếng hò hét, tiếng rú xe nẹt pô, mấy cô cậu nhóc không mũ bảo hiểm phấn khích nhấc luôn bánh xe trước lên không trung… Tôi hoảng loạn, tấp xe vào lề, tim đập chân run. Từ đó, hôm nào có những trận bóng mà dự đoán sẽ xuất hiện “bão”, tôi sắp xếp đi sao để tránh “hồn xiêu phách lạc”.
Tôi đã nhiều lần quan sát đoàn người “đi bão” và thấy hầu hết trong số họ là các bạn trẻ. Có lẽ, tuổi trẻ thường thích thú với những gì sôi nổi, hào hứng, với đám đông và sự ồn ã. Họ thường rủ nhau đi từng đoàn, từng cặp một trên xe tay ga hay mô-tô phân khối lớn.
Ngay khi trận cầu chưa kết thúc, từ các quán nhậu hay quán cà-phê, họ đã lên xe đổ ra các ngả đường. Họ chuẩn bị cờ Tổ quốc, chân dung huấn luyện viên và các cầu thủ, băng rôn, kèn hơi, dĩ nhiên cả… “cúp”, thậm chí là nồi niêu xoong chảo, những gì có thể tạo nên âm thanh náo động nhất. Những cô gái ăn mặc gợi cảm, được các chàng trai chở, đứng dậy hò hét vẫy cờ hay gào thét “Việt Nam chiến thắng!”.
Chẳng hiếm cảnh 3, 4 thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chở nhau lạng lách, nẹt pô, bấm còi inh ỏi trêu chọc cảnh sát giao thông. Dòng người bỗng nghẽn lại vì từ xa, một cô gái mang bikini đứng nhún nhảy, lắc lư cuồng nhiệt trên nắp xe ô-tô! Đèn giao thông trở nên vô hiệu, cảnh sát toát mồ hôi thổi còi phân luồng, điều tiết đoàn xe đùn đùn đổ tới.
Giữa đám đông hỗn loạn bỗng vang lên tiếng xô xát, cãi cọ vì hai xe máy ngược chiều đâm sầm vào nhau trên làn đường dành cho ô-tô. Những âm thanh chao chát, ầm ĩ dội lên với bao nhiêu cung bậc, hoan hỉ có, cuồng nhiệt có, bức bối có, bực mình có… từ trong dòng xe ùn tắc. “Bão” qua thành phố thật rồi!
Tôi tự hỏi: Điều gì làm cho đám đông ấy trở nên quá khích, hung hăng, cuồng loạn đến vậy? Tình yêu bóng đá?! Sự thăng hoa trước chiến thắng của đội nhà?! Niềm tự hào dân tộc?! Tâm lý đám đông?!
Cũng trong đêm 6-12, tôi cũng thấy cư dân mạng - số ít mà tôi cho rằng rất từ tốn, tử tế khi thể hiện niềm hạnh phúc chung đã chia sẻ những hình ảnh ấm lòng.
Một người đàn ông khuyết tật ngồi xe lăn, tay cầm cờ, chậm chạp và khó khăn di chuyển cùng các cổ động viên reo mừng chiến thắng; một cụ ông lớn tuổi chở đứa cháu khoác lá cờ Tổ quốc chầm chậm trên chiếc xe đạp cũ; một cụ bà mặc áo dài, trên mình là lá cờ đỏ sao vàng, ngồi bên đường đánh trống trong khi những đoàn xe reo hò đi qua; một cặp đôi trao nhau nụ hôn ngọt ngào trong bộ ảnh cưới đặc biệt giữa màu đỏ của cờ hoa, đèn trống…
Khoảnh khắc ấy, tôi chợt nhớ tới từng ca từ trong nhạc phẩm của Trịnh Rừng núi dang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà... Tôi ấn tượng nhất với bức ảnh chụp nghệ sĩ Chiều Xuân “đi bão” cực “chất”: cô mặc áo dài, tay vác cờ Tổ quốc, thong dong trên đường phố Hà Nội - hình ảnh tỏa rạng vẻ đẹp Á Đông, không phô trương mà giản dị và tinh tế vô cùng!
Bạn tôi kể, trong đêm chiến thắng ấy, trên đường đi làm về giữa khuya, nó đã thấy một cảnh “đi bão” đẹp đến mềm lòng. Một anh chở cái loa thùng “kẹo kéo” được cột ngang bằng dây su ở yên sau xe máy. Anh cứ thơ thẩn chạy chầm chậm trong giai điệu Việt Nam hỡi! Việt Nam ơi! Tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi!... Mấy chiếc xe máy đằng sau, không ai bảo ai, rê rê đi sau anh. Bạn tôi nói, tự dưng xốn xang niềm hạnh phúc khó tả. Nó nghe “bão” tự trong lòng!
Phải chi, tiếng “bão” trong từ “đi bão” được hiểu đúng với tinh thần là sức mạnh quật khởi, là khí thế ngút trời của niềm tự hào dân tộc. Phải chi, ai cũng hiểu, tình yêu chân thành cần biểu hiện bằng những hành động tử tế. Để, “đi bão” trở thành một nét văn hóa thật đẹp, thành nỗi xôn xao thật dễ thương trong thời khắc triệu trái tim cất lời!
Trần Thị Hồng Vân