Đà Nẵng cuối tuần
Không gian cho học sinh, sinh viên
Không chỉ đơn thuần là một không gian đầy ắp sách, thư viện còn là nơi lý tưởng để học sinh, sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, bên cạnh chất lượng lẫn số lượng đầu sách, một không gian yên tĩnh là điều mà những học sinh, sinh viên có thói quen “tá túc” ở thư viện cần nhất.
Hồ Thị Ngọc, sinh viên năm 2, Khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) luôn lựa chọn thư viện trường là nơi để học tập, nghiên cứu khoa học. Ảnh: MAI HIỀN |
Bạn Lê Dạ Quỳnh Nhi, học sinh lớp 11, Trường THPT Phan Châu Trinh thường ghé thư viện trường tầm 4-5 buổi/tuần để học bài. Quỳnh Nhi chia sẻ: “Nhu cầu chính của em là cần một không gian để tập trung học bài và thư viện trường đáp ứng tốt điều đó. Hơn nữa, mỗi lần ghé thư viện, nhìn các bạn khác học bài nghiêm túc thì em cảm thấy mình có tính tự giác học tập cao hơn”.
Ngoài ra, Nhi còn chọn Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng để học, đơn giản là vì “Thư viện này tích hợp nhiều không gian khác nhau, số lượng đầu sách phong phú hơn thư viện trường nên tạo cho em cảm giác thoải mái hơn, thích thú hơn khi học và việc tìm kiếm được thông tin, tư liệu mà em đang cần cũng trở nên dễ dàng hơn”.
Không chỉ Nhi mà đa phần các em học sinh (chủ yếu ở cấp THPT) ghé đến thư viện với mong muốn tìm kiếm một môi trường cùng nhau học tập cũng như một nơi cung cấp đa dạng các loại sách.
Với Hồ Thị Ngọc, sinh viên năm thứ 2, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) thì thư viện trường luôn là lựa chọn đầu tiên mỗi khi cần không gian để học bài, nghiên cứu khoa học.
Tranh thủ những giờ không có tiết trên lớp, Ngọc lại ghé qua “tá túc” ở thư viện, trung bình 3-4 buổi/tuần, mỗi buổi tầm 1-2 giờ đồng hồ. Nhưng vì số lượng đầu sách chưa đa dạng nên Ngọc phải kết hợp với tài liệu điện tử được tìm ở thư viện điện tử của những trường khác, tìm ở những trang web được thầy cô giới thiệu. Cùng lắm thì Ngọc phải đi tìm sách để mua.
Ngọc chia sẻ: “Em nhận thấy số lượng đầu sách tại thư viện trường chưa được đa dạng, đa số là giáo trình, ít tài liệu mở rộng, nâng cao. Nhiều khi lên thư viện mà không kiếm được tư liệu đang cần là em ức chế lắm. Còn không gian thì rất thoải mái, mát mẻ, đảm bảo cho việc học, nghiên cứu của em.
Em mong nhà trường sẽ đầu tư hơn về chất lượng lẫn số lượng đầu sách”. Khi được hỏi về thói quen đi thư viện khi còn học phổ thông, Ngọc cho biết, những năm học THCS, em bắt đầu hình thành thói quen đi thư viện, chủ yếu là mượn sách về đọc nhưng chỉ ghé khi cần. Ở cấp THPT thì ghé thư viện thường xuyên hơn, chủ yếu là đọc truyện và sách tham khảo.
Ngược lại với Ngọc, Nguyễn Thị Thanh Hương, sinh viên năm 4, chuyên ngành Quốc tế học, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) lại luôn chọn Thư viện Khoa học tổng hợp là nơi để học tập thay vì thư viện trường.
Thanh Hương cho hay: “Thư viện này có nhiều sách hơn, hay hơn, đa dạng, phong phú hơn, không gian yên tĩnh hơn thư viện trường nên em rất thích ghé đến đây. Một phần quan trọng là ở thời gian hoạt động của Thư viện Khoa học tổng hợp. Thư viện có mở cửa vào buổi tối, trong khi ban ngày em vừa học trên trường, vừa đi làm thêm”.
Cũng đồng ý kiến với Quỳnh Nhi, Thanh Hương nhận thấy, không gian ở các thư viện luôn yên tĩnh và đó là nơi mà những người ghé đến đều tập trung đọc, học tập, nghiên cứu nên khi đến thư viện cũng có phần ảnh hưởng; độ tập trung cao hơn, không xao nhãng sang việc khác, học tập hiệu quả. Thanh Hương thường chọn những đầu sách bổ trợ cho việc học và sách kỹ năng là chính, cũng như phải thường xuyên lên mạng Internet để làm bài tập hoặc tải tài liệu.
Còn với Trương Văn Trung, sinh viên năm 2, Khoa Báo chí, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), nhà ở quận Sơn Trà nên hôm nào không phải đi học thì Trung lại ghé Thư viện Khoa học tổng hợp. Hôm nào có tiết học trên trường thì tranh thủ buổi còn lại để ghé thư viện trường. Đa phần những lần ghé thư viện, Trung đều chọn sách có liên quan đến chuyên ngành để đọc, học hỏi thêm. Những lúc rảnh thì chọn đọc sách về lịch sử, triết học. Ngoài ra, thi thoảng, nhờ được “bảo lãnh” bởi những người bạn, Trung còn ghé thư viện của Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng).
Trung chia sẻ: “Truyền thông và Marketing có liên quan mật thiết với nhau nên khi không kiếm được những đầu sách, tư liệu về truyền thông ở thư viện trường, Thư viện Tổng hợp thì em ghé qua thư viện của Trường ĐH Kinh tế để kiếm, cũng như kiếm những đầu sách để bổ trợ thêm”. Khi so sánh về số lượng sách giữa thư viện trường, Thư viện Khoa học tổng hợp và thư viện của Trường ĐH Kinh tế thì Trung nhận thấy, sách ở thư viện trường hạn chế hơn hẳn.
Nhìn chung, các bạn học sinh tìm đến thư viện để học bài, đọc sách tham khảo. Còn với sinh viên thì nhu cầu, đòi hỏi của các bạn với thư viện cao hơn. Nó không chỉ dừng lại là một không gian học tập, bổ sung kiến thức, kỹ năng mà các bạn sinh viên còn mong muốn thư viện sẽ trở thành một nơi nghiên cứu lý tưởng với nhiều những đầu sách, đặc biệt là sách chuyên ngành, sách mở rộng liên quan đến chuyên ngành.
Mai Hiền