Rong biển Nam Ô (người địa phương gọi là mứt) như một món quà của biển mọc bên những ghềnh đá dọc chân núi Hải Vân, người dân làng Nam Ô nhờ đó có một cái nghề để mưu sinh vào ngày mùa biển động - nghề “ăn” mứt.
Đặc sản rong biển khô Nam Ô dần trở thành một món quà ưa thích của du khách gần xa khi ghé Đà Nẵng. Ảnh: MAI HIỀN |
Ghé làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) vào một ngày mưa to, tôi hỏi người dân tìm đến nhà cô Hến thì đều được đáp “À. Nhà cô Hến hay đi lặn mứt đúng không?”. Rồi cứ theo sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân, sau một hồi đi qua những con hẻm chỉ đủ lọt 1, 2 chiếc xe máy, tôi cũng tìm được đến nhà cô. Cô là Đặng Thị Hến (50 tuổi), là một trong những người làm nghề “ăn” mứt lâu năm tại Nam Ô. Cô không nhớ chính xác là bắt đầu làm nghề này từ bao giờ, chỉ nhớ từ khi còn nhỏ, cô đã theo mẹ đi “ăn” mứt, lặn ốc, rồi học nghề từ từ.
Trong năm chỉ có một mùa mứt, vào tầm tháng 10, tháng 11, đó là những khi con sóng ngoài khơi bắt đầu lớn, đánh vào ghềnh đá những đợt sóng cao hàng mét. Mặc những con sóng to, mặc những ghềnh đá trơn trượt, nguy hiểm, người dân Nam Ô tìm đến những ghềnh đá ở khu vực Nam Ô, ở bán đảo Sơn Trà để “ăn” mứt. Quả thật, ở đời luôn có luật bù trừ, mất cái này lại được cái kia, không được mùa đi biển thì bà con ngư dân có cái nghề “ăn mứt” để kiếm sống. Mứt biển khá nhỏ, có màu đen, bám chặt vào đá, có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ ăn, chế biến đơn giản. Chính vì vậy mà mứt biển rất được giá, bán chạy.
Nguồn mứt ở Sơn Trà nhiều hơn nên những năm gần đây, cô Hến cũng như những bà con ngư dân ở Nam Ô sang tận Sơn Trà để “ăn” mứt. Một ngày đi “ăn” mứt của cô thường bắt đầu từ lúc 3, 4 giờ sáng ra khỏi nhà, đi mất một giờ mới đến những ghềnh đá dưới chân bán đảo. Không chỉ mình cô, dân trong xóm biển này cỡ hơn chục người làm nghề mứt, đi thành nhóm. Đồ nghề là một miếng tôn được cắt thành hình tròn cùng một chiếc vợt lưới, cô Hến cạy mứt trong suốt 5-6 giờ đồng hồ. Đến khoảng 11, 12 giờ trưa là hoàn thành một buổi “ăn” mứt, thu hoạch được chừng 6-10kg mứt. Số mứt này cô mang về nhà rửa rồi đem ra chợ Nam Ô ngồi bán. “Giá mứt càng về cuối mùa càng giảm.
Đầu mùa, giá mứt tầm 200.000 đồng/kg, giữa mùa rớt xuống còn khoảng 100.000-150.000 đồng/kg, cuối mùa thì chỉ còn khoảng 60.000-70.000 đồng/kg. Khi hái cũng phải thật kiên nhẫn để mứt không bị nát, nếu không sẽ bị mất giá”, cô Hến cho hay. Có nhà để lại một ít mứt cho gia đình dùng, còn lại đem đi bán. Riêng với cô Hến, do hoàn cảnh khó khăn nên cô cứ “ăn” được bao nhiêu là cô đem đi bán bấy nhiêu. Đa phần là bán mứt tươi, chỉ khi nào được khách đặt mứt khô thì cô phơi khô cho khách.
Nghe có vẻ đơn giản, không mấy nặng nhọc nhưng cái nghề “ăn” mứt này lại vô cùng nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể gây hại đến tính mạng. “Mỗi khi cạo mứt, chân thì phải bấu chặt vào mặt đá trơn trượt, tay cạo mứt còn mắt phải canh chừng con sóng. Vì nếu chẳng may trượt chân té, sóng đánh vào sẽ rất dễ bị cuốn ra biển liền, rồi bị mắc kẹt vô đá…”, cô Hến chia sẻ. Với nghề này, nhẹ thì bị những vỏ hàu trên đá cứa vào da thịt, tạo sẹo, nặng thì có thể mất mạng trong tức khắc. Cô Hến bảo, “Nghề “ăn” mứt nguy hiểm hơn nghề lặn ốc nhiều”.
Nghe cô kể về nghề “ăn” mứt, tôi chợt thoáng nghĩ “Sao cái nghề gì mà đánh đổi lớn quá vậy?”. Nhưng rồi, khi thấy với những rổ mứt thu hoạch được có thể “nuôi” những người dân ấy qua mùa sóng to thì cũng chợt mừng. Mứt chẳng khác gì một món quà của biển cả với những ngư dân chịu thương chịu khó, cả đời bám biển. Dẫu nguy hiểm là vậy, song với cô Hến và những ngư dân Nam Ô, cả đời họ luôn gắn bó với cái nghề đi “ăn” mứt, họ chưa từng một giây nghĩ đến việc bỏ nghề.
Và càng vui mừng hơn khi giữa vô vàn những đặc sản thì rong biển Nam Ô vẫn luôn chiếm được một vị trí vững chắc trong lòng những du khách đặt chân đến Đà Nẵng. Lần nào cũng vậy, có dịp ra Đà Nẵng chơi thì cô bạn người Đồng Tháp của tôi lại ghé chợ Hàn, mua rong biển khô Nam Ô đem về. Cô bạn bảo: “Rong biển ở Đà Nẵng ngon. Dù mấy năm nay có rong tảo biển của Hàn, Nhật bán ở siêu thị nhưng thấy không ngon bằng”. Hay hôm rồi, khi nói về rong biển Đà Nẵng, chị đồng nghiệp của tôi cho hay, “Chị có mua, gửi ra cho nhỏ bạn ở ngoài Bắc ít rong biển. Nó thích lắm!”.
Mai Hiền