Trong thời đại công nghệ 4.0, để có thể lấy được lợi thế cạnh tranh thì việc giữ chân người dùng càng lâu càng tốt đang là một trong những thách thức của các nhà quản trị mạng xã hội. Một nhóm sinh viên Trường ĐH Kinh tế -ĐH Đà Nẵng đã nghiên cứu đề tài: “Ảnh hưởng của sự thân mật và niềm tin đến sự dính kết của người dùng trên mạng xã hội – nghiên cứu thực tiễn đối với mạng xã hội Facebook”. Đề tài vừa đoạt giải nhì cuộc thi Euréka lần thứ 20.
Nhóm sinh viên nghiên cứu sự dính kết của người dùng mạng xã hội facebook (từ trái qua: Thảo, Huy, Thiện, Đăng). |
Nhóm sinh viên trên gồm Lê Nguyễn Hồng Cơ, Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Thị Thiện, Huỳnh Hải Đăng, Lê Lương Gia Huy, đều là sinh viên khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). Nói về ý tưởng, Huỳnh Hải Đăng cho biết, từ sự nhìn nhận thực tiễn rằng công nghệ 4.0 ngày càng phát triển và cạnh tranh gay gắt, sự kiện Chủ tịch Facebook Mark Zuckerberg phải giải trình vì vụ việc để lộ thông tin cá nhân người dùng, nhóm nhận thấy sự thân mật, niềm tin và kết dính là những nhân tố quan trọng trong môi trường mạng xã hội ngày nay. Vậy nên cùng với sự góp ý của giảng viên hướng dẫn, nhóm nghiên cứu đã quyết định thực hiện đề tài: “Ảnh hưởng của sự thân mật (intimacy) và niềm tin (trust) đến sự dính kết (stickiness) của người dùng trên mạng xã hội – nghiên cứu thực tiễn đối với mạng xã hội Facebook”.
Đăng cho biết, giai đoạn mất nhiều thời gian nhất là tìm được đề tài hợp ý mình và giai đoạn xử lý dữ liệu. Đây dường như là hai bước tạo nên nền và khung của một bài nghiên cứu. Ngoài ra, đề tài của nhóm là một trong số những đề tài đầu tiên thực hiện nghiên cứu về sự thân mật và dính kết đối với Facebook tại Việt Nam. Nên nhóm cũng khá khó khăn trong việc tìm tài liệu để củng cố cho nghiên cứu của mình, hầu hết các tài liệu đều phải tìm kiếm và nghiên cứu từ các tài liệu nước ngoài.
Theo các bạn, trong thời đại công nghệ 4.0, người dùng càng có nhiều sự lựa chọn, cũng như rất khó duy trì sự thân mật, niềm tin của mình ở bất kỳ một trang mạng xã hội ảo nào. Vậy nên để có thể lấy được lợi thế cạnh tranh thì việc giữ chân người dùng càng lâu càng tốt đang là một trong những thách thức của các nhà quản trị. Vì vậy, sau khoảng gần 5 tháng nghiên cứu, nhóm đã đưa ra được những luận điểm cũng như đề xuất những giải pháp nâng cao hơn nữa niềm tin và sự thân mật dành cho mạng xã hội, trong trường hợp đề tài nghiên cứu là Facebook như: Cần phát triển các thuật toán bảo vệ thông tin người dùng cung cấp cho Facebook có độ bảo mật thông tin cao hơn nữa; công khai cụ thể cách thức quản lý, bảo mật thông tin với người dùng; định kỳ mỗi tháng gửi cho người dùng danh sách thông tin mà họ cung cấp cho các trang web thông qua Facebook; xây dựng một cơ chế chi tiết và hiệu quả để giải quyết mọi vi phạm thông tin mà người dùng cung cấp cho Facebook; thay đổi thuật toán nhằm giúp các bài đăng của người dùng trong nhóm tiếp cận được nhiều thành viên nhóm hơn ngay trên bảng tin thường ngày; thông báo cho họ số lượng bạn bè hiện tại trên Facebook vào mỗi tháng, đề xuất thêm bạn bè mới…
Đăng chia sẻ, lúc nhận được thông báo nhóm đoạt được giải nhì, thì cảm xúc đầu tiên là vô cùng bất ngờ. Bởi đến với cuộc thi có hàng trăm đề tài xuất sắc khác nên nhóm coi đây là một cơ hội được gặp gỡ các chuyên gia trong nghiên cứu khoa học, cũng như các đội thi khác, để có thể được chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về nghiên cứu khoa học. “Đoạt giải nhóm rất hạnh phúc, đây cũng là động lực để nhóm tiếp tục cố gắng hơn nữa trong những dự án tiếp theo trong tương lai”, Đăng tin tưởng.
Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka do Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức hằng năm dành cho các sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, cao đẳng, học viện trên toàn quốc. Giải thưởng nhằm động viên, khuyến khích năng lực nghiên cứu khoa học trong sinh viên, tạo điều kiện và môi trường cho sinh viên học tập – rèn luyện, từ đó ươm mầm những nhà khoa học trẻ từ khi còn trên ghế nhà trường góp phần đào tạo nên những nhà khoa học trong tương lai. |
Thiên Lam