Sau hơn 7 tháng đi vào hoạt động, tính đến hết tháng 10-2018, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã thu hút được khoảng 15.000 lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã thực hiện nhiều phương án trưng bày và xây dựng kế hoạch sưu tầm hiện vật, phục chế tư liệu liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, phát huy lợi thế hiện có.
Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: ANH CHUNG |
Sưu tầm tư liệu chủ quyền quần đảo Hoàng Sa
Các nhà nghiên cứu đã dày công tìm kiếm, tập hợp nhiều tư liệu liên quan ở trong và ngoài nước, để khẳng định chủ quyền không tranh cãi của quốc gia Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Các thư tịch cổ trong chính sử, các văn bản hành chính qua các thời kỳ lịch sử, các tư liệu tồn tại trong dân gian, các bản đồ phương Tây và Trung Quốc được sao chụp, in ấn và phát hành rộng rãi như một minh chứng hùng hồn để khẳng định Hoàng Sa từ lâu đã là một phần của lãnh thổ Việt Nam.
UBND huyện Hoàng Sa cũng chủ động phối hợp, tìm kiếm thêm nhiều tư liệu lịch sử, tổ chức các buổi gặp mặt, ghi nhận xác thực lời kể của các nhân chứng lịch sử đã từng sinh sống, làm việc trên đảo để bổ sung nguồn tư liệu. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, tổ chức cũng thể hiện tinh thần yêu nước bằng việc hiến tặng các tư liệu, hiện vật, được chuyển giao cho Nhà Trưng bày Hoàng Sa để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, giúp khách tham quan tiếp cận với các bằng chứng chủ quyền biển đảo.
Bên cạnh công tác trưng bày, Nhà Trưng bày Hoàng Sa cũng quan tâm đến công tác phục chế các tư liệu thư tịch và bản đồ, giúp khách tham quan hình dung được diện mạo của văn bản gốc liên quan, mặt khác tăng khả năng cảm quan khi tiếp xúc một cách trực quan, giảm bớt độ khô cứng của tài liệu giấy in.
Các mộc bản triều Nguyễn khắc in các bộ chính sử như Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí cùng một số thác bản in rập sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam thực lục chính biên được dùng thay thế cho bản in màu đã được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV phối hợp thực hiện.
Tháng 9-2018, sau một thời gian dài chuẩn bị, Nhà Trưng bày Hoàng Sa tổ chức triển lãm giới thiệu 284/ hơn 500 bài viết về Hoàng Sa, theo các chủ đề: một số bài báo tiêu biểu trong bộ sưu tập báo chí “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”; sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam qua báo chí; những bài báo viết về Hoàng Sa của các cơ quan báo chí tại Đà Nẵng được viết từ năm 1979 đến năm 2018.
Đối với các ấn phẩm không tái bản hoặc hiện không có trên thị trường, Nhà Trưng bày Hoàng Sa tiến hành mua lại từ các cá nhân, tổ chức khác nhằm bổ sung kho lưu trữ.
Nhận định trong dân gian vẫn còn bảo lưu nhiều tư liệu, đặc biệt là tư liệu Hán Nôm liên quan đến hoạt động tuần tra, kiểm soát biển của thủy quân triều Nguyễn và lực lượng dân phòng tại các địa phương ven biển…, hiện tại, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã có được một số bằng cấp, sắc phong ban cho một số chức sắc là người Quảng Nam-Đà Nẵng làm việc trong các thủy vệ Quảng Nam. Nhà Trưng bày Hoàng Sa sẽ lập kế hoạch dài hạn tổ chức sưu tầm tư liệu để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày.
Trưng bày tư liệu về Hoàng Sa
Hiện nay, tư liệu và hiện vật trưng bày tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa được chia làm các nhóm chủ đề. Chủ đề 1 - Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa; trong đó có tư liệu nêu rõ tên gọi và tọa độ địa lý của 37 thể địa lý đảo, đá, bãi, cồn nằm trên quần đảo Hoàng Sa (1). Rõ ràng, không phải cá nhân người Việt Nam nào cũng tường tận những điểm này. Còn du khách nước ngoài thì càng cần thiết hơn. Bảng trích lời của vua Lê Thánh Tông “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dừng…
Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”. Và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “…Trường Sa và Hoàng Sa, trước sau như một thuộc về Việt Nam. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng về lịch sử và thực tiễn pháp lý để xác định chủ quyền của Việt Nam”(2) được trích dẫn nhằm thể hiện sự nhất quán trong quan điểm và đường lối của các nhà lãnh đạo Việt Nam xưa nay về sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Chủ đề 2 - Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam trước thời nhà Nguyễn trưng bày 4 bản đồ và 7 đoạn trích trong các thư tịch cổ. Bốn bản đồ gồm: (1) Tờ bản đồ vẽ xứ Quảng Nam trong tập An Nam hình thắng đồ phụ Nam Bắc xứ đồ (3). Phía trên có chú dẫn bằng chữ Hán Nôm miêu tả sơ lược về Bãi Cát Vàng. (2) Bản đồ vẽ hình thế xứ Quảng Nam trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá, quê ở xã Bích Triều, huyện Thanh Mai (nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) soạn vẽ vào năm 1686.
Chú dẫn phía trên bản đồ này có miêu tả địa danh Bãi Cát Vàng ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi. (3) Bản đồ vẽ hình thế phủ Quảng Ngãi trong tập Thiên hạ bản đồ, biên soạn vào thời Lê (thế kỷ XVIII), sao lục vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Chú dẫn phía trên bản đồ này có miêu tả địa danh Bãi Cát Vàng ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi.(4)Bản đồ màu vẽ hình thế xứ Quảng Nam trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá soạn vẽ vào năm 1686, sao vẽ lại vào thế kỷ XIX.
Chú dẫn phía trên bản đồ này có miêu tả địa danh Bãi Cát Vàng bằng chữ Nôm ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi. Các đoạn trích trong thư tịch cổ được lựa chọn, gồm: (1) Bảng trích trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, biên soạn năm 1776...
Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, có núi gọi là Cù Lao Ré, rộng 30 dặm, trước có phường Tứ Chính dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến, phía ngoài nữa thì có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải (...)(4). (2) Đoạn trích trong Đại Nam thực lục tiền biên, Quyển 10, ghi chép về thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, vào năm Giáp Tuất (1754). Mùa thu, tháng 7, dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh.
Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi đưa về. Chúa sai viết thư cảm ơn. (Ở ngoài biển thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 đảo, cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài canh giờ, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là “Vạn lý Trường Sa”.
Trên bãi có giếng, nước ngọt chảy ra từ đây. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc vằn, rùa, ba ba .... Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ ba đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chính hoặc xã Cảnh Dương thuộc Bình Thuận sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn, đề tìm lượm hóa vật, đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản)(5). (3) Đoạn viết về hoạt động của đội Hoàng Sa vào năm 1754 trong Đại Việt sử ký tục biên, biên soạn vào thời Lê – Trịnh.
Trong đó có những ghi chép về hoạt động của đội Hoàng Sa vào năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754). Đây là ghi chép sớm nhất về biên chế và hoạt động của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn. (4) Văn bản giải quyết vụ kiện ở phường Mỹ Lợi (nay là làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) liên quan đến đội Hoàng Sa. (5) Đoạn viết về Bãi Cát Vàng và hoạt động của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn trong Thiên Nam lộ đồ của Nhữ Ngọc Hoàn soạn vẽ vào năm 1771. (6) Đoạn viết về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, đảo Hoàng Sa và hoạt động của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy chú (1782-1840). (7) Đoạn viết về Bãi Cát Vàng và hoạt động của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn trong Giao Châu dư địa đồ.
Chủ đề 3 - Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam thời Nguyễn được chia thành 5 chủ đề nhỏ, trưng bày các bản đồ: An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Jean Louis Taberd vẽ in trong từ điển Latinh – Annam xuất bản năm 1938; Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ vào năm 1838 đời Minh Mạng.
Các châu bản triều Nguyễn có niên đại từ năm Minh Mạng thứ 11 (1830) đến năm Bảo Đại thứ 13 (1939) được in ấn và giới thiệu nguyên bản chữ Hán, đi kèm phần dịch nghĩa và tiếng Anh. Các châu bản này xác nhận sự thực thi chủ quyền mang tính quốc gia của nhà nước phong kiến Việt Nam trong nhiều năm liền, mà không phải hành động mang tính cá nhân đơn lẻ của các ngư dân.
Bên cạnh đó, hàng loạt hình ảnh về hoạt động của đội Hoàng Sa, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn, hình ảnh hoạt động trên đảo Hoàng Sa từ năm 1858 đến năm 1945 góp cái nhìn đầy đủ hơn về bằng chứng xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời. Không những thế, nhiều bản đồ Trung Quốc do Trung Quốc xuất bản như bản đồ Nhị kinh thập bát tỉnh tổng đồ trong sách Thanh nhị kinh thập bát tỉnh cương vực toàn đồ do Đông Điều Văn Tả Vệ Môn soạn vẽ, xuất bản tại Trung Quốc năm 1850; bản đồ Quảng Đông toàn đồ trong sách Thanh nhị kinh thập bát tỉnh cương vực toàn đồ, xuất bản tại Trung Quốc 1850; bản đồ Đại Thanh đế quốc trong sách Đại Thanh đế quốc toàn đồ do Thượng Hải thương vụ ấn thư quán xuất bản năm 1908; bản đồ vẽ đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc trong tập Càn Long thập tam bài đông bản dư địa đồ…
Các bản đồ do phương Tây xuất bản như Carte des Costes de Cochinchine, Tunquin et Partie de celles de la Chine có vẽ quần đảo Paracels trải dài từ vĩ tuyến 17 xuống vĩ tuyến 12 do Kaart van de Kusten vẽ, Prevost Bellin xuất bản tại Hà Lan năm 1747; bản đồ Partie de la Cochinchine in trong tập II (Asie) của Bộ Atlas Universel do nhà địa lý học người Bỉ Philippe Vandermaelen biên soạn và xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) năm 1827; bản đồ do hai anh em Van Langren, là những nhà địa lý người Hà Lan, vẽ năm 1595… được đưa ra trưng bày nhằm minh chứng giới hạn cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam và không bao gồm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này đã được các bên nhất trí qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Giai đoạn từ 1945 đến 1975, bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa được khẳng định qua các hình ảnh, tư liệu về hoạt động quân sự, dân sự trên đảo. Các văn bản như công văn liên quan đến hoạt động của Trạm khí tượng đặt trên đảo Hoàng Sa, phiếu đệ trình số 2042/TTM/P3/2 ngày 18-4-1959 của Phòng III Bộ Tổng Tham mưu Quốc phòng về việc phái Bảo an ra đóng tại quần đảo Hoàng Sa; Nghị định số 3282 ngày 5-5-1939 của Toàn quyền Đông Dương về việc phân chia quận hành chính Hoàng Sa thành hai quận hành chính cũng thuộc tỉnh Thừa Thiên; sắc lệnh số 81-NG ngày 27-4-1965 của Thủ tướng Chính phủ về việc trong giới hạn 3 hải lý, hải phận Việt Nam sẽ được lập thành “Khu vực phòng vệ” và cấm hẳn sự lưu thông của tàu bè có phương hại đến hòa bình, trật tự hoặc an ninh của Việt Nam; công điện của Chỉ huy đảo Duncan gửi Tỉnh đoàn Bảo an Quảng Nam về việc theo dõi điều tra 2 thuyền Trung Cộng đổ bộ lên 1 đảo nhỏ ở phía Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 25-2-1961… được trưng bày để đông đảo người xem được biết sự thống nhất lâu dài trong việc quản lý quần đảo Hoàng Sa dù lúc này hai miền Nam Bắc Việt Nam đang bị chia cắt. Nhiều hình ảnh về “Hải chiến Hoàng Sa” cũng được giới thiệu để nhắc du khách nhớ đến ngày một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam bị cưỡng chiếm.
Các chủ đề đang được trưng bày là sự pha trộn, bổ sung cho nhau nhằm một mục đích chung là khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt nên không trưng bày hiện vật gốc, chủ yếu in ấn tư liệu qua các file mềm, nên không tránh khỏi việc nhàm chán, ít sinh động, không tạo được điểm nhấn đối với du khách.
Để tạo không gian sinh động, các mẫu sinh vật biển đã được trưng bày xen kẽ, các bản đồ, tư liệu được trưng bày theo nhiều phương án khác nhau. Đối với các châu bản triều Nguyễn, không gian trưng bày sẽ được thay thế bằng các bản phục chế trên giấy dó.
Công tác phục chế cũng áp dụng đối với các bộ sử liệu như Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam thực lục tiền biên, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Việt sử ký tục biên… và các sách cá nhân như Hải ngoại kỉ sự của Thích Đại Sán để người xem có thể hình dung được loại văn bản tư liệu thời phong kiến đã sử dụng để ghi chép.
Để người xem có cái nhìn thực tế hơn về đội Hoàng Sa và thủy quân triều Nguyễn, Nhà Trưng bày thực hiện phục chế các vật dụng đã được dân binh sử dụng trong quá trình vượt biển ra Hoàng Sa như cuộn dây mây, chiếu, nẹp tre, bài vị; các cột mốc chủ quyền.
Sắp tới, sẽ tiến hành mô hình hóa các loại thuyền có thể đã được dùng để thám sát Hoàng Sa; phục chế các con dấu của thủy quân triều Nguyễn; đồng thời, tái dựng không gian lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa phục vụ tham quan. Đối với các sắc, bằng, trát sức cho thủy quân triều Nguyễn, Nhà Trưng bày sẽ lên kế hoạch tổ chức trưng bày để du khách đến gần hơn với tư liệu gốc.
ĐINH THỊ TOAN
(1) Số lượng các thể địa lý không thống nhất trong các sách chuyên khảo về Hoàng Sa. Ở đây chúng tôi sử dụng nguồn của UBND huyện Hoàng Sa trong “Kỷ yếu Hoàng Sa”, Nxb. Thông tin và Truyền thông, 2016, tr.25-26.
(2) Trích phát biểu của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang tại Hội Á Châu ở New York - Hoa Kỳ (ngày 28/9/2015).
(3) Tờ 68a – b, tr.135-136.
(4) Lê Quý Đôn: Toàn tập, tập I (Phủ biên tạp lục), bản dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.116.
(5) Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, tập 1, bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.164.