Cơm nồi đồng

.

Ngày nhỏ, đồ dùng nấu bếp của nhà tôi hầu như toàn bằng đồng. Những chiếc nồi, sanh, chảo đúc bằng đồng thau nặng trịch, nấu củi lâu ngày nên bên ngoài bám muội than đen kịt. Vậy nhưng mẹ quý lắm, luôn mồm nhắc nhở chị tôi bưng bê rửa ráy phải cẩn thận, tránh rơi vỡ. Mẹ kể, thuở “hàn vi” nhà toàn xài đồ đất.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cơm thổi nồi đất ăn cũng tạm. Nhưng thức ăn kho nấu bằng đồ đất đúng là chuyện “khổ nạn”: mùi cá thịt, mắm muối… ngấm vào các vật đựng không cách nào rửa sạch. Mùi ấy bám lưu cữu lâu ngày mốc hôi không chịu nổi. Vậy nên chắt bóp dành dụm đến lúc có tiền sắm được bộ nồi đồng dùng nấu nướng thay cho nồi đất thực sự là cuộc “đổi đời”. Nghe vậy hay vậy thôi chứ đầu óc trẻ thơ cũng thật khó hình dung. Phải, tôi đã có bao giờ phải ăn cơm với cá, thịt, mắm, canh… kho nấu bằng nồi đất đâu mà biết?

Sanh, chảo thì mua lẻ; riêng nồi đồng mẹ tôi sắm nguyên bộ. Gọi bộ bởi có tới… 5 cái nồi, tuần tự từ nhỏ đến lớn. Nhỏ nhất là “nồi một”, nấu được chừng lon sữa bò gạo, vừa một người ăn. Kế đến là nồi hai, ba, tư, năm… Nói vậy cho dễ hình dung, chứ thực tế cái nồi ba được mẹ tôi kêu là nồi lỡ (nhỡ); nồi năm thì kêu nồi rưỡi; những cái tên đầy hình ảnh, “hồn vía” hơn nhiều so với các con số 3, 5! Bộ nồi đồng ấy khác nhau về kích thước nhưng đều được đúc theo một kiểu khuôn duy nhất: bụng phình, nồi trông rất giống… cái váy đầm xòe của các vũ công ballet. 2 bên eo nồi đính 2 quai tròn lỗ nhỏ cỡ lóng tay, dùng xỏ đũa bếp (đũa cả) vào nhắc xuống bắc lên (bếp) những khi nồi còn nóng.

Ngày nhỏ, mỗi lần mẹ bận, giao cho làm bếp, tôi rất sợ chuyện “nhắc nồi”. Mấy cái nồi đồng nặng trịch, đôi tay nhỏ yếu của tôi nhắc lên nhắc xuống không khéo là… tuột, lăn quay! Nồi một nồi hai còn khả dĩ; tới nồi lỡ (nồi ba) trở lên là tôi bó tay. Đành cầu cứu các anh chị. Cầu cứu không được thì chừa cái nồi to lại nấu sau cùng. Nấu xong, bỏ luôn trên bếp chờ mẹ về “xử” sau…

Ngoài chuyện nặng nề, cái bất tiện nữa của nồi đồng là thức ăn nấu bữa nào phải ăn hết bữa đó, không được chứa trong nồi qua đêm. Nồi đồng đựng thức ăn để qua đêm sẽ bị “tanh”, tạo ra muối sulfate đồng màu xanh ăn vào rất độc. Chuyện này tôi được mẹ dạy từ nhỏ, không cần phải đợi lớn lên học hóa học rồi mới biết. Riêng những cái ưu việt của nồi đồng thì tôi tự biết không cần ai dạy. Do đồng dẫn nhiệt tốt nên thức ăn đun nấu bằng nồi đồng mau sôi, mau chín, chín đều và ít bị “cháy háp” nơi đáy nồi (do bất cẩn thức ăn cạn nước còn để lửa to). Đặc biệt, nồi đồng dùng thổi cơm rất ngon. Cơm thổi nồi đồng cháy sém đều 4 phía, có “mùi nồi đồng” đặc trưng rất hấp dẫn.

Ai từng ăn cơm nồi đồng bảo đảm sẽ không bao giờ quên cái mùi ấy. Ăn nhiều hơn sẽ… đâm nghiện. Chính vậy nên sau này, khi cuộc sống đi lên, bếp nhà tôi đã được “trang bị’ thêm các thứ nồi xoong bằng nhôm, gang đun nấu tiện lợi, nhẹ nhàng hơn, mẹ vẫn giữ lại chiếc nồi đồng để thổi cơm hằng bữa. Cơm nồi đồng đã nuôi tôi khôn lớn suốt một thời ấu thơ bên mẹ. Những bát cơm nồng nàn tình quê hương, tình mẫu tử được xới ra từ chiếc nồi đồng ngày ngày mẹ vẫn cẩn thận giữ gìn, nấu đun, chùi rửa. Con khôn lớn, đi học, đi làm xa, mình mẹ vẫn cứ… nồi đồng thổi cơm. Mẹ bảo không xài được nồi điện, bếp gas. Nửa phần đó chỉ là cái cớ. Người già quen nếp cũ, huống chi mẹ đã gần hết một đời gắn bó cùng vị bùi, thơm của miếng cơm nấu nồi đồng…

Y NUYÊN

;
;
.
.
.
.
.