Hồn vía Bát Tràng

.

Trong lòng Bát Tràng có một ngôi làng cổ, và tôi tin rằng, linh hồn Bát Tràng nằm cả ở đấy.

1. Đi vào làng chỉ có thể đi bộ. Lối đi bé tới nỗi hễ nghe thấy tiếng xe máy thì lập tức phải đứng nép chặt vào tường nếu như không kịp tìm thấy một cái hốc hoặc một cái ngách khác để… tránh đường. Ngõ bé khiến cho những bức tường dường như cao hơn gấp mấy lần chiều cao thực của chúng, muốn nhìn trời phải ngửa mặt lên. Và cũng vì thế, ngõ nào cũng chỉ mờ mờ sáng. Đầu hè, mưa lất phất rơi từ sáng, nên mặt ngõ hơi ướt, những bức tường cũng ướt.

Bức tường phơi than dọc các lối đi. Ảnh: Đ.B.T
Bức tường phơi than dọc các lối đi. Ảnh: Đ.B.T

Tôi bị hút chặt vào những bức tường.

Đây là một vệt tường rất dài, xây bằng gạch Bát Tràng. Sở dĩ nhận ra đấy là tường gạch Bát Tràng là bởi vì nó không có rêu. Rêu không bao giờ mọc trên đấy, chỉ có những cái rễ cây từ đâu đó, bên kia, bên trong, hoặc bên trên bức tường phơ phất thò ra. Đây là một mảng tường dán đầy những viên than tròn vành vạnh. Khi than ướt, người ta vo viên tròn như cái bát tô rồi ném chúng lên tường.

Hẳn là phải ném, với một sức mạnh nhất định của cánh tay thì chúng mới dính chặt trên bức tường dựng đứng. Những viên than được dính đều tăm tắp và kín khít không một khe hở, kể cả những chỗ tường cao gấp đôi đầu người. Than cứ việc dính ở đấy cho đến lúc nhà chủ cần dùng thì ra lấy vào. Và đây là một bức tường mà giữa nó có một ô cửa. Nhưng cái ô cửa ấy lại bị bịt kín từ phía bên trong, chỉ nhìn thấy dấu vết là những viên gạch dựng đứng chia thành ô.

Tôi nghĩ, mình có thể tưởng tượng cả một câu chuyện, với một hệ thống các nhân vật, xung quanh cái ô cửa bịt kín ấy. Cũng có những vệt tường màu xanh, xanh biếc, do rêu mọc lên… Tôi thích những bức tường trơ gạch ra. Chỉ nhìn thấy gạch và những mạch vữa, không trát chít gì cả. Chúng thân thuộc, cũ kỹ, giản dị. Chúng cũ đi cùng với những mái nhà, với lối đi, với cả những ngọn khói vươn lên từ bếp những năm nảo năm nào…

Làng nghề Bát Tràng bây giờ hầu như dùng lò gas hoặc lò điện, rất hiếm người dùng lò than truyền thống. Lò điện, lò gas có thể cho đến 95 phần trăm thành phẩm hoàn chỉnh, còn lò truyền thống có thể hỏng đến 3-4 chục phần trăm. Lò than truyền thống thành công đến đâu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Hùng, một đồng nghiệp của tôi, sinh ra, lớn lên ở Bát Tràng, nói rất hài hước: Đầu tiên là phụ thuộc vào… tâm trạng người làm than.

Giả sử hôm nay anh thợ nhào than vui vẻ, phấn chấn vì vừa có được lời hẹn với cô hàng xóm thì anh ta sẽ nhào thật kỹ, than, bùn… trăm viên như một; nhưng nếu anh ta buồn chán cáu kỉnh chẳng hạn, nhào trộn qua loa thôi thì có khi một mẻ than cho ra mấy loại than liền. Viên thì nhiều than quá, viên lại lắm bùn quá. Đại loại như vậy. Tiếp theo là đến anh thợ xếp lò. Ngẫu hứng anh ta có thể cho thêm vào góc này một viên than, bớt góc kia một viên. Cộng với chất lượng than của anh thợ trộn than lúc trước nữa, khiến cho kết quả của mẻ gốm ấy không ai có thể đoán định trước được. Vì thế, càng ngày những lò nung truyền thống còn hoạt động càng hiếm.

Tôi chợt nhớ đến họa sĩ Lê Thiết Cương. Anh Cương là người mê gốm, và luôn có những ý tưởng độc đáo với gốm. Nhớ năm nào anh có một dự án viết những câu thơ lên gốm rồi đem nung. Thơ do anh và bạn bè chọn. Sau khi dỡ lò anh bảo: Thế là ông A, ông B không có thơ trong triển lãm rồi. Tức là thơ của các ông A, ông B ấy đã không may rơi vào những chiếc bình gốm bị hỏng. Một tỷ lệ hỏng không hề nhỏ so với tỷ lệ thành công hiện tại ở các làng gốm, nguyên do cũng là bởi anh Cương nhất định phải nung trong các lò truyền thống. Lò than không bao giờ cho các tác phẩm “đụng hàng”, mà mỗi tác phẩm đều là độc bản. Hỏng thì chịu.

Câu chuyện này cho tôi cảm giác về một vẻ đẹp đặc biệt, là sản phẩm của không chỉ niềm đam mê, khả năng sáng tạo, mà còn của sự khắt khe đến khắc nghiệt trong tư duy những người thợ - nghệ sĩ.

2. Chúng tôi ngồi trong ngôi nhà của một trong những người thợ gốm đã… bỏ nghề - ông Trần Đàn. Ăn với ông bà bữa cơm do bà và các con dâu nấu. Hôm nay có món cá mòi nướng. Cá mòi đến cữ này bơi ngược từ các cửa sông lên để đẻ trứng, chỉ có rất ít ngày trong năm có thể bắt được cá mòi. Những con cá mòi đầy bụng trứng, ướp nước mắm và nghệ, nướng trên than hoa, rất ngọt và vô cùng thơm. Mùa này còn có cá lành canh. Cá lành canh rất nhỏ, thường nấu canh với nhót. Kỳ lạ là nó có đúng vào mùa nhót, và cũng chỉ có thể nấu với nhót thì mới ra món canh ngon độc nhất vô nhị.

Chúng tôi vừa ăn vừa nghe bà lão kể về cách nấu một bát canh măng mực. Mực khô dùng rượu và gừng làm sạch lớp màng, nướng trên than hoa, xé thật nhỏ, đem xào. Măng hóp bánh tẻ luộc chín, dùng kim băng để tước cho nhỏ tí xíu. Măng, mực xào với gia vị cho quện, rồi dùng… nước luộc gà để nấu. Nhất định là phải nấu canh măng mực bằng nước luộc gà. Tức là dù muốn ăn gà luộc hay không, hễ muốn ăn canh măng mực thì phải… hy sinh một con gà. Bát canh ngọt thanh, óng ánh vàng mỡ gà, tuyệt nhiên không có rau thơm hay hành mùi gì khác.

Chúng tôi thảy đều ngạc nhiên vô cùng: Tại sao ở ngôi làng này, những người phụ nữ lại có thể nấu nướng cầu kỳ đến từng chi tiết như vậy? Xét về độ cầu kỳ thì có lẽ chẳng hề kém cạnh những bà những cô Hà Thành xưa.

Ông lão vừa tủm tỉm cười vừa nói: Dân gian có câu “Sống làm trai Bát Tràng, chết làm thành hoàng làng Kiêu Kị”. Nói thế là bởi, đàn ông Bát Tràng xưa được vợ chiều. Suốt cuộc đời người vợ chỉ nghĩ cách làm sao nấu ăn thật ngon, phục vụ cho chồng làm món nhắm rượu. Phụ nữ Bát Tràng đảm đang, ngược xuôi buôn bán, lại cũng nhất mực khéo léo, chiều chồng, chiều con.

Tôi cảm thấy vẫn chưa thỏa mãn cho lắm về lời giải thích này. Đành rằng chiều chồng thì sẽ muốn nấu ăn ngon, nhưng nấu nướng cầu kỳ đến mức ấy thì không thể là con nhà nghèo được, mà hẳn là đời sống phải ít nhiều phong lưu. Ông cụ nói thêm, các cụ xưa sướng lắm. Uống rượu ngon, chơi tổ tôm, nhưng cũng tài. Đều là người tài giỏi, buôn bán, làm ăn, kiếm được tiền. Đấy, có thế chứ. Đàn ông đàn bà đều giỏi giang tháo vát, đời sống vật chất tinh thần ở một mức độ nào đó thì mới có thể bày vẽ, cầu kỳ cho được.

Những con ngõ nhỏ ở làng gốm Bát Tràng.
Những con ngõ nhỏ ở làng gốm Bát Tràng.

Gia đình ông Đàn và em trai có chung một cái sân phía sau, cơm xong, ngồi uống trà với ông bà ở đấy. Tôi hỏi ông, xưa ông có làm gốm không; ông nói, có chứ. Xưa cũng làm vài món gốm, nhưng rồi đi bộ đội (ông là cựu chiến binh Đoàn 559), mấy chục năm quay về, tay nghề nó nguội đi. Trong khi cuộc sống thì vận động, thị trường đòi hỏi ngày càng cao nên đành bỏ nghề.

3. Lại nói ngôi làng cổ. Tôi chưa từng thấy một ngôi làng cổ nào mà ngõ lại bé đến thế, chẳng khác gì cái ngõ tôi từng ở năm nào trong phố. Bé và chằng chịt. Có những đoạn thẳng tắp, đâm thẳng vào một bức tường, cứ tưởng ngõ cụt. Nhưng không, đi đến bức tường ấy thì ở bên trái, hoặc bên phải lại có một cái ngõ khác hiện ra. Đi một lúc thì tôi thực sự không thể hình dung nổi lối ra ở phía nào.

Những con ngõ hơi tối, yên tĩnh, thoảng mùi hoa dành dành. Có rất nhiều nhà thờ họ. Dường như mỗi dòng họ lâu đời ở đây đều có một cái nhà thờ riêng biệt. Trong một ngôi nhà như vậy, những cái đầu đao đã mòn vỡ vì thời gian, bên trên nó là giàn nhót đang chín đỏ. Bậu cửa rất cao, lưng lưng đầu gối. Trên mái nhà, mỗi gian có hai viên ngói được nhấc ra, thay vào đó là một tấm kính để lấy ánh sáng trời.

Trong cái không gian u tối tịch mịch đó, ngửa mặt nhìn lên ô vuông sáng sáng trên nóc nhà, cảm thấy như cả thế giới đang ngừng vận động ngoài kia. Trong góc nhà, những viên ngói mũi hài được xếp gọn. Có lẽ là chủ nhà mới thay ngói, nhưng không nỡ vứt những viên ngói cũ đi.

Tôi cảm giác mình như người mộng du khi cứ đi mãi, đi mãi trong những con ngõ dài, hẹp, tối, hết ngõ nọ lại ngoặt vào ngõ kia. Những cánh cửa đóng kín, những khoảng sân đầy lá rụng. Vài ngôi nhà toang hoang như không có cửa, bên trong có hai ba người thợ đang nặn gốm, đúc khuôn trong yên lặng, mặc kệ ai vào thì vào, ra lúc nào thì ra.

Chúng tôi chào khẽ, họ cũng chỉ gật đầu, rồi lại cắm cúi với công việc đang làm. Trên tường căn bếp treo rá tre, rổ tre, chổi chít. Tôi hình dung ra bữa chiều, một người phụ nữ cũng yên lặng như hai người đàn ông một già một trẻ kia, vo gạo, rửa rau trên mảnh sân nhỏ.

Không gian khiến tôi cảm thấy nói cũng không đành nói to, cười cũng không nỡ cười to, như thể một tiếng động cũng làm vỡ tan ra cái bầu không khí im ắng đến như không có thực. 

Ngôi làng này bị bỏ quên, như cô gái đẹp bị bỏ quên trong khu rừng cổ tích đầy cây cỏ, hàng trăm năm, vài trăm năm. Mặc kệ những ồn ã, bóng nhoáng cửa kính, biển hiệu, xe cộ như nêm ngay bên ngoài kia. Làng thở nhịp thở riêng và thì thầm những khúc ca riêng của nó…

Và, trong sự dâng lên của một thứ cảm xúc rất khó tả, tôi muốn nói lời tạ ơn biết mấy, vì làng đã ngủ yên ở đây, để hôm nay tôi có thể đặt chân vào.

Đỗ Bích Thúy
 

;
;
.
.
Gốm sứ Bát Tràng Việt Nam Gợi Ý Chén Đĩa Bát Tràng Chính Hãng
.
.
.