Học yêu thương từ học đường

.

Tình trạng xâm hại trẻ em, bạo lực học đường thời gian gần đây có xu hướng gia tăng, với mức độ ngày càng độc ác hơn, hình thức ngày càng “tinh vi” hơn, ở nhiều cấp học; không chỉ ở những đô thị lớn mà còn ở nông thôn, miền núi.

Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 310 vụ bạo lực học đường, nghĩa là mỗi tháng hơn 100 vụ! Có những vụ nhỏ, nhưng cũng có những vụ kinh hoàng khiến dư luận dậy sóng và cảm giác bất an trước môi trường học đường.

Không chỉ đánh bạn, nhiều nhóm còn quay clip đưa lên mạng xã hội. Qua những tường thuật, nhiều nơi giáo viên không biết, hoặc hay biết thì chặc lưỡi “chuyện nhỏ trẻ con”. Chuyện bạn cùng lớp tình nguyện cõng bạn đến trường mấy năm liền khi chân bạn đi không được; chuyện sẻ chia, thương yêu bè bạn trở nên xa xôi, hiếm hoi quá. Cảm giác đau đớn và bất lực cứ mỗi ngày tăng lên.

Vì sao nên nỗi? Chúng ta nói rất nhiều về quyền của trẻ em, trẻ em là đối tượng của yêu thương và chăm sóc của toàn xã hội. Có cả một bộ luật bảo vệ, nhiều hội, đoàn thể từ trong tôn chỉ xem việc bảo vệ quyền lợi trẻ em là mục đích chính. Nhưng vì sao nhà trường, điều kiện giảng dạy và học tập ngày một tốt hơn, nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống khấm khá hơn, thì tình trạng bạo lực học đường lại không giảm?

Câu hỏi này dành cho các bậc phụ huynh, ngành giáo dục, các cấp chính quyền, trước việc xuống cấp hành vi đạo đức học đường. Chúng ta nói quá nhiều về tầm quan trọng của kỹ năng sống, về học bơi, về hát múa…, nhưng những bài học về tình bạn, về sự bao dung, sẻ chia và yêu thương bạn bè lại chưa đủ.

Mỗi người, càng lớn càng nghiệm ra rằng, để gọi là tâm giao, thân thiết, có thể hy sinh quyền lợi của mình cho bạn, chủ yếu được ươm mầm và duy trì từ thời học sinh. Có gì thân thuộc và quý hơn, khi thời đi học, vui buồn của những ngày đến lớp, thậm chí việc giỗ lễ nhà bạn cũng như chính nhà mình. Có những điều chưa hoặc không thể nói với cha mẹ, nhưng lại dễ dàng tâm sự và cũng dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm yêu thương của bạn. Càng lớn tuổi, có thêm người bạn gần gũi, tâm giao cũng hiếm dần.

Trong cuộc đời, bạn bè là thước đo thật sự cho mối quan hệ xã hội và ít nhiều thể hiện năng lực xã hội của một người. Ngày xưa đi học, tôi không chỉ nhớ từng gương mặt của các bạn thời Trường tiểu học Phù Đổng (Đà Nẵng), mà cả tâm tính từng bạn; nhớ như in giọng nói, sự ân cần của thầy cô ngày ấy. Thời gian đó thật hồn nhiên, trong lớp không có phân biệt “đẳng cấp” giàu nghèo, không có chuyện “xóm nhà lá” chỉ chơi với những người yếu thế. Mỗi ngày được mong đến trường để gặp cô, gặp bạn. Vui thật sự.

Hiện nay, hình như chúng ta có quá nhiều khẩu hiệu, nhưng vẫn còn thiếu một khẩu hiệu về sự bao dung tình bạn trong trường, trong lớp. Kinh tế khá lên, các em tùy điều kiện gia đình, chuyện có một chiếc điện thoại đắt tiền không còn cá biệt. Điều này không có lỗi, cái đáng suy nghĩ là hằng ngày, các em có mở được lòng bao dung theo kịp với điều kiện thuận lợi mà mình thụ hưởng. Gặp những bạn chẳng may nghèo hơn mình trong lớp, trong trường, cũng chan hòa, không bị coi thường.

Thậm chí học chưa giỏi cũng đâu phải là một cái tội. Ở đây, ngoài sự tâm huyết, tận tụy và yêu thương học sinh của thầy cô giáo, thì giáo khoa, sách văn học có ý nghĩa quan trọng. Hình như ít lắm những bài nói về tình bạn, về sự lắng đọng tâm hồn, về sự nuôi dưỡng cái tốt, cái bình dị đời thường. Ai dạy các em biết yêu thương lẫn nhau? Khi thầy cô, bước xuống từ ô-tô nhưng vào lớp như một thợ giảng, học trò ngồi đó nhưng chẳng có sự thôi thúc hướng thiện, chẳng có một cảm xúc tự tâm hồn, thì việc chúng ít yêu thương nhau cũng là chuyện không lạ.

Người lớn là tấm gương thứ nhất, trực tiếp và quan trọng nhất cho các em, nhưng thử hỏi mỗi ngày người lớn sống, làm việc có mấy phần dành cho lòng trắc ẩn, yêu thương những phận đời nghèo khó, bất hạnh? Nhiều khi người lớn diễn sự yêu thương, sẻ chia nhiều hơn là sự thôi thúc tự nhiên. Chính việc làm, khát vọng và tấm lòng tử tế của người lớn là tấm gương yêu thương gần gũi và chân thực cho các em. Bớt nói về tầm quan trọng của đạo lý chung chung, hãy bắt đầu từ trung thực, trắc ẩn và sự nêu gương của chính mình, lúc đó trường học mới ươm mầm được tình yêu giữa thầy cô và học sinh, giữa bạn bè với nhau.

Trần Thu Thủy
 

;
;
.
.
.
.
.