Chăm lo văn hóa đọc trong nhà trường

.

Những năm qua, việc các trường đầu tư không gian tại thư viện trường, xây dựng các câu lạc bộ về sách, tổ chức các cuộc thi, ngày hội, chương trình về sách đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc giúp học sinh đọc sách nhiều hơn. Qua việc thúc đẩy niềm đam mê đọc sách trong các em, thầy cô giúp học sinh hiểu rằng kiến thức mà các em nhận được từ sách đặc biệt vô giá.

Học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt đọc sách trong thư viện trường.
Học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt đọc sách trong thư viện trường.

Năm học 2018-2019, Trường tiểu học Ngô Quyền (quận Cẩm Lệ) có 1.134 học sinh. Để thu hút học sinh đến thư viện đọc sách, nhà trường đã tổ chức nhiều hình thức hoạt động như: giới thiệu sách, thông báo và trưng bày sách mới... Đặc biệt, phần giới thiệu sách được tổ chức thường xuyên và theo chủ điểm hằng tháng.

Nhiều năm qua, nhà trường tổ chức các hoạt động như thi kể chuyện theo sách, thiết kế bìa sách, tìm hiểu kiến thức về sách; nhà trường còn tham gia trưng bày gian hàng và một số các hoạt động khác do Phòng Giáo dục quận Cẩm Lệ tổ chức nhân Ngày hội sách Việt Nam 21-4. Riêng trong năm học này, nhà trường có những mô hình mới nhằm phát triển văn học đọc, thu hút học sinh đến với sách như: mô hình “Câu lạc bộ (CLB) sách”, mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm, sáng tạo”, mô hình “Tiết học thư viện hay trong nhà trường”.

Với mô hình “CLB sách”, đối tượng tham gia là học sinh khối 3, 4, 5, được chia thành CLB Khoa học, CLB Lịch sử, CLB Tiếng Việt, CLB Tiếng Anh, CLB Thiếu nhi. Mỗi CLB sinh hoạt 1 buổi/tuần và hoạt động theo sự tổ chức, điều hành của Ban chủ nhiệm CLB vào các giờ ra chơi tại hội trường, góc thư viện ngoài trời. Ở đó các em học sinh thuyết trình, giới thiệu cuốn sách mà yêu thích đến các bạn trong CLB.

Ở mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm và sáng tạo”, đối tượng tham gia là học sinh toàn trường. Trong giờ ra chơi, các em học sinh sẽ được tham gia các hoạt động như: chơi kéo co, ô ăn quan, cờ vua, đọc sách tại sân trường, sảnh giáo dục thể chất, khu đọc sách thư viện ngoài trời, tại lớp học. Và để tránh nhàm chán, hằng tháng, nhà trường thường xuyên thay đổi các trò chơi giữa các khối lớp.

Còn với mô hình “Tiết học thư viện hay trong nhà trường”, đối tượng tham gia là giáo viên và học sinh toàn trường. Nhà trường tổ chức dạy tiết học thư viện theo lịch: khối lớp 1, lớp 2 dạy 1 tiết/tuần; khối lớp 3, lớp 4, lớp 5 dạy 1 tiết/tháng. Trong mỗi tiết học, các em học sinh sẽ được cô giáo giới thiệu những quyển sách hay để tìm đọc, rồi còn được phán đoán nội dung, được đóng vai để kể lại một câu chuyện nào đó…

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Quyền cho hay, tổng kinh phí đầu tư và kinh phí xã hội hóa xây dựng thư viện từ năm học 2016 - 2017 đến nay khoảng hơn 900 triệu đồng. Hiện nhà trường có 1 phòng thư viện và 2 thư viện ngoài trời. Riêng phòng thư viện có tổng diện tích 181m2 và từ năm học 2018- 2019 được trang trí mới, sinh động, tạo không gian sáng tạo để học sinh ham thích đọc sách. Hiện trường có 9 tủ sách ngoài trời với tổng số 18.590 bản sách (tính cả sách xã hội hóa). Thư viện điện tử được quận phân về 500 bản sách và cán bộ thư viện trường đã giới thiệu trên thư viện điện tử thêm 378 bản sách, gồm nhiều thể loại khác nhau.

Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu) thì thu hút học sinh đến đọc sách bằng cách xây dựng khu ngồi bệt đọc sách ngay trong thư viện trường với những bàn tròn cùng kệ sách trong không gian hiện đại. Bà Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt chia sẻ: “Khoảng 2, 3 năm trở lại đây, học sinh đến thư viện trường để mượn và đọc sách thường xuyên hơn. Đặc biệt là mỗi khi cán bộ thư viện chia sẻ một quyển sách nào đó hay qua bài giới thiệu sách và dán trên bảng sinh hoạt thư viện, thì số lượng giáo viên, học sinh theo dõi để tìm đọc cuốn sách đó tăng lên rõ rệt”.

Các bạn học sinh trong nhóm cộng tác viên thư viện còn đọc và chọn ra những bài báo hay để dán lên bảng sinh hoạt thư viện. Tạ Nhã Quỳnh (lớp 6/11, Trường THCS Lý Thường Kiệt) chia sẻ: “Em tranh thủ thời gian rảnh là đọc sách. Em thường chọn sách về giáo dục giới tính, về khoa học vũ trụ. Trung bình em ghé thư viện trường 3 lần/tuần. Ngoài ra, em còn đi Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố. Em cảm thấy việc đọc sách rất bổ ích, không những cung cấp thêm kiến thức, những kỹ năng cần thiết mà còn giúp em giải trí sau những giờ học trên lớp”.

Bà Đường Thị Lộc, Phó phòng Giáo dục-Đào tạo quận Cẩm Lệ cho biết: “Bằng các nguồn lực từ ngân sách, từ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, trong năm học 2018-2019, các đơn vị trường học trên địa bàn quận đầu tư mua sắm thêm 15.000 cuốn sách, báo; bổ sung, kệ, giá sách nhằm phục vụ tốt nhu cầu đọc sách của giáo viên và học sinh. Ngoài ra, thư viện các trường còn mua sắm thêm 3-5 máy tính để phục vụ việc truy cập”. Dự kiến tháng 8-2019, Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Cẩm Lệ sẽ tổ chức Ngày hội chào mừng năm học mới, trong đó dự kiến sẽ có các hoạt động về thi tìm hiểu sách, kể chuyện theo sách, giới thiệu sách.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho hay: “Nhằm đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên, sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học quán triệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Ngày sách Việt Nam. Sở Xây dựng kế hoạch tổ chức “Ngày hội đọc sách” theo từng chủ đề tại các trường học như: Sách với tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp, Từ trang sách viết đến thực tiễn cuộc đời, Sách - hạt giống cho tâm hồn, Tuổi trẻ và tri thức - Sức mạnh của thành công, Kỹ năng đọc sách cho trẻ, Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số”; qua đó phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường, tổ chức các câu lạc bộ về sách với các hoạt động ngoại khóa.

Ngành Giáo dục-Đào tạo phát động, tổ chức các phong trào, chương trình thu gom sách, ủng hộ sách vở, hỗ trợ cho các trường học vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn; tổ chức các sự kiện với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh sinh viên. Tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng tủ sách mở, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh đóng góp sách và đọc sách tại các tủ sách mở.

Tính đến nay, cấp tiểu học trên thành phố có 92/100 thư viện trường học đạt chuẩn, 32 thư viện tiên tiến; cấp THCS có 55/62 thư viện đạt chuẩn, 29 thư viện tiên tiến; cấp THPT có 13/28 thư viện đạt chuẩn, 5 thư viện tiên tiến. 100% các trường đều xây dựng thư viện mở, tủ sách mở tại sân trường, lớp học nhằm bảo đảm cho 100% học sinh tham gia đọc sách tại thư viện và tại các tủ sách mở.

Mai Hiền
 

;
;
.
.
.
.
.