Đà Nẵng cuối tuần

Chuyện dài về tiếp cận công trình công cộng

09:45, 09/06/2019 (GMT+7)

Việc tiếp cận công trình công cộng của người khuyết tật (NKT) trên địa bàn thành phố được đánh giá là có chuyển biến tích cực trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tế của NKT, tạo thuận lợi tối đa giúp họ hòa nhập cộng đồng, vẫn là câu chuyện dài.

Tất cả các xe buýt hoạt động trên các tuyến trợ giá  đều được lắp đặt hệ thống thiết bị lên xuống ở cửa lên, xuống của xe để phục vụ người khuyết tật.
Tất cả các xe buýt hoạt động trên các tuyến trợ giá đều được lắp đặt hệ thống thiết bị lên xuống ở cửa lên, xuống của xe để phục vụ người khuyết tật.

Anh Đặng Thiện Tùng  (trú 89 Nguyễn Du, phường Thạch Thang, quận Hải Châu), bị liệt bẩm sinh, nên việc đi lại luôn phải gắn với chiếc xe lăn suốt mấy chục năm nay. Anh Tùng thuộc diện NKT nặng được nhận trợ cấp hằng tháng của Nhà nước. Có điều, chưa bao giờ anh Tùng tự đi nhận trợ cấp, mà luôn phải nhờ người thân trợ giúp, vì đường vào các điểm nhận (như Bưu điện, UBND phường…) chưa có lối riêng cho NKT. Mấy năm nay, để nhanh gọn, anh Tùng ủy quyền việc nhận trợ cấp luôn cho vợ.

“Khi có việc phải di chuyển đến tỉnh, thành phố có sân bay, tôi thường lựa chọn phương tiện di chuyển là máy bay, hạn chế tối đa các bước trung chuyển xe, tàu trên đường đi, vì rất bất tiện”, anh Tùng chia sẻ.

Tuy nhiên, việc di chuyển bằng máy bay không phải NKT nào cũng có điều kiện để lựa chọn. Tính riêng trong Câu lạc bộ Sống độc lập (thuộc Hội Người khuyết tật Đà Nẵng) nơi anh Tùng sinh hoạt, có hơn 30 thanh viên là NKT nặng, điều kiện kinh tế phần lớn rất khó khăn. Theo anh Tùng, vì nhiều bất tiện, nên họ chủ yếu quanh quẩn nơi ở, làm việc (đối với những người có việc làm), rất hạn chế trong việc tham gia, tiếp cận các công trình công cộng.

Theo ông Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Đà Nẵng (gọi tắt là Hội), vài năm trở lại đây, việc tiếp cận các công trình công cộng của NKT có những tín hiệu khả quan hơn trước. Đặc biệt, từ năm 2017, Hội thực hiện dự án cải tạo thí điểm (mở lối lên xuống cho NTK) tại trụ sở 5 UBND phường để NKT có thể tự đến các điểm này sử dụng dịch vụ công. Cho đến nay, theo ghi nhận của Hội, trên toàn thành phố, gần 50 tuyến đường, vỉa hè khắp các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ được cải tạo, dành “lối đi riêng” cho NKT. Một số Trung tâm Hành chính quận, huyện, UBND phường, xã cũng đã tiến hành cải tạo tính tới những tiện ích tiếp cận cho NKT…

Tuy nhiên, theo ông Trương Công Nghiêm, đó là những con số còn quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của NKT. Nhìn một cách thẳng thắn, hiện trên toàn thành phố có rất ít công trình được thiết kế, xây dựng có tính đến sự tiện dụng cho người khuyết tật. Nhiều công trình phúc lợi công cộng xây dựng trước đây chưa chú ý đến nhu cầu của NKT, thậm chí gần như không có chức năng dành riêng cho NKT. Một số công trình về sau có cải tạo thì cũng chỉ chắp vá, không bảo đảm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình có chức năng dành riêng cho NKT. “Lỗi khá phổ biến tại các công trình xây mới hoặc cải tạo là lối đi dành cho NKT khá dốc, rất khó để NKT tự xoay xở được”, ông Nghiêm nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một nghịch lý vẫn tồn tại lâu nay là đa số những công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện, bưu điện, điểm vui chơi, du lịch… trên địa bàn có rất ít những hạng mục hỗ trợ lối đi, biển chỉ dẫn dành cho NKT, hoặc nếu có thì không đạt chuẩn, chưa tạo thuận lợi cho NKT sử dụng. Nhiều tòa nhà, trung tâm mua sắm không có công trình tối thiểu như nhà vệ sinh dành cho NKT, nhà vệ sinh thông thường không có tay vịn, hoặc diện tích không đủ rộng nên những người đi xe lăn có thể vào được...

Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, do nhận thức của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, xây dựng công trình, vẫn còn có tâm lý e ngại giá thành công trình tăng lên nhiều, việc tuân thủ theo quy chuẩn chưa phổ biến. Các kiến trúc sư còn có tư tưởng thiết kế theo lối mòn, chưa quan tâm tới các mô hình thiết kế có tính tới nhu cầu của NKT. Ở một số công trình, có thiết kế tiếp cận nhưng lại đặt ở những vị trí khuất, khó nhận thấy, không có biển báo hiệu, nên việc tiếp cận của NKT còn nhiều hạn chế.

“Chúng tôi có cảm giác người ta chỉ làm cho có, làm để đối phó, chứ không thực sự đứng ở điểm nhìn của NKT để làm”, anh Đặng Thiện Tùng bức xúc.

Bàn về giải pháp thay đổi thực trạng trên, ông Trương Công Nghiêm cho rằng, Luật Người khuyết tật 2010 có quy định việc phê duyệt thiết kế, xây dựng, nghiệm thu công trình xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp nhà chung cư, trụ sở làm việc và công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội phải tuân thủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để bảo đảm người khuyết tật tiếp cận.

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành bộ Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia năm 2013 rất cụ thể về xây dựng các công trình bảo đảm cho NKT sử dụng như Quy chuẩn xây dựng công trình để bảo đảm cho NKT tiếp cận sử dụng; Tiêu chuẩn về nhà và công trình, đường và hè phố, nhà ở bảo đảm NKT tiếp cận sử dụng. Thông tư 49 (năm 2012), Thông tư 73 (năm 2015) của Bộ Giao thông vận tải quy định rõ về điều kiện bến bãi xe cho NKT… Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả vẫn chưa được hiện thực hóa.

“Mọi thứ đã có quy định thành luật, thành quy chuẩn rõ ràng, nhưng có lẽ chúng tôi phải tiếp tục chờ. Trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến NKT. Một mặt, chúng tôi chủ động tham mưu, đề xuất những ý kiến liên quan đến quyền lợi của NKT khi tham gia tiếp cận các dịch vụ xã hội hiện có; mặt khác làm tốt công tác nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức về các chính sách, pháp luật liên quan đến NKT như Luật NKT, Công ước Quốc tế về quyền của NKT…”, ông Nghiêm cho hay.

Miễn, giảm tiền vé cho người khuyết tật sử dụng phương tiện giao thông công cộng

Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết, hiện trên địa bàn Đà Nẵng có 6 tuyến xe buýt trợ giá đang hoạt động, trong quý III năm 2019 sẽ tiếp tục khai thác  thêm 6 tuyến xe buýt. Tất cả các xe buýt được lắp đặt hệ thống thiết bị ở cửa lên, xuống của xe giúp người khuyết tật dễ dàng tiếp cận.

Trong quá trình cải tạo, làm mới công trình giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng đều có điều chỉnh để người khuyết tật tiếp cận, như: Bố trí lối đi bộ dọc trên vỉa hè bằng loại gạch có gờ, bố trí ram dốc tạo lối lên xuống giữa vỉa hè và đường để  người khuyết tật có thể nhận biết. Người khuyết tật nặng được miễn 100% tiền vé, khuyết tật nhẹ miễn 50% tiền vé khi đi xe buýt.

Thanh Tân

.