Kết nối các vùng di sản

.

Việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế -  Đà Nẵng - Quảng Nam sao cho hiệu quả, trở thành động lực phát huy hết lợi thế và tiềm năng là câu chuyện đã và đang được các địa phương nằm giữa dải đất ven biển miền Trung này đặc biệt quan tâm.

Chương trình giới thiệu du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, năm 2018. (Ảnh do Trung tâm xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cung cấp)
Chương trình giới thiệu du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, năm 2018. (Ảnh do Trung tâm xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cung cấp)

Để tạo nên “vùng du lịch” đặc biệt

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam (đơn vị được giao làm Trưởng nhóm liên kết 3 tỉnh, thành năm 2019), sự liên kết giữa 3 địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam được xem là “mô hình điểm” về liên kết phát triển du lịch của cả nước. Đó không chỉ là hiệu quả của công tác quảng bá, xúc tiến mà còn thể hiện trong xây dựng chính sách quản lý, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển nguồn nhân lực… giúp từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng của ba địa phương như là một trong những điểm đến có giá trị và thú vị nhất ở Việt Nam.

Bên cạnh các sản phẩm chung, việc liên kết đã tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, sức hấp dẫn cho khách tham quan khi thụ hưởng sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng. Đây chính là kết quả quan trọng nhất của quá trình bắt tay, liên kết phát triển tiềm năng, lợi thế du lịch 3 địa phương từ năm 2006 đến nay.

Ông Hồng cho biết, từ đầu năm đơn vị đã ban hành kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa 3 địa phương. Trong đó, tập trung vào các hoạt động liên kết xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, phối hợp xây dựng danh mục các lễ hội, sự kiện để quảng bá chung cho các điểm đến. Các chương trình lễ hội, sự kiện sẽ được sắp xếp tổ chức hợp lý để tránh trùng lặp về nội dung và thời gian, góp phần tạo nên một chuỗi các hoạt động hấp dẫn, khác biệt trải đều các địa phương trong năm 2019, giúp hạn chế việc phân tán nguồn khách, đồng thời tận dụng được sự tham gia hỗ trợ của chính quyền và doanh nghiệp du lịch các địa phương trong công tác tổ chức.

Một số hoạt động lễ hội, sự kiện tiêu biểu năm 2019 của 3 địa phương sẽ được tổ chức trải ra, để không “dính cục” như: Festival nghề truyền thống Huế từ ngày 26-4 đến 2-5, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng từ ngày 1-6 đến 6-7, lễ kỷ niệm 20 năm ngày Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới ngày 4-12…

Trong năm 2019, việc liên kết sẽ tiếp tục phát huy, khai thác sản phẩm du lịch liên vùng, ưu tiên 2 dòng sản phẩm “Con đường di sản” và “Đường mòn sinh thái”, theo kết quả hỗ trợ phát triển du lịch có trách nhiệm do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, từ năm 2016. “Con đường di sản” nhấn mạnh khu vực duyên hải miền trung có hàng loạt di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tập trung chủ yếu ở tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, trong đó phải kể đến: Di sản thế giới quần thể các cung điện, đền đài và lăng tẩm của triều Nguyễn (Hoàng thành Huế), cửa ngõ giao thương Đông Nam Á được bảo tồn một cách hoàn hảo (Hội An) và di sản thế giới di tích khu đền tháp Chăm cổ (Mỹ Sơn).

“Đường mòn sinh thái” nói về sự đa dạng sinh học và các vùng sinh thái quan trọng như: rừng quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), núi Bà Nà, bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm (Quảng Nam). Đây được xem là những sản phẩm đặc trưng mang lại cho khách du lịch cơ hội trải nghiệm, khám phá nét độc đáo, ấn tượng của các địa phương.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của dự án EU, cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch 3 địa phương đã và đang liên kết xây dựng các chùm tour phù hợp dựa trên nhu cầu thực tế thị trường và khả năng tổ chức của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc liên kết còn làm phong phú các chùm tour, dễ dàng xây dựng sản phẩm du lịch theo xu hướng chung hiện nay là bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, du lịch sinh thái. Hiện tại 3 địa phương đang phối hợp xây dựng Đề án cơ chế chính sách thí điểm đột phá phát triển du lịch 3 địa phương nhằm tạo bước đột phá về phát triển du lịch trong thời gian tới.

Còn nhiều việc phải làm

Bàn về câu chuyện liên kết du lịch 3 địa phương, đại diện Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam sẽ tạo nên một “vùng du lịch đặc biệt” đa dạng và vô cùng cuốn hút, nếu kết nối được những giá trị “độc nhất vô nhị” của các điểm đến mà 3 địa phương sở hữu thành một dải. Và theo đại diện lãnh đạo ngành du lịch 3 địa phương, những nỗ lực trong các hoạt động liên kết, phối hợp cùng khai thác giữa Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam thời gian qua là không thể phủ nhận, tuy nhiên, vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế.

Trong đó việc liên kết xây dựng tour, tuyến du lịch giữa các địa phương với nhau còn hạn chế; chưa thật sự đi vào chiều sâu, thi thoảng còn mang tính hình thức, nhiều nội dung trong chương trình liên kết vẫn chưa triển khai hoặc đã triển khai nhưng chưa đạt hiệu quả, chỉ mang tính nhỏ lẻ. Vai trò liên kết của hiệp hội du lịch 3 địa phương, đặc biệt đối với phát triển sản phẩm, dịch vụ còn chưa rõ nét; Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự nhận ra hiệu quả của việc liên kết nên sự tham gia còn hạn chế; hoạt động liên kết phát triển du lịch các địa phương thời gian qua tập trung chủ yếu về liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch; kinh phí đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động xúc tiến còn hạn chế chưa xứng tầm với quy mô quảng bá du lịch 3 địa phương - Một điểm đến của khu vực miền Trung và quốc gia; vẫn còn tính cục bộ trong hoạt động du lịch các địa phương làm ảnh hưởng đến hoạt động liên kết, phối hợp nói chung...

Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) là một trong những điểm đến độc đáo, đầy sức hút trên “Hành trình di sản miền Trung” Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. (Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cung cấp)
Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) là một trong những điểm đến độc đáo, đầy sức hút trên “Hành trình di sản miền Trung” Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. (Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cung cấp)

Liên kết là cơ sở để quy hoạch phát triển, nhằm tạo ra những sản phẩm đặc thù, không chồng chéo và có thể bổ trợ cho nhau. Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, với thế mạnh riêng, mỗi địa phương đều có những thị trường trọng điểm khác nhau, không những không xung đột lợi ích, đôi khi việc liên kết cần lấy thế mạnh của địa phương này để vực dậy thế yếu của các địa phương khác. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Hồng, các tỉnh miền Trung đều có bờ biển dài, đẹp, nếu không có sự liên kết trong công tác quy hoạch, khách du lịch đi tỉnh nào cũng chỉ... tắm biển, sẽ rất nhàm chán.

Vì vậy, ba địa phương cần cùng nhau tìm ra những sản phẩm du lịch biển đặc thù ở mỗi địa phương, phát triển thêm về chiều sâu. Đối với những sản phẩm du lịch đặc trưng, lợi thế khác cũng cần có tư duy xây dựng tương tự. Về câu chuyện nguồn lực, rất cần những dự án có tính chiến lược, và ngoài việc sử dụng ngân sách Nhà nước, các địa phương cần huy động nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội để tạo thêm nguồn lực, sức mạnh thúc đẩy phát triển du lịch từng địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng
Thay đổi tư duy từ phát triển “điểm du lịch” thành “vùng du lịch”

Trên góc độ của Sở Du lịch Đà Nẵng, có thể nói du lịch biển và nghỉ dưỡng đã trở thành thế mạnh, sản phẩm chủ lực của thành phố. Tương tự, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam cũng có các sản phẩm chủ lực riêng là du lịch sinh thái và văn hóa, du lịch cộng đồng…

Để tăng cường hiệu quả hoạt động du lịch 3 địa phương, cần kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư, tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ du lịch liên vùng, nhất là mời gọi nhà đầu tư chiến lược; đặc biệt cần xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển du lịch liên vùng, thay đổi tư duy từ phát triển “điểm du lịch” thành “vùng du lịch”.

Chính phủ tạo điều kiện để 3 địa phương sớm có cơ chế chính sách đột phá phát triển du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; 3 địa phương cần đẩy mạnh hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong kinh doanh du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch; có cơ chế chung để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, có sức hấp dẫn du khách...

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours)
Nên tổ chức hội chợ du lịch quốc tế tại miền Trung

Trong các giải pháp nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, cần tăng cường vai trò Tổng cục Du lịch Việt Nam với việc liên kết du lịch 3 địa phương, tốt nhất là nên giao cho đơn vị sở tại đóng ở Đà Nẵng.

Cần nghĩ đến việc tổ chức hội chợ du lịch quốc tế tại miền Trung và Đà Nẵng nên là nơi tổ chức, còn điểm đến là cả 3 địa phương. Cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ du lịch cần được đầu tư hơn nữa, đặc biệt là những đường bay thẳng đến các điểm đến độc đáo của 3 địa phương...

THANH TÂN
 

;
;
.
.
.
.
.