Sân chơi cho học sinh học tập, thể hiện tài năng

.

Thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ trong trường học của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, thời gian qua, các trường học xây dựng mô hình “Sân khấu hóa” các hoạt động học đường, nhằm giáo dục các em sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội; trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. 

Thông qua các chương trình sân khấu hóa, học sinh sẽ là người giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc. TRONG ẢNH: Một chương trình sân khấu hóa của Trường THPT Hòa Vang. (Ảnh do trường cung cấp)
Thông qua các chương trình sân khấu hóa, học sinh sẽ là người giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc. TRONG ẢNH: Một chương trình sân khấu hóa của Trường THPT Hòa Vang. (Ảnh do trường cung cấp)

Sân khấu hóa những đề tài từ cuộc sống

Sau lời giới thiệu bắt đầu tiết sinh hoạt dưới cờ của thầy giáo phụ trách Đoàn Thanh niên Trường THPT Hòa Vang, lời bài hát Về ăn cơm vang lên: Sáng sớm đi bắt cua đồng đi thả diều/ Huýt sáo nô đùa bên đám bạn nơi lũy tre chơi trốn tìm/ Khói bếp cay mắt mẹ già bên bếp lò/ Cơm nấu xong rồi mấy đứa về ăn bữa cơm... Lời bài hát vừa dứt, các diễn viên không chuyên của lớp 11/2 lần lượt lên sân khấu diễn vở kịch mang tên Bi kịch của bạo lực gia đình. Mở đầu vở kịch là hình ảnh một gia đình hạnh phúc có cha, mẹ và đứa con trai. Mỗi ngày, dù bận bịu công việc, người cha luôn sắp xếp cùng vợ con ăn một bữa cơm nhà. Đứa con nhỏ quấn quít bên mẹ cha không rời, háo hức kể chuyện trường, lớp, bạn bè…Khung cảnh một gia đình hạnh phúc khiến cả sân trường lặng đi. Nhưng tiếp theo đó là đến phân cảnh người cha làm ăn thất bại, sa vào cờ bạc, đánh đập vợ, bỏ bê con, gia đình lục đục…

Lúc này, lời người dẫn chuyện vang lên: “Qua vở kịch, chúng em muốn gửi đến mọi người một thông điệp: Hãy chung tay xây dựng gia đình không có bạo lực. Hãy để thế giới này đong đầy tình yêu thương”. Tiết sinh hoạt dưới cờ kết thúc nhưng dư âm của nó còn đọng lại trong lòng mỗi thầy, cô giáo, học sinh. Ai nấy về lớp với tâm trạng buồn buồn, tiếc tiếc cho một gia đình đã từng hạnh phúc…

Theo cô Hồ Thị Thu Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Vang, chương trình “Sân khấu hóa sinh hoạt dưới cờ” sau một năm thử nghiệm thành công, năm học này đã được nhà trường nâng lên thành mô hình. Mỗi tiết sinh hoạt đầu tuần, Ban giám hiệu chỉ dành một ít thời gian nhắc nhở học sinh những điều cần thiết, còn lại giao cho các lớp tiếp quản sân khấu, chuyển tải các nội dung như: Bạo lực học đường, Thanh niên với vấn đề lập thân lập nghiệp, Phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội, An toàn giao thông…

“Nếu những năm trước, mỗi khi sinh hoạt dưới cờ là các thầy cô phụ trách phải nhắc nhở trên loa thường xuyên “Yêu cầu các em giữ trật tự” thì giờ, tất cả đều yên lặng theo dõi các tiết mục kịch, dân vũ, nhảy hiện đại… do lớp phụ trách nội dung mang lại. Mỗi tuần, 2 tập thể sẽ biểu diễn cùng một chủ đề. Tiết sinh hoạt dưới cờ trở thành tiết học của riêng các em, các em biểu diễn theo sự sáng tạo của riêng mình”, cô Thanh nói.

Từ nhiều năm qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ trong trường học nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, giá trị nhân văn, phát hiện và bồi dưỡng các tài năng nghệ thuật; duy trì và đẩy mạnh phong trào văn hóa-văn nghệ trong nhà trường, tăng cường sự giao lưu học hỏi lẫn nhau, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân ca Việt Nam nói chung và của miền Trung nói riêng, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Một trong những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện chủ trương này là mô hình “Sân khấu hóa” học đường. Với mô hình này, các trường học tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy bộ môn âm nhạc trong nhà trường; thành lập các đội tuyên truyền ca khúc cách mạng, đội văn nghệ xung kích; tổ chức thi hát các ca khúc cách mạng, các bài hát truyền thống về nhà trường...

Mỗi đơn vị trường học sắp xếp thời gian, bố trí giáo viên tổ chức sưu tầm, tập dượt các trò chơi và các loại hình nghệ thuật dân gian ở địa phương, đưa các hình thức này vào các hoạt động trong nhà trường. Hình thức “Sân khấu hóa” này nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ học trò. Theo thầy Nguyễn Duy Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Khê, những tiết mục “cây nhà lá vườn” của học trò có thể không đảm bảo về mặt nghệ thuật nhưng điều quan trọng là các em đã được nói lên tiếng nói của chính mình; đồng thời trong quá trình tập luyện cùng nhau, tình cảm thầy trò, bạn bè thêm gắn bó.

Tiếp cận hiệu quả nghệ thuật truyền thống

“Phong trào văn hóa, văn nghệ trong trường học đã được Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học triển khai thực hiện từ năm học 2008-2009, thời điểm Bộ GD&ĐT phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Từ đó đến nay, các đơn vị, trường học đã triển khai tốt các hội thi văn hóa, văn nghệ; các trò chơi dân gian với nhiều hình thức phong phú và sinh động. Các trường xem đây là hoạt động tập thể vui tươi lành mạnh, bổ ích, thu hút được đông đảo học sinh tham gia, tạo được sự thân thiện trong học sinh, gần gũi giữa thầy và trò. Học sinh đã cảm nhận được sự thoải mái khi việc học của mình vừa gắn với kiến thức trong sách vở, vừa thông qua sự thâm nhập, trải nghiệm của chính bản thân trong các hoạt động ngoại khóa, trong các trò chơi dân gian, các hoạt động tập thể vui mà học”, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị-Tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết.

Cũng từ mô hình này, các trường học thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách, pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống; góp phần giáo dục kỹ năng sống, rèn luyện cho các em tự tin, kỹ năng làm việc nhóm, tư duy tích cực, sáng tạo, thể hiện được năng khiếu, khả năng dàn dựng, đạo diễn… của mình trong sinh hoạt sân khấu học đường.

Từ nội dung các tiểu phẩm, học sinh sẽ có thái độ đúng đắn trước những vấn đề của cuộc sống, biết phân biệt, đánh giá để tự điều chỉnh và hoàn thiện bản thân mình và người khác; hướng tới mục tiêu: chân, thiện, mỹ.

Quỳnh Trang
 

;
;
.
.
.
.
.