Thật thà giọng quê...

.

Đối với mỗi người con xa quê, có thanh âm nào thân thương, da diết hơn giọng nói quê hương mình. Mỗi miền đất dù là làng quê hay phố thị, đều có giọng nói mang âm sắc riêng, để khi xa rồi ta mới thấy quay quắt nhớ từng tiếng nói, từng phương ngữ đã gắn bó với ta từ khi mới lọt lòng. Như mạch nguồn thẳm sâu dịu dàng chảy qua tim ta, như dòng sữa mẹ ngọt ngào trong vành nôi cổ tích, giọng quê thật thà mãi là khúc hời ru những giấc mơ yên bình…

Dải đất miền Trung mênh mông nắng gió là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Người quê tôi chất phác, lam lũ với ruộng đồng, rẫy đồi, sông suối, neo đời mình vào cái nắng lửa, mưa bão quanh năm khắc nghiệt của đất trời. Người nông dân ươm ước mơ vào cánh đồng một năm hai vụ, cần cù như cánh cò bay ra từ những làn điệu dân ca, ca dao ngọt bùi nhân nghĩa.

Những ngư dân thì thả niềm hy vọng cùng những mẻ lưới thấm đẫm mồ hôi, biển mẹ bao dung nuôi những người con làng chài “ăn sóng nói gió”, bình dị, cần lao. Người mở rừng khai hoang nương rẫy, gắn bó một đời thủy chung với núi, lòng dạ thẳng ngay tựa cây rừng. Qua từng thế hệ, tất cả hun đúc nên những giọng nói quê hương xứ sở, hào sảng, chân chất, quyện hòa giữa cái phóng túng của nắng của gió bạt ngàn, với nét mộng mơ, dịu êm của sông quê hiền hòa, của biển trời lãng đãng. Để tôi thương, tôi nhớ hết một đời.

Ngay từ lúc sinh ra, khóe môi bé nhỏ khóc chào đời là ta đã cất lên tiếng quê hương mình. Một bước tập gọi mẹ, hai bước tập gọi cha, từng bước chân đầu tiên đã chạm vào giọng nói quê hương, là hành trang cho sau này dù có đi đâu, làm gì cũng hướng về nơi chôn nhau cắt rốn.

Trên bước đường xa xứ, dẫu dòng đời có xô đẩy, đổi dời, tự nhắc mình không thể làm nhạt phai giọng nói quê cha- giọng nói thân thương mỗi khi cất lên là trái tim lại đau đáu ngày trở về. Đó chính là tín hiệu đầu tiên để ta nhận ra người cùng quê giữa ngược xuôi cuộc sống. Những lúc ấy trái tim lại bất chợt nhen nhóm lên một niềm vui bình dị, như thể được đồng cảm trong nỗi nhớ cố hương.

Những năm tháng xa quê, lời ru của mẹ vọng mãi trong tôi từng cung bậc thổn thức. Và tiếng mục đồng râm ran khúc đồng dao, tiếng cha khề khà sương gió, tiếng bà trầm ấm khung trời cổ tích ngọt ngào… tất cả vang lên giọng nói của nguồn cội, giọng nói của yêu thương. Tôi đã từng vào miền Nam, đắm mình trong chất giọng mượt mà của cô thôn nữ hát đờn ca tài tử, đã từng ra miền Bắc nghe hát chầu văn đậm hồn dân tộc. Nhưng từ sâu thẳm vẫn đau đáu tiếng hát dân ca, điệu bài chòi, khúc cồng chiêng miền Trung quê hương mình.

Tôi yêu giọng nói dịu dàng, đằm thắm, “bên ni-bên tê” của người con gái xứ Huế áo dài tím, nón bài thơ. Tôi yêu giọng hò khoan xứ Quảng thanh bình, giữa lênh đênh sóng nước hiền hòa đôi bờ sông thao thiết. Yêu khúc hát cồng chiêng bên bập bùng ánh lửa, trong tiếng gọi đại ngàn thăm thẳm, hoang sơ. Tôi yêu cả những vở hát bội thấm đẫm nhân nghĩa, những điệu bài chòi da diết hồn quê của xứ Nẫu chân phương. Tình yêu ấy hòa quyện thành tình yêu dân tộc, yêu đất nước lặng thầm chảy trong tôi từng ngày, nuôi dưỡng tâm hồn biết sẻ chia, trân quý từ những điều bình dị nhất.

Quê nhà của tôi ơi, có đi xa tới phương trời nào, lòng tôi cũng không nguôi nhớ giọng quê hương, tiếng nói đã ăn sâu vào tiềm thức, vào máu thịt, tiếng nói thật thà, chất phác, níu chân tôi trở về trong nghĩa tình bao la…

TRẦN VĂN THIÊN

;
;
.
.
.
.
.