Về địa danh Tràng An

.

*Chuyên mục Cửa sổ tri thức trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 30-6 vừa rồi cho rằng “Tràng An” là tên gọi chỉ Hà Nội xưa. Tuy nhiên, tôi thấy ở tỉnh Ninh Bình cũng có Tràng An. Tại sao lại có sự trùng hợp như thế? (Nguyễn Minh, Hải Châu, Đà Nẵng)

Buổi sáng Hồ Gươm, Hà Nội. Ảnh: V.T.L
Buổi sáng Hồ Gươm, Hà Nội. Ảnh: V.T.L

- Tràng An (cũng viết Trường An, Trường Yên) nguyên là tên gọi kinh đô của hai triều đại phong kiến thịnh trị nhất nhì Trung Quốc đều thuộc vùng Tây An: Tiền Hán (206 Trước CN - 8 Sau CN) và Đường (618 – 907). Xuất phát từ tên vùng đất là Tây An, các triều đại này đặt tên kinh đô là “Tràng An” với ước mong triều đại mình được muôn đời bình yên. “Tràng” là cách đọc trại từ “Trường” (lâu dài) của người Việt; “An” đọc trại từ “Yên” (bình an).

Ở nước ta, Ðinh Bộ Lĩnh (924- 979) sau khi dẹp xong mười hai sứ quân và thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là Ðại Cồ Việt, định đô tại Hoa Lư (Ninh Bình), mở đầu thời kỳ độc lập, tự chủ của dân tộc. Tương truyền, vua Đinh Tiên Hoàng muốn khẳng định kinh đô Hoa Lư cũng bề thế như kinh đô Tràng An của phương Bắc nên sai Nguyễn Bặc thể hiện câu đối, nay còn lưu tại đền Vua Ðinh ở Hoa Lư: “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo - Hoa Lư đô thị Hán Tràng An” (Nước Cồ Việt ngang với nhà Tống đời Khai Bảo - Kinh đô Hoa Lư như Tràng An của nhà Hán).

Thế nhưng, đến nay người Hà Nội thường hiểu hai từ “Tràng An” là cụm từ dùng để chỉ thủ đô Hà Nội như câu ca: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Tác giả Đỗ Ngọc Yên trong bài “Đi tìm nguồn cội một câu ca” đăng trên giaoducthoidai.vn số Thứ Ba, 15-12-2009, nêu câu hỏi rằng, người Tràng An ở đâu mà gắn bó mật thiết với đức tính thanh lịch, như một sự tất yếu không thể phủ nhận được, giống như mùi thơm của hương hoa nhài vậy?

Tác giả dẫn giải, khi Đinh Tiên Hoàng chọn động Hoa Lư làm Kinh đô, đây vốn là vùng đất ẩm thấp, chật hẹp, vì thế những người dân sống ở đây thật khó để được sống hào hoa và thanh lịch. Cả khi Lý Thái Tổ lên ngôi vua ở Hoa Lư, cư dân ở gần vua cũng không thể thoát nhanh ra khỏi sự lam lũ để sống theo phong cách thanh lịch.

Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên kinh đô mới là Thăng Long - “Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh” (Chiếu dời đô).

Như vậy, trước khi Đại La trở thành kinh đô Thăng Long, với thế đất như thế, đời sống của người dân nơi đây hết sức thuận lợi, họ có cuộc sống an nhàn, thanh lịch. Nói cách khác, cư dân Đại La đã là người thanh lịch, sang trọng, đẹp người, đẹp nết trước khi Lý Thái Tổ dời đô ra đây.

Tác giả nêu một giả thuyết rằng, khi vua Lý dời đô đã đưa cả triều đình và một bộ phận cư dân tinh túy nhất từ Hoa Lư vào đất Đại La. Ngay lần đầu “chạm mặt”, có thể người dân Đại La khi nhìn vào phong thái của người Hoa Lư (Ninh Bình) mới đặt chân đến đã đưa ra những bình phẩm hoặc chê bai nhẹ nhàng như không “hào hoa”, không “thanh lịch”. (Sống ở vùng núi đá của Trường Yên, làm sao có điều kiện thuận lợi để ăn sung mặc sướng, làm sao có không khí thời tiết thuận lợi mà sáng đẹp màu da…?).

Vì thế, rất có thể người Hoa Lư đã phản ứng bằng câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Câu này theo cách hiểu trong dân gian có thể là: Chúng tôi tuy không sang trọng như các vị, nhưng dẫu sao chúng tôi cũng thuộc dòng dõi cao sang của vua Lý Thái Tổ (Hoa nhài được hiểu là dòng dõi quyền quý, dân của vua). Chúng tôi tuy không thanh lịch, nhưng dẫu sao chúng tôi cũng thuộc người Tràng An, người của Kinh đô cũ, người của Vua.

Đó là lý giải của tác giả, vì sao Tràng An từ Ninh Bình lại ra tận... Hà Nội!

ĐNCT
 

;
;
.
.
.
.
.