Yên lặng trước cỏ

.

Tôi đã dừng lại ở ngay lối vào cái ngõ nhỏ này mà không thể nào bước được một bước.

Đã bao lâu rồi, không nhớ chính xác nữa - năm năm, bảy năm, hay mười năm, tôi để nó ở sau lưng, và ra đi. Tôi đã để lại ở sau lưng cả một vũ trụ, một thiên hà, một thế giới… có lẽ vậy.

Cỏ mọc cao vút sau những cơn mưa đầu mùa mới trút xuống. Đúng là xanh như cỏ, mướt mát như cỏ, hồn nhiên như cỏ, càng bị bỏ quên càng xanh. Một bông hoa dại mới nở, chìa ra lối đi. Những cái cánh trắng muốt của nó không có một tì vết, không có một sự đụng chạm. Nó sẽ không có một tì vết nào như thế, cho đến lúc úa tàn.

Cái ngõ thương mến. Ảnh: Đ.B.T
Cái ngõ thương mến. Ảnh: Đ.B.T

Tôi đã tập đi những bước đầu tiên trên lối đi này.

Một phần của nó là lối đi chung của làng, đi lên núi. Phần còn lại, bố mẹ tôi mua thêm của nhà hàng xóm, cho nó rộng ra, đủ cho mấy cái bánh của chiếc công nông chạy ra chạy vào. Từ ngoài đường cái, nó chạy thẳng vào chân núi và dừng lại. Khi bố mẹ tôi dọn dẹp cái thung lũng này để lấy làm chỗ ở thì mở thêm một nhánh ngoặt sang bên trái để có lối vào. Có lẽ ông bà khi ấy đã nghĩ rằng: Cho dù không sinh ra ở đây, nhưng rồi sẽ chết tại đây.

Tôi cũng từng nghĩ thế.

Tôi luôn muốn quay về, luôn nhớ tiếng những viên sỏi lạo xạo dưới chân mình khi vội vàng hớt hải chạy như bay từ đường ô-tô vào nhà. Và nhìn thấy cái mái nhà lợp lá cọ bạc phếch, lấp ló dưới những tán cây. Bên trên nó, một ngọn khói màu xanh đang lơ lửng bay lên. Trái tim tôi đập những nhịp cuống quýt.
Một ngày mưa bay mù trời, lạnh co ro, trời còn tối, tôi đi trên con ngõ ấy để về nhà chồng. Mưa ngập trời và nước mắt tôi ngập cả tâm hồn. Sau này thì mới nghe nói, nếu cô dâu bước ra khỏi nhà trong ngày cưới mà gặp trời mưa mịt mù, thì cuộc hôn nhân ấy rồi sẽ buồn nhiều hơn vui, khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Nhưng mà, mấy ai biết được ngày mình chào bố mẹ ra đi thì trời sẽ mưa, hay không mưa.

Một ngày khác nữa, tôi về thăm nhà lần cuối cùng trước khi nó được trao cho người chủ khác. Lần ấy, cô con gái lớn của tôi, chưa đầy mười tuổi, với mái tóc dài và óng tung bay sau lưng, chạy trên sỏi lạo xạo và miệng thì không ngớt gọi bà. Tôi vẫn nhớ y nguyên hình ảnh ấy. Con bé chạy như bay, hẳn là trong lòng vui rộn rã, với mong muốn được nhìn thấy bà ngoại đang dang tay và miệng mỉm cười.
Bao nhiêu nhung nhớ ấy, bao nhiêu hình ảnh sống động như vừa diễn ra hôm qua, giờ bỗng mờ ảo, chập chờn, run rẩy ngay trước mắt.

Bên dưới cỏ kia, bên dưới những xanh rờn và ẩm ướt kia, hàng nghìn, hàng triệu bước chân của cha mẹ, của anh em chúng tôi đã đặt lên đấy. Có những bước chân còn nguyên vết ướt vì bước từ dưới sông lên. Sông ở gần đây, bên kia con đường trải nhựa, dưới một con dốc đỏ ối gần như dựng đứng. Chúng tôi đã kiếm những niềm vui cho cuộc sống từ dòng sông ấy, và mang về nhà, mang theo cả những vết chân sũng nước.

Có những bước chân dính đầy đất cát nữa. Chúng tôi từ ngoài cánh đồng về, vai trĩu nặng, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, và đất dính đầy hai bàn chân. Đôi khi, cả một cọng cỏ màu xanh còn giắt vào giữa hai kẽ ngón chân.

Với tôi, con ngõ dài hun hút này như lối vào một thiên đường, nhưng cánh cửa ở cuối lối vào ấy lại đã đóng chặt từ khi tôi rời đi.

Có khi nào bạn ở trong hoàn cảnh, muốn quay lại một nơi nào đó, nhưng biết chắc rằng nó đã không còn giống như khi bạn rời đi. Và đó chính là lý do khiến bạn dừng lại? Bạn tôi nói, tôi thật hạnh phúc khi còn giữ được bức ảnh chụp ngôi nhà. Nhưng tôi thì nghĩ rằng, tôi hạnh phúc vì hôm nay tôi còn minh mẫn, trí nhớ của tôi còn chưa bị bào mòn đi, cùn đi, hao hụt đi, đến mức tôi không nhớ được trước khi bước qua một cây cầu nhỏ phía cuối ngõ ấy, chúng tôi đều biết nó sẽ cất tiếng kêu. Cây cầu bằng tôn, bố tôi ghép lại bằng hai miếng tôn rất to, không biết vốn dĩ nó là bộ phận của cái gì. Và mỗi khi có người bước chân qua nó lại phát lên những tiếng thì thùng, bồm bộp. Con chó của nhà tôi cực kỳ thông minh. Nó luôn chỉ cần nghe tiếng bước chân qua cây cầu ấy mà biết rằng đấy là người quen hay lạ. Nếu người quen nó sẽ nằm im trên hè, lười nhác phe phẩy đuôi; và nếu là người lạ, ngay lập tức nó sẽ lao ra như một mũi tên.

Tôi nhớ tất cả những chi tiết của sự sống đã diễn ra trên con ngõ này, chưa hề quên. Thế chẳng phải, chỉ nhớ thôi cũng là một hạnh phúc, một may mắn sao?

Bởi vì, mọi thứ rồi đều sẽ tan biến đi.

Như là ngôi nhà của tôi, như là bóng dáng mẹ tôi trên sân, như là tiếng sủa của con chó, như là tiếng lóp bóp của những cái miệng cá đớp mối rụng xuống ao trong những đêm trời sắp mưa… Tất cả mọi thứ, cái sự sống ấy, cái phần cuộc đời ấy của thung lũng, đều đã tan biến, sẽ tan biến đi. Chúng chỉ còn tồn tại trong ký ức. Một ký ức đầy ắp những mến thương, tha thiết, thẳm sâu.

Có những thứ chúng ta sẽ không bao giờ muốn chạm tới bằng thân xác trong cuộc đời này nữa, cho dù có nhớ nhung đến nhức nhối. Như là con ngõ này. Tôi không muốn đặt chân lên nó nữa, cho dù nỗi thèm muốn đang như một cơn xúc động tột đỉnh, và khiến hai bàn chân tôi như nổi hàng triệu cái gai cảm xúc. Tôi không sợ cỏ mọc đầy và cào xước chân tay. Thậm chí, tôi muốn nói lời cảm ơn hàng triệu lần đối với người chủ mới, vì ông bà ấy đã không đi bằng lối đi này nữa. Nhờ thế, con ngõ dài và sâu, và nhỏ hẹp lại vì một lý do nào đấy, được ngủ yên. Nó ngủ yên như một niềm an ủi ấm áp dịu ngọt dành riêng cho ngày tôi trở về.

Hôm nay tôi chỉ đứng yên ở đây, với trái tim bị bóp nghẹt vì xúc động, và lặng nhìn con ngõ của tôi. Điều khiến tôi không thể, không muốn, không đủ dũng khí để bước vào, chính là phía cuối con đường rậm rạp kia, không còn lối rẽ trái, không còn cây cầu bập bùng, không còn tất cả những gì mà tôi đang giữ trong linh hồn mình và nó luôn lung linh như một ngọn nến. Run rẩy nhưng chưa bao giờ tắt.

Nếu tôi bước vào, xuyên qua cỏ xanh, chạm vào bông hoa dại, nghe một vài giọt nước trên những chiếc lá chạm khẽ vào vai mình… rồi tôi sẽ phải làm gì nếu như đứng trước một bức tường bê-tông, bên trên có thể gài những mảnh chai nhọn hoắt màu xanh. Tôi không thể đi xuyên qua tường để bước vào những ấm áp tuyệt đối, nhất thế gian, nhất cuộc đời…

Vậy nên, tôi dừng lại. Ôm chặt trái tim nhỏ bé gầy guộc của mình. Tôi biết, nó sẽ luôn đập những nhịp hối hả vì thương mến quá những tháng ngày đã qua. Và mỗi ngày trôi đi, mỗi mùa lá rụng, cỏ úa, hoa tàn, nó sẽ lại thêm những buốt nhói vì phải rời xa.

Tôi nhớ, một hôm nào đấy tôi cũng đi qua những ngọn đồi mà ở trên đó, bạn tôi từng có một ngôi nhà. Chúng ta luôn nhớ một ngôi nhà có thật, nhưng chúng ta còn nhớ nhiều hơn vì nó đã mất đi. Trong ngôi nhà ấy, xôn xao gió và vằng vặc ánh trăng, đẫm mùi cỏ tươi nồng, đầy tiếng côn trùng và ứ tràn những mến thương.

Rồi tôi sẽ trở lại, mười lần, trăm lần, hay hơn thế nữa, thì tôi sẽ vẫn đứng yên ở đây và nhìn vào, trong yên lặng, để những mến thương luôn sống động, đầy ắp, như một nguồn năng lượng vô giá cho cuộc đời đang mất đi.

ĐỖ BÍCH THÚY
 

;
;
.
.
.
.
.