Chút hoài niệm phố cũ

.

1. Đêm. Đứng trên cầu Thuận Phước nhìn về phía núi Ngũ Hành Sơn thấy muôn vàn ánh đèn nhấp nháy trên những tòa nhà cao tầng lung linh in bóng xuống mặt nước Hàn giang trong xanh, tôi càng thêm yêu thành phố biển. Nhìn xuống đường Bạch Đằng chạy dọc bờ sông ngập tràn sắc màu như cô gái vừa được trang điểm, bất chợt tôi lại nhớ về những ngày tháng cũ đạp xe chầm chậm trên con đường này. Thú thật, nhớ chứ không buồn! Đó là những ký ức về con đường sắt và những chuyến phà chầm chậm sang ngang.

Phà ngang sông Hàn. Ảnh: ĐÌNH LẠC
Phà ngang sông Hàn. Ảnh: ĐÌNH LẠC

Trước năm 1975, một tuyến đường ray tàu lửa từ ga Đà Nẵng chạy ra phía chợ Tam Giác rồi theo đường Đống Đa vòng qua sát mép sông Hàn, ven đường Bạch Đằng để lên cầu đường sắt sang quận 3, ra cảng Tiên Sa “ăn hàng”. Sau ngày Đà Nẵng giải phóng, việc vận chuyển hàng hóa theo lộ trình của tuyến đường ray này chấm dứt, chỉ còn lại một đoạn ngắn từ cảng cạn, số 2 Đống Đa về ga Đà Nẵng. Hồi ấy, ngoài việc xe tải nặng chở hàng từ cảng sâu qua cầu Nguyễn Văn Trỗi để xuôi Nam ngược Bắc, còn có những chuyến tàu nhỏ đưa hàng vào cảng số 2 Đống Đa để vận chuyển bằng đường sắt về ga. Nhiều khi hàng cũng từ ga về Tổng kho Lương thực số 6 hoặc kho lúa gạo ở  gần khách sạn Trang Thư bây giờ. Chính vì thế nên cung đường chỉ hơn 1km thôi mà còi tàu kéo liên hồi mỗi khi bắt đầu lăn bánh từ chợ Tam Gíac cho tới cảng ở cửa sông Hàn và ngược lại, bởi dọc đường Đống Đa nhà cửa san sát. Những ngôi nhà phía bên các phường Thanh Bình, Thuận Phước thì việc ra vào đều phải đi qua đường ray.

Ấy thế mà hàng chục năm trời không hề có một vụ tai nạn đường sắt nào. Tiếng bánh sắt xình xịch pha lẫn tiếng còi réo rắt inh ỏi đã tạo cho không ít người sống ở nơi đây, trong đó có tôi, tự dưng trở thành thói quen thân thuộc. Đến đầu thập niên 90, những cặp mắt đèn pha sáng rực cũng như những hồi còi tàu bỗng trôi vào dĩ vãng do các bánh sắt ngừng quay. Các chuyến tàu không ai còn thấy nữa nhưng cung đường sắt vòng vèo từ ga ra cảng nước sâu sát núi Sơn Trà xanh thẳm vẫn hiện diện trước mắt bao người. Trải qua một thời gian khá dài, tuyến đường ray này như bị chìm vào giấc ngủ say mà không có ai lay gọi cho đến khi cả thành phố “thức giấc” mới được tháo bỏ và coi như nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

2. Nhắc tới con đường sắt này, tôi lại nhớ tới những chuyến phà sông Hàn mà không ít người vẫn quen gọi phà An Hải. Từ ngày 29-3-2000 trở về trước, những chuyến phà vẫn oằn mình, hì hục ngày đêm qua lại đôi bờ. Hồi đó khách lên phà thường là những người đi bộ, đi xe đạp hoặc chạy các loại xe máy đời cũ. Cán bộ, công nhân viên Nhà nước thì thường được cơ quan mua vé đi phà theo tháng cho tiện.

Không ít lần thấy phà đầy người, tháo dây neo, sợ bị trễ giờ làm việc, tôi phải vác chiếc xe đạp cọc cạnh trên vai, bước qua được cổng soát vé nhưng đành phải… lỡ chuyến sang ngang, vì phà đã rời bến. Thế là tôi trở thành người “ở vòng trong” để đợi chuyến sau. Những người lái phà đều thực hiện nguyên tắc rất nghiêm ngặt là hễ thấy chuyến bên này vừa rời bến thì chuyến bên kia cũng phải nhổ neo, mặc dù rất ít khách, để bảo đảm an toàn cho phà cập bến. Các chuyến phà đêm luôn khuấy động cả một vùng sông nước, thỉnh thoảng, phà lại hụ những hồi còi quen tai ngay giữa dòng sông phẳng lặng để cảnh báo các tàu, thuyền xuôi ngược, đề phòng tai nạn trên sông…, cho đến 22 giờ mới nghỉ.

Khi tiếng chuông nhà thờ giục liên hồi, đằng đông ửng hồng thì tiếng động cơ phà lại bành bạch giòn giã. Vào giờ này, người đi phà chủ yếu là các mẹ, các chị từ phía quận 3 kĩu kịt những gánh hoa của làng An Đồn, Phước Mỹ, Mân Thái, những mẹt cá còn tươi rói từ những chiếc ghe đánh bắt gần bờ trong đêm của bà con xóm biển nhà chồ, phường Nại Hiên Đông sang chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Tam Giác… cho kịp sáng. Tiếng động cơ xe lambro, tiếng cọt kẹt của xích lô, ba gác hòa cùng tiếng gọi nhau í ới càng làm cho hai đầu bến phà thêm náo nức. Những âm thanh ấy như réo gọi ánh bình minh vội vàng thức giấc.   

Cung đường sắt mất đi, những chuyến phà sông Hàn cũng lùi vào dĩ vãng bởi sự vươn mình đứng dậy của thành phố. Cầu Sông Hàn nối nhịp đông-tây gần 20 năm rồi, nghĩa là chừng đó thời gian người Đà Nẵng không còn trông thấy các chuyến phà quá đỗi gần gũi ấy nữa, nhưng hình ảnh của nó và những hồi còi lanh lảnh trong đêm vẫn còn văng vẳng trong nỗi nhớ của bao người đã một thời gắn bó với phà, với cung đường sắt thân thương!    

THÁI MỸ
 

;
;
.
.
.
.
.