Vận động viên marathon Eliud Kipchoge đang giữ kỷ lục thế giới là 2 giờ 1 phút và 39 giây cho quãng đường 42,2km khi anh xác lập tại Berlin (Đức) hồi năm 2018. VĐV người Kenya vừa đưa ra mục tiêu sẽ chạy marathon dưới 2 giờ tại cuộc thi Vienna (Áo) vào tháng 10 tới. Anh ví “Thử thách 1 giờ 59 phút” của anh khó chẳng khác gì Neil Amstrong lên Mặt Trăng năm 1969.
Kipchoge bên mục tiêu đề ra của mình. |
Eliud Kipchoge đang tập luyện tại trại Kaptagat ở quê nhà. Ngôi sao marathon 34 tuổi này cho biết mọi kế hoạch tập luyện diễn ra như ý càng thôi thúc anh mong chờ ngày 12-10 tới ở Vienna. Kipchoge hiểu rõ đó là thử thách không dễ vượt qua, nhưng đó cũng là cách để anh chứng minh cho mọi người thấy được không có giới hạn cho con người - một khi chúng ta đặt ra mục tiêu và phấn đấu thì có thể hoàn thành.
Liên đoàn Điền kinh quốc tế (IAAF) từng bác bỏ kỷ lục 2 giờ 25 giây mà chính Kipchoge xác lập ở Monza (Ý) hồi năm 2017. Lúc đó, anh nằm trong dự án đầu tư của hãng dụng cụ thể thao Nike. Lý do IAAF không công nhận vì công tác tổ chức ở Monza không bảo đảm yếu tố kỹ thuật, trong đó có đôi giày Zoomly 4% của Nike cho Kipchoge. Tờ New York Times hồi năm 2018 công bố một báo cáo toàn diện về chiếc giày 4% của Nike là loại giày được thiết kế dưới dạng lò xo, đẩy người chạy về trước trong khi vẫn bảo toàn được năng lượng.
Khi Kipchoge lập kỷ lục hiện tại ở Berlin hồi năm ngoái, anh đã vượt kỷ lục cũ của đồng hương Dennis Kimetto năm 2014 là 1 phút 18 giây. Để thực hiện được mục tiêu của mình, vận động viên 34 tuổi này phải vượt qua thành tích của chính mình tới 1 phút 40 giây. Trong lúc rất nhiều người hâm mộ tin vào nỗ lực của Kipchoge thì giáo sư Ross Tucker, chuyên về khoa học thể thao, lại hoàn toàn bác bỏ.
Giáo sư đáng kính người Nam Phi cho rằng Kipchoge không thể vượt qua ngưỡng này. “Nếu đưa người lên Mặt Trăng liên quan tới việc vượt qua trọng lực thì mục tiêu của Kipchoge là loại bỏ trọng lực ra khỏi sự cân bằng”, giáo sư Tucker nói. Ông còn nói thêm rằng nếu nỗ lực của VĐV người Kenya thực hiện thành công thì chẳng khác gì phá kỷ lục nhảy cao của Javier Sotomayor (Cuba) 2m45 năm 1993 để nhảy thẳng lên sao Hỏa.
Giáo sư Tucker thừa nhận Kipchoge là một tài năng của marathon nhưng marathon là môn thể thao thuần khiết nhất, tức là không bị tác động bởi những phát minh khoa học. Thể thao thế giới từng chứng kiến những kỷ lục nhờ dụng cụ thể thao. Môn bơi lội tại Olympic 2008 ở Bắc Kinh (Trung Quốc) là ví dụ điển hình. Huyền thoại Michael Phelps từng cho biết mặc đồ bởi LZR Racer của Speedo giúp anh giống như tên lửa. 94% kình ngư ở Bắc Kinh năm 2008 mặc đồ LZR Racer. Sau đó, Liên đoàn Bơi lội quốc tế đã phải thay đổi các quy tắc liên quan để tránh bùng nổ kỷ lục. Marathon chỉ có đôi chân, bàn chân, phổi, tim và não. Nếu có thêm những đôi giày như Nike 4% trước kia thì chẳng khác gì doping.
TỊNH BẢO