Khi cha mẹ "xù lông nhím"

Hôm rồi gặp người bạn cũ ở Sài Gòn ra. Bạn nói chuyến này về quê ở luôn không vào ở với con gái nữa. Cũng chỉ là những chuyện vặt vãnh thôi nhưng sao nghe buồn quá đỗi. Khi con còn nhỏ dại, cha mẹ như ông bụt, bà tiên biết hết mọi thứ có thể cho con trên đời này.

Nhưng có một ngày, con lớn lên, “ông bụt”, “bà tiên” không còn “phép màu” nữa. Thế giới của con cái ngày nay là Internet, là điện thoại thông minh, là thời trang, showbiz,… Trong khi thế hệ của cha mẹ là trên đồng cạn, dưới đồng sâu, câu hát ru à ơi, là đàn lợn, đàn gà quẩn quanh cối thóc.

Xung đột điển hình nhất mà chúng ta thường thấy là xung đột giữa cha mẹ và con cái trong gia đình. Thậm chí có nhiều gia đình đỉnh điểm là con cái không còn tương tác được với cha mẹ. Một trong những lý do là khoảng cách về thế hệ. Mỗi thế hệ khác nhau thì có cách cảm, cách nghĩ khác nhau. Cho nên, con cái và cha mẹ đôi khi khó có thể “đồng cảm” với nhau khi khác nhau rất nhiều về thời thế, về hệ thống giáo dục.

Có thể nói, hầu hết các bậc cha mẹ sống cùng các con, họ có nhiều điều không biết nhưng ngại không hỏi, không dám đề cập với con cái. Lý do đơn giản, gánh nặng tuổi tác khiến họ cảm thấy mình trở nên... vô dụng. Con cái giờ tiếp cận với hàng loạt kiến thức khoa học - kỹ thuật hiện đại hơn và vô tình xem thường cha mẹ. Những câu nói dù không cố ý nhưng đã làm cha mẹ đau lòng như: “Sao mẹ không nhớ gì hết vậy?, “Ba (mẹ) cứ gọi điện hoài làm sao con làm việc”, “Con đã dặn ba (mẹ) rồi, đừng làm gì hết. Chứ đụng đâu đổ bể đó thì chỉ làm khổ con cái thôi”...

Chính sự thiếu kiên nhẫn và vô tâm của con cái vô hình trung khiến ba mẹ phải “xù lông nhím” dỗi hờn, tủi thân, thậm chí là cách xa dần với con cháu trong gia đình. Đó chính là nỗi buồn lớn nhất của các bậc cha mẹ. Họ bắt buộc trở nên cô đơn, thận trọng hơn đối với chính những đứa con mà mình đã rứt ruột sinh ra và nuôi lớn thành người.

Tôi đã từng xem một cảnh phim, trong đó hai mẹ con nhà nhím bị bầy chó săn vây đuổi. Nhím mẹ tội nghiệp đã xù bộ lông tua tủa gai nhọn và ra sức phóng về phía kẻ thù để che chắn cho con. Đàn chó đông quá, nhím mẹ đã phóng đi chiếc gai cuối cùng trên tấm thân bê bết máu. Nó vừa lết vừa che chắn cho đứa con bé nhỏ chạy vào ngách núi hẹp… Người ta nói, khi con nhím xù lông thì chính nó phải chịu đớn đau nhiều nhất. Vì trước khi những chiếc gai phóng ra, thì gai đã đâm sâu vào da thịt của nó trước tiên. Hóa ra để tự vệ, hơn ai hết nhím đã tự làm đau bản thân mình…

Giống như con nhím đớn đau cả da thịt khi xù lông phóng những chiếc gai nhọn để bảo vệ mình, những bậc làm cha làm mẹ cũng sẽ rất đau lòng khi buộc phải “xù lông” trước sự vô tâm của con cái. Và, không biết có được bao nhiêu đứa con nằm gác tay lên trán nghĩ lại và cảm thấy day dứt vì đã vô tình để lại những vết sẹo trong lòng đấng sinh thành?!

Người ta nói rằng, ở bất kỳ độ tuổi nào trong cuộc đời, một khi còn cha mẹ ở bên cạnh, chúng ta sẽ luôn thấy mình còn trẻ, còn khỏe, có thể “nâng cả trái đất”. Một mai cha mẹ không còn, chúng ta sẽ hiểu hơn ai hết nỗi mất mát và lẽ vô thường của cuộc đời. Chúng ta sẽ trở nên yếu đuối và cô độc trong chính căn nhà mình. Đó cũng là lúc con cái hiểu trọn vẹn được giá trị tinh thần mà đấng sinh thành đem lại.

Khi con còn thơ dại, cha mẹ kiên nhẫn nắm tay dắt con đi những bước đầu tiên. Giờ luống tuổi, cha mẹ phải dựa vào con để bước hết chặng đường còn lại. Nên dẫu cha mẹ có vụng về, chậm chạp, thì cũng đừng phàn nàn, bực dọc; bởi cuộc đời là một vòng tuần hoàn. Ai rồi cũng phải già đi. Đừng biến cha mẹ trở thành con nhím bởi những lời nói thiếu kiên nhẫn và vô tâm của mình…  

 Như Hạnh

;
;
.
.
.
.
.