Trên một con đường dốc với những hàng cây thông ở Đà Lạt, dẫn đến nhà nghỉ Hằng Nga, còn được gọi là Crazy House-Khách sạn kỳ dị.
Nằm đối diện với các biệt thự thuộc địa Pháp ở Đà Lạt, nhà nghỉ này tiên phong với vẻ kỳ quái: mê cung cầu thang xoắn ốc, phòng ngủ như một tác phẩm điêu khắc, bề mặt nhấp nhô, màu sắc tươi sáng, những cây cầu hẹp đi qua những ngóc ngách ẩn giấu vẻ đẹp chỉ có trong truyện cổ tích.
Nhà nghỉ Hằng Nga |
Kiến trúc sư Đặng Việt Nga, vừa là tác giả thiết kế công trình vừa là chủ nhân ngôi nhà nói với CNN: “Crazy House là đỉnh cao của cuộc sống và sự sáng tạo của tôi - tất cả đã kết hợp với nhau trong cấu trúc này. Tôi muốn tạo ra một cái gì đó nguyên bản, tiên phong - khác với mọi thứ khác trên thế giới”.
Đặng Việt Nga học tại Đại học Kiến trúc ở Moscow. Sau khi lấy bằng tiến sĩ về kiến trúc, bà đã làm việc vài năm ở Nga sau đó chuyển về Hà Nội làm việc cho các dự án của chính phủ. Trong một chuyến công tác tới Đà Lạt, bà Đặng Việt Nga yêu phong cảnh tươi tốt, khí hậu mát mẻ và những người tử tế nơi đây nên vào năm 1983, bà chuyển đến Đà Lạt cùng với cậu con trai 8 tuổi Nguyễn Việt Thắng.
Du khách đang vào nhà nghỉ. |
Vào tháng 2 năm 1990, bà lên kế hoạch cho Crazy House. Nhưng thay vì vẽ bản thiết kế công trình nhà ở, bà đã tạo ra một loạt các bức tranh thể hiện ý tưởng của mình. Cấu trúc chính của Crazy House dựa trên một cây đa. Là một dạng kiến trúc biểu hiện, ngôi nhà không có góc vuông mà thay vào đó là các hình thức hữu cơ được thiết kế để phản chiếu các yếu tố tự nhiên, như nấm dại, vỏ sò, hang động và mạng nhện.
“Ngôi nhà Crazy sẽ không bao giờ thực sự được hoàn thành. Nó giống như một sinh vật sống. Nó luôn luôn thay đổi. Với hình thức này, bạn phải cố gắng giải phóng tâm trí của bạn”, bà Đặng Việt Nga nói.
Khi xây dựng ngôi nhà, bà đã sử dụng nhiều loại vật liệu, bao gồm thép, gỗ và bê-tông. “Mẹ tôi đã sử dụng rất nhiều bê-tông vì nó không tốn kém và rất dễ thực hiện”, người con trai của bà, hiện đã 44 tuổi, nói “Vì mẹ tôi có thể tạo ra bất kỳ hình dạng nào bà ấy muốn, nó phản ánh những gì đang hình dung trong tâm trí của bà”.
Một góc bên ngoài. |
Chưa đầy một năm sau, nhà nghỉ mở cửa kinh doanh và đón những vị khách đầu tiên.
Crazy House gần gũi với thiên nhiên, có cảm giác như một khu rừng tưởng tượng được đưa vào cuộc sống. Một ngôi nhà chính trên cao, trông giống như ở Hansel và Gretel(*), nằm ở trung tâm của một khoảng sân rộng, được bao quanh bởi bốn ngôi nhà trên cây khổng lồ. Thoạt nhìn, các cấu trúc siêu thực gợi lại những cảnh tượng uốn éo từ một bức tranh của Salvador Dali, họa sĩ người Tây Ban Nha, nổi tiếng với những hình ảnh nổi bật và kỳ quái trong tác phẩm của mình. Hoặc có thể là các công trình kiến trúc của kiến trúc sư người Catalan hiện đại Antoni Gaudi.
Nhà Crazy đã đón khách từ năm 1991. Nhà có 10 phòng khách - mỗi phòng được đặt theo tên của một loài động vật hoặc thực vật, với hình dạng phong phú, giường giống như hang động và khu vực chỗ ngồi thì bằng gỗ.
Phòng nghỉ trên gốc cây. |
“Tôi cảm thấy rằng, trong thế kỷ qua, con người đã thực sự hủy hoại thiên nhiên. Không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới, vì vậy, tôi muốn tạo ra một cấu trúc mang con người đến gần với thiên nhiên hơn. Kết nối lại thiên nhiên là một thông điệp mà tôi muốn thực hiện qua hình ảnh và cấu trúc ngôi nhà”, kiến trúc sư Đặng Việt Nga nói, “Nhưng đó cũng là một thông điệp để đừng giới hạn bản thân bởi các quy tắc và kỳ vọng - giải phóng tâm trí và để trí tưởng tượng của mình được phát huy”.
Đúng như lời ước nguyện “Crazy House sẽ không bao giờ thực sự kết thúc, nó giống như một sinh vật sống. Nó luôn luôn thay đổi”. Chủ nhân nhà nghỉ đang mơ về hai khu vườn mới - Land Garden và Sky Garden - để thêm nhiều cây xanh và hoa, hẳn nhiên, chúng cũng là những ngôi nhà trên cây.
HOÀNG ĐẶNG (theo CNN)
(*) “Hansel và Gretel” là một câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Đức được ghi lại bởi anh em nhà Grimm và xuất bản vào năm 1812. Hansel và Gretel bị bắt cóc bởi một phù thủy ăn thịt người sống trong một ngôi nhà được xây dựng bằng bánh, kẹo, và nhiều thứ khác).