Cảm ơn những người truyền cảm hứng

Được cơ quan cử đi học chính trị, tôi vừa cảm thấy vui, vừa lo. Vui vì sau khoảng thời gian dài đi làm, tôi lại có cơ hội trở lại giảng đường, trở lại như thời học sinh, sinh viên với ngày 2 buổi đến trường.

Đi học, được quen biết thêm nhiều anh chị, bạn bè mới, rồi thì bất chấp U30, U40 hay thậm chí U50, tất cả đều sẽ lại hồn nhiên vui đùa và “quậy phá” chẳng khác gì cái thời “nhất quỷ nhì ma”. Nhưng có lẽ tôi cũng như nhiều anh chị khác - ở vào độ tuổi trung niên, khi nghe học hành, thi cử, chắc ai cũng có phần ngại ngần, nhất là đối với những môn học có phần khô khan và nhiều triết lý.

Và rồi dù vui vẻ hay lo lắng đan xen, tôi vẫn thấy “choáng ngợp” khi đối diện với một “kho” kiến thức tư duy lý luận sâu sắc, phức tạp của khóa học. Thế nhưng, khi trải qua một số buổi học ban đầu”, tôi và nhiều anh chị trong lớp đã tìm thấy cho mình sự thú vị và những cảm hứng bất ngờ riêng trong quá trình nghiên cứu.

Những tưởng khi học triết với các nguyên lý, với quy luật giá trị thặng dư, với học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội…, mọi thứ sẽ đi tuần tự từ khái niệm đến nguyên tắc đến ý nghĩa… Nhưng không, các thầy cô đã cho chúng tôi một không gian mở với sự phát triển của xã hội rộng lớn, chúng tôi có cơ hội được nghe lại một cách hệ thống về sự phát triển của xã hội loài người, những dẫn chứng, sự kiện thực tế trở nên sống động trước mắt. Không chỉ là lịch sử Việt Nam, chúng tôi như được dẫn dắt vào cả lịch sử thế giới phương Tây, phương Đông đầy biến động qua các thời kỳ. Rồi từ đó, những kiến thức lý luận được đúc rút ra từ thực tiễn trở nên dễ hiểu, dễ nhớ và đơn giản hóa hơn rất nhiều.

Có lẽ, dù mỗi ngành nghề đều có những khó khăn, trở ngại riêng, nhưng tôi cảm nhận, những thầy cô dạy các môn lý luận - chính trị, ít nhất họ có một niềm tự hào - mình là người Việt biết rõ sử Việt. Và chúng tôi - những người đi học chính trị cần phải củng cố lại cho mình niềm tự hào đó.

Trải nghiệm qua các tiết học, tôi nghĩ, lịch sử nên chăng phải được học từ niềm cảm hứng. Tất cả mọi sự vật, hiện tượng, mọi thăng trầm trong xã hội đều gắn với những giai đoạn, thời kỳ lịch sử nhất định. Vì vậy, nên chăng lồng ghép lịch sử với các môn học khác để tạo sự liên kết, thống nhất và thú vị hơn cho môn học. Như chúng tôi đang được học lại lịch sử qua những chuyên đề chính trị tưởng chừng khô khan và cứng nhắc.

Bên cạnh đó, vai trò truyền cảm hứng của thầy cô cũng rất quan trọng. Cũng một phần may mắn khi tôi đang được “truyền cảm hứng” từ những người thầy, người cô đầy tâm huyết. Với mức lương giảng viên chính trị hiện nay - tôi nghĩ không cao, thậm chí là thấp hơn nhiều so với các ngành nghề khác, nhưng tôi cảm nhận rõ trong ánh mắt, trong dáng dấp, trong cử chỉ, và nhất là trong từng lời giảng của họ sự yêu nghề và không chỉ sự yêu bài giảng - mà chính là tình yêu dành cho đất nước, cho những gì thuộc về lịch sử và công cuộc phát triển của đất nước.

Khoan hãy bàn đến việc thích hay không thích đối với những chuyên đề chính trị hay môn học lịch sử, việc thích hay không thích nằm trong cảm nhận chủ quan của mỗi cá nhân. Nhưng trước hết tôi nghĩ, việc tìm hiểu ngọn nguồn chính trị và hiểu biết lịch sử quốc gia - đó là trách nhiệm của mỗi công dân. Và trong khóa học, đôi lúc tôi cũng giật mình tự hỏi - mình đã làm tròn được trách nhiệm đó chưa? Cháu tôi năm nay 12 tuổi - đặc biệt yêu thích môn lịch sử và tôi luôn ủng hộ cháu về điều này. Có thể sau này cháu tôi không đi theo con đường giảng dạy hay nghiên cứu lịch sử, nhưng những kiến thức về lịch sử, về quy luật và xu thế phát triển của thế giới sẽ là tiền đề vững chắc để cháu tôi tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của những môn khoa học khác.

Hôm nay, tôi cùng con đến Thư viện thành phố để đọc sách với bé. Chẳng hiểu sao tôi lại không say sưa với “Bảy ngày cho mãi mãi” của Marc Levy hay “Hành trình về phương Đông” của Blair T. Spalding như mọi khi, tôi “lượn lờ” vào khu vực sách khoa học chính trị và lịch sử. Chọn lọc và lật giở từng trang sách, tôi mỉm cười nghĩ “Cảm ơn những người - truyền - cảm - hứng”!

Đỗ Lan Hương


 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.