Đà Nẵng cuối tuần

Đời thường lấp lánh

09:19, 27/10/2019 (GMT+7)

Với cựu binh Dương Phú Học (thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), đã vượt qua được những khổ cực trong chiến tranh thì không lý gì lại bó tay trong thời bình. Từ tư duy đó, ông đứng ra thành lập doanh nghiệp, tìm nguồn việc làm và thu nhập cho anh em cựu quân nhân.  

Người lính Cụ Hồ năm xưa giờ là giám đốc, mỗi năm tạo doanh thu cho hợp tác xã của mình hơn 11 tỷ đồng. Ảnh: H.A
Người lính Cụ Hồ năm xưa giờ là giám đốc, mỗi năm tạo doanh thu cho hợp tác xã của mình hơn 11 tỷ đồng. Ảnh: H.A

Ông Học bảo, trong cuộc đời mỗi người, luôn có những sự kiện, ngày tháng quan trọng không thể nào quên. Với ông, ngày 25-11-1976 là một trong những ngày đáng nhớ như thế. Đó là ngày ông nhập ngũ. Ông đi bộ đội đúng 4 năm 7 tháng 15 ngày. Ông Học tham gia đơn vị công binh mở đường (thuộc Trung đoàn 727, Quân đoàn 2). “Đơn vị của tôi không trực tiếp cầm súng ra chiến trường nhưng lăn lộn ở khắp các cung đường phía Bắc, từ Lào Cai, Lạng Sơn, Lai Châu...; chứng kiến biết bao đồng đội của mình ngã xuống ngay trước mắt. Có những ngày tay chúng tôi đào đường, bưng vác xi-măng giữa tiếng đạn bom rền vang trời. Đạn địch bắn từ bên kia sông chĩa qua như bắp rang. Nhớ lại vẫn còn cảm giác hãi hùng, như nghe rõ tiếng bom trượt qua tai. Chiến đấu ở chiến trường khốc liệt mà được lành lặn trở về là diễm phúc quá lớn.

Có đi qua những ngày gian khổ ấy mới thấy giá trị của cuộc sống hòa bình hiện tại”, ông Học kể.
Hồi rời làng đi bộ đội, ông Học chỉ đạt trình độ lớp 5 trường làng. Khi ra quân, ông cũng như bao người, chỉ có thể lao động chân tay. Ông theo các anh trong xã đi đắp đập hồ Hòa Trung, hồ Phú Ninh. Xã Hòa Liên ngày ấy mất mùa quanh năm. Chỉ có cây sắn sống được giữa thời buổi khắc nghiệt ấy. Những bữa cơm độn sắn diễn ra triền miên. Đã quen chịu đựng gian khổ nên hầu như ông không chùn bước trước những khó khăn trên đường đời.

Tâm trí ông lúc nào cũng đau đáu với suy nghĩ làm thế nào để vượt khó, làm giàu chính đáng. Ban đầu, được sự vận động của Hội Cựu chiến binh xã Hòa Liên, ông tham gia vào Hợp tác xã với “chân” thư ký. Mỗi năm, Hội Cựu chiến binh thành phố mở các lớp tập huấn về mô hình xây dựng kinh tế thời kỳ đổi mới, ông đều hăng hái tham gia với suy nghĩ “học thêm được cái gì cũng tốt”. Đến năm 2010, ông mạnh dạn thành lập HTX Vận tải và Kinh doanh tổng hợp Hòa Liên (chuyên san lấp mặt bằng, dọn vệ sinh, trồng cây xanh…).

Ông vận động bà con nhân dân là con em của cựu quân nhân tham gia vào HTX. Ông “đứng mũi chịu sào” để bà con được vay vốn mua phương tiện đi lại, sửa sang nhà cửa… “Hồi ấy đất Hòa Liên bị thu hẹp, mất mùa liên miên. Bà con nhàn rỗi không có công ăn chuyện làm. Nhiều đêm dài tôi thao thức không sao ngủ được. Tôi băn khoăn tự nhủ bản thân mình phải làm thế nào để vươn lên thoát nghèo, làm thế nào để giúp được bà con có cuộc sống ổn định. Cũng chính lúc ấy, bản lĩnh, quyết tâm của người lính lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôi quyết tâm thành lập HTX, vừa là làm giàu cho gia đình, vừa đóng góp cho quê hương”, ông bộc bạch. Để rồi đến nay, HTX Vận tải và Kinh doanh tổng hợp Hòa Liên do ông Dương Phú Học làm giám đốc có vốn đầu tư hơn 11 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 70 lao động tại địa phương; trong đó đa số là vợ con của hội viên cựu chiến binh. Mức lương tối thiểu của công nhân 7 triệu đồng/tháng.

Vẫn giữ quan điểm “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, ở công ty, ông là một giám đốc doanh nghiệp bận rộn nhưng về địa phương, ông trở thành người của cộng đồng, đảm nhận Chi hội trưởng Chi hội Hội Cựu chiến binh thôn Trung Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh huyện Hòa Vang. Ông nhận hỗ trợ suốt đời một thương binh tại địa phương với mức 200.000 đồng/tháng. Vợ, con, người thân của cựu chiến binh tại địa phương nếu có nhu cầu đều được ông thu nhận vào làm việc tại HTX. Hết giúp đỡ hoàn cảnh này, ông lại đi thăm hỏi trường hợp khác. Những dịp lễ, Tết bận rộn nhưng ông vẫn không quên những suất quà tặng người nghèo.

Nhìn cơ ngơi tiền tỷ của ông khang trang, sạch đẹp, con cái ngoan ngoãn, mới thấy tầm vóc của người cựu chiến binh “tàn nhưng không phế” này. Ông bảo, những tấm giấy khen ghi nhận việc làm của ông được các cấp từ Trung ương đến địa phương khen thưởng không làm ông vui bằng cái bắt tay chào hỏi, cái ôm thân tình của bà con xóm giềng mỗi khi có dịp gặp mặt. Còn tôi, tôi thấy lấp lánh trong ông là tình người, tình đời. Khi nhắc về chiến tranh, về đồng đội, ông yếu đuối, xúc động bao nhiêu thì khi nhắc về công việc, ông lại quyết đoán bấy nhiêu. Đó là phẩm chất đáng quý của người chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ”.

HẢI ÂU

.