Khuôn mặt của bố

.

Mỗi người đều mang một dáng vẻ riêng, mà chủ yếu là sự khác biệt trên khuôn mặt. Có những khuôn mặt đáng yêu, gặp một lần có thể khiến ta nhớ mãi trong đời. Có những khuôn mặt luôn rạng rỡ, tươi vui tràn đầy năng lượng sống, niềm lạc quan, yêu đời. Lại có cả những khuôn mặt dị dạng, khuyết tật, mang nặng nỗi niềm mặc cảm, u uất… Khuôn mặt gây ấn tượng lớn nhất với tôi, không phải ở đâu xa xôi mà lại chính là khuôn mặt của bố. 

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chẳng hiểu sao từ lúc nhỏ, tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi khuôn mặt của bố. Thậm chí khuôn mặt của bố còn len lỏi cả vào trong giấc mơ tôi như một hình ảnh gắn bó dai dẳng chẳng thể nào dứt. Khuôn mặt ngăm đen, gân guốc. Hai gò má cao nhô lên càng lộ rõ hốc mắt thâm sâu. Đã thế, những sợi tóc, lọn tóc rối vàng hoe cứ phất phơ trên trán, che khuất một phần khuôn mặt. Nhưng dù thế nào thì hằn lên thường trực trên khuôn mặt của bố vẫn là những nếp nhăn. Có những nếp nhăn tự nhiên trên trán, trên khóe mắt như gợn sóng hay những vết chân chim, nhưng nhiều nhất vẫn là những nếp nhăn nổi lên khắp khuôn mặt mỗi khi bố tức giận điều gì!

Khuôn mặt bố khiến tôi lúc nào cũng có cảm giác nơm nớp lo sợ. Mỗi lần bố nhăn mặt là anh em tôi đang ríu rít huyên thuyên lại im bặt chẳng dám nói cười, ai nấy lẳng lặng tìm cách lảng tránh đi nơi khác. Nhất là những hôm mấy anh em ở nhà vui đùa đến quên cả nấu cơm, quét dọn nhà cửa, bỗng bố đi làm về, chỉ cần thấy bố nhăn mặt trong im lặng là đã sợ mất hồn mất vía. Thế rồi, đứa nào đứa nấy ngay lập tức tự tìm một việc gì đó để làm.

Cũng bởi khuôn mặt của bố chẳng mấy khi niềm nở, lúc nào cũng khó đăm đăm, có khi lại trầm ngâm buồn mà anh em tôi thích gần gũi bên mẹ nhiều hơn. Suốt tuổi thơ tôi, chưa bao giờ tôi chạy lại sà vào lòng ôm lấy bố, hay đặt lên trên trán, trên má bố những cái hôn tíu tít như những đứa trẻ khác. Thậm chí có lúc tôi ghét bố. Suốt những năm tiểu học, và khi đã lên cấp hai, cấp ba, tôi chẳng hào hứng lắm với việc dẫn bạn về nhà chơi cũng chỉ bởi sợ bạn không hài lòng khi bắt gặp khuôn mặt của bố. Thế rồi, tôi thường nghĩ đến khuôn mặt luôn niềm nở, rạng rỡ nụ cười của những người xung quanh và ước gì bố cũng có khuôn mặt như vậy.

Lớn lên, qua lời kể của mẹ và xóm giềng, tôi dần hiểu những thiệt thòi, khó nhọc mà cuộc đời bố đã phải trải qua. Bà nội mất khi bố mới 4 tuổi. Ông nội đi bước nữa. Tuổi thơ của bố là những tháng ngày đói rách, ăn nhờ ở đậu. Lớn lên, bố tham gia dân công, quân ngũ rồi về cưới mẹ với hai bàn tay trắng. Trong căn nhà ngói xiêu vẹo, bốn anh em tôi lần lượt ra đời, gánh nặng cơm áo càng đè nặng lên vai và hằn lên cả khuôn mặt của bố. Phải chăng chính những thiệt thòi, nhọc nhằn đã khiến khuôn mặt bố chẳng khi nào hết lo toan, thậm chí trở nên cáu bẳn, khó tính... Nghĩ đến điều đó, lòng tôi lại cảm thấy thương bố thật nhiều!

Giờ anh em tôi đều đã có gia đình riêng, công việc ổn định và con cái đề huề. Bố chẳng còn phải tất tả ngược xuôi kiếm ăn từng bữa như cái ngày xưa ấy. Khuôn mặt bố như giãn nở, thanh thoát và vui vẻ hơn rất nhiều. Những dịp bố lặn lội từ Bắc vào Nam thăm con cháu hay những khi gia đình tôi về quê chơi, tôi lại thích được ngắm nhìn khuôn mặt thư thái của bố. Lòng cảm thấy vui vì bố hãy còn khỏe mạnh và thấy tự hào khi có một người bố đã luôn biết hy sinh cho các con.

Bố là thế! Chẳng nói nhiều nhưng sẵn sàng chấp nhận gánh vác những vất vả, cực nhọc vì các con. Bởi thế, khuôn mặt bố dù có lúc thô ráp, gân guốc hay đăm đăm, khó chịu… nhưng vẫn đáng yêu, đáng kính vô cùng!

Thanh Ba

;
;
.
.
.
.
.