Đà Nẵng cuối tuần

Thu nhập quyết định chất lượng sống của người dân

08:31, 27/10/2019 (GMT+7)

Từ năm 2017, Chính phủ đề ra kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nhiều mục tiêu nhằm nâng cao mức sống, thu nhập của người dân nông thôn; trong đó phấn đấu tăng thu nhập bình quân của cư dân nông thôn năm 2020 lên tương đương khoảng 43,9 triệu đồng/năm. Xét trên mục tiêu này, đến nay huyện Hòa Vang đã có 6/11 xã sớm hoàn thành với thu nhập bình quân đạt ngưỡng từ 43 đến 48 triệu đồng.

Những vườn bưởi ở xã Hòa Ninh cũng như mô hình trồng rau sạch ở Hòa Phong bảo đảm thu nhập cao, ổn định cho nông dân. Ảnh: HOÀNG NHUNG
Những vườn bưởi ở xã Hòa Ninh cũng như mô hình trồng rau sạch ở Hòa Phong bảo đảm thu nhập cao, ổn định cho nông dân. Ảnh: HOÀNG NHUNG

Nhiều năm trước, tận dụng vài miếng đất trống quanh vườn nhà, ông Đặng Văn Nhân (thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) giâm mấy nhánh bưởi già, nghĩ nếu có trái sẽ hái đặt bàn thờ, hoặc làm món ăn vặt cho bọn nhỏ trong nhà. Nào ngờ, sau mấy năm cây bén đất, phát triển tốt, cho trái ngọt đầy cành dù gia đình ông không bỏ công chăm sóc. Đặc biệt, quả bưởi rất mọng nước, ít sâu bệnh, giòn ngọt, ai ăn thử cũng khen ngon.

Nhìn thấy tiềm năng từ loại cây dễ trồng, dễ chăm như bưởi, năm 2010, ông Nhân chọn những cành già, khỏe mạnh để sang chiết thành 100 cây trồng trên diện tích 0,5ha. Đến thời điểm hiện tại, mỗi năm 100 cây bưởi cho thu hoạch 2 vụ, giá trung bình 20.000 đồng – 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Nhân thu về khoảng 100 triệu đồng/năm.

Cách đây hơn 1 năm, cùng với đề án “Trồng nhân rộng phát triển mô hình trồng bưởi ở xã Hòa Ninh” với diện tích trên 10ha của UBND huyện Hòa Vang, gia đình ông Đặng Văn Nhân mở rộng diện tích lên hơn 1ha. Cùng với đó, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang xuống tận vườn bưởi để chuyển giao công nghệ trồng, chăm sóc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành cho rằng, kinh tế của huyện tăng trưởng khá, nhưng quy mô còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Sản xuất kinh doanh đứng trước nhiều thách thức mới. Nguồn thu ngân sách thấp, không ổn định, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Huyện Hòa Vang với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích đất nông nghiệp sẽ tiếp tục giảm do quá trình đô thị hóa trong tương lai. “Muốn xây dựng thành công nông thôn mới, điều then chốt phải làm được là tăng thu nhập bền vững cho nông dân. Chỉ khi nào người nông dân có thể làm giàu trên chính mảnh vườn của họ, khi đó Hòa Vang mới thật sự phát triển”, ông Đặng Phú Hành nói. Vài ba năm trở lại đây, huyện Hòa Vang tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị hàng nông sản, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, liên kết những vùng rau nhỏ lại để cho thị trường nguồn rau dồi dào hơn.

Để phát triển kinh tế vùng nông thôn, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21-8-2019 về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Được biết, OCOP ra đời với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị con người, sản phẩm vùng nông thôn, dựa trên lợi thế của các địa phương.

Cũng như nhiều vùng nông thôn trong cả nước, huyện Hòa Vang cũng đang xây dựng sản phẩm OCOP cho chính mình. Ở xã Hòa Nhơn, nhìn thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ cây kiệu hương, lãnh đạo xã đã theo sát, khuyến khích người dân mở rộng diện tích, dành nhiều thời gian chăm sóc để cây mang lại năng suất cao. Hơn một năm nay, cùng với cây kiệu hương, hơn 60 hộ dân tại xã Hòa Nhơn có nguồn thu nhập bình quân mỗi hộ từ 60-70 triệu đồng/năm trên diện tích hơn 3ha.

Có thể thấy rằng, huyện Hòa Vang đang tận dụng thế mạnh vùng miền khá tốt trong phát triển kinh tế cho người dân. Nếu xã Hòa Nhơn phát triển cây kiệu hương, xã Hòa Ninh tăng trưởng với cây bưởi, trồng rau thủy canh thì những xã như Hòa Phong, Hòa Khương tập trung vào sản xuất rau hữu cơ, nuôi trồng thủy sản... Đây là cơ sở để huyện tiếp tục hình thành các sản phẩm OCOP chất lượng, đáp ứng các yêu cầu sản phẩm sạch, đạt chuẩn, đạt số lượng cung ứng trong tương lai.

Theo ông Đặng Phú Hành, thu nhập bình quân trên địa bàn nông thôn toàn huyện năm 2018 đạt 43,97 triệu đồng/người, tăng hơn 3 lần so với năm 2010; đồng thời huyện luôn “mở rộng cửa” để chào đón các đoàn nghiên cứu về khảo sát, tư vấn hướng phát triển kinh tế bền vững. Ngoài ra, để tiếp tục nghiên cứu, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy trình ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, những năm qua, huyện Hòa Vang tăng cường hợp tác với các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học thử nghiệm, các trường đại học, cao đẳng ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và xây dựng các mô hình sản xuất thử, khảo nghiệm trong nông nghiệp; triển khai sản xuất đại trà bằng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao cùng với quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; ưu tiên đầu tư phát triển nhóm chủ lực như: lúa giống, lúa hữu cơ, rau an toàn, cá nước ngọt, tôm cua, gà đồi...

Nói như thế không có nghĩa mọi việc đều suôn sẻ. Ông Đặng Phú Hành cho hay, trong 2 năm 2016-2017, huyện đã tập trung kêu gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, tuy nhiên đến nay các dự án vẫn chưa thực hiện được do vướng thủ tục pháp lý về đất đai. “Để phần nào tháo gỡ khó khăn này, chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị thành phố giao cho huyện được quyết định cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao có quy mô dưới 3 ha tại các vùng nông nghiệp công nghệ cao đã được thành phố quy hoạch.

Riêng đối với DN, đề nghị thành phố có danh mục dự án khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn thành phố để cho huyện chủ động, trực tiếp kêu gọi các tổ chức, DN, cá nhân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không nằm trong quy hoạch (quy mô dưới 3 ha) thực hiện dự án theo các phương án: nhà đầu tư mua đất của dân, vận động nhân dân góp vốn cùng nhà đầu tư lập DN hoặc hợp tác xã…”, ông Đặng Phú Hành chia sẻ.

Trong lúc nhu cầu của thị trường đang hướng về các dòng sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng thì việc phát triển nông nghiệp toàn diện, chú trọng ứng dụng công nghệ cao, giảm ngày công lao động, tìm kiếm giống cây trồng phù hợp, cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến cần được thực hiện và duy trì trong tương lai.

Bên cạnh đó, để kéo gần khoảng cách giữa người dân nông thôn và đô thị, huyện Hòa Vang cũng cần kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái dựa trên những thế mạnh địa hình sẵn có, xây dựng các siêu thị mini, khu bày bán nông sản sạch, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Có như vậy, chất lượng sống của người dân mới thật sự bảo đảm, tạo động lực cho họ tiếp tục xây dựng quê hương Hòa Vang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 của huyện Hòa Vang, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 chỉ đạt 12,24 triệu đồng/người/năm; đến cuối năm 2018 thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 43,97 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0% (theo tiêu chí nông thôn mới). Có 6 xã đạt mức thu nhập từ 43,72 đến 48,25 triệu đồng/người/năm gồm: Hòa Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Châu, Hòa Phước và Hòa Khương.

HUỲNH LÊ


 

.